Bên trong cuộc bầu cử của Campuchia

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang vượt trội so với các đối thủ khác trước cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào ngày 23/7.

Vào ngày 23/7, Campuchia sẽ tiến hành bỏ phiếu để bầu ra đại diện cho 125 ghế của hạ viện - Quốc hội. Đây là lần thứ bảy quốc gia Đông Nam Á tiến hành bầu cử kể từ khi Liên Hợp Quốc khôi phục vào năm 1993.

Hiện, Đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP), đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen, đang vượt trội so với các đối thủ khác trên đường đua chính trị này.

Một phụ nữ cầm tấm bảng của Thủ tướng Hun Sen trong cuộc vận động tranh cử ở Phnom Penh ngày 21/7. Nguồn: Nikkei Asia

Một phụ nữ cầm tấm bảng của Thủ tướng Hun Sen trong cuộc vận động tranh cử ở Phnom Penh ngày 21/7. Nguồn: Nikkei Asia

Trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 7 giờ chiều, ngày 23/7, sẽ có khoảng 9,7 triệu cử tri có mặt tại 23.789 địa điểm trên Campuchia để đăng ký bỏ phiếu.

Mặc dù đây không phải là thủ tục bắt buộc, CPP vẫn vận động người dân thực hiện điều này nhằm tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Đảng cầm quyền cần phải chứng minh được rằng Campuchia vẫn là một nước tự do, dân chủ trong bầu cử và sự tham gia của 17 đảng khác vẫn được đảm bảo công bằng. Trong khi đó, một số người cho rằng sự thiếu hụt nguồn lực và mạng lưới hỗ trợ đang khiến cho các đảng nhỏ khó có thể tạo được lợi thế trước cuộc bầu cử này.

Ở địa phương, kết quả bỏ phiếu sẽ bắt đầu được phát sóng sau 6 giờ chiều, ngày 23/7. Kết quả chính thức sau khi kiểm đếm có thể sẽ được công bố vào ngày hôm sau.

Nhiều thông tin cho rằng CPP đang có nhiều ưu thế hơn so với các đảng thiểu số khác ở chiến dịch vận động trước bầu cử. Bắt đầu từ ngày 1/7, đảng này đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh ở khắp mọi miền đất nước, trong khi đó theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC), chỉ có sáu đảng khác tổ chức các cuộc tuần hành.

NEC cho rằng đây là chiến dịch bầu cử an toàn, suôn sẻ và không bạo động. Tuy nhiên, một nhóm giám sát bầu cử đã ghi nhận hàng chục vụ vi phạm quy tắc bầu cử, như mua phiếu bầu, sử dụng tài sản nhà nước để vận động tranh cử.

Bốn thành viên của Đảng Ánh Nến đã bị bắt và buộc tội kích động người dân bỏ các lá phiếu không hợp lệ. Một số nhà lãnh đạo đối lập khác đã bị cấm bỏ phiếu hoặc ứng cử trong thời hạn 10-25 năm sau khi kêu gọi những người tẩy chay bầu cử hoặc bỏ phiếu không hợp lệ.

Là ứng cử viên hàng đầu của cuộc bầu cử, CPP luôn đảm bảo sự hòa bình, ổn định và phát triển cho Campuchia trong hơn bốn thập kỷ cầm quyền. Trước đó, nhờ vào sự giúp đỡ của quân đội Nhân dân Việt Nam, tiền thân của CPP là Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (KPRP) đã lật đổ Khmer Đỏ vào năm 1979.

Bên cạnh đó, một số đảng tham gia cũng tuyên bố ủng hộ quyền của thanh niên, người thiểu số bản địa, phụ nữ, nông dân và người nghèo. Đảng Chống Nghèo đói Campuchia đã tranh thủ sự ủng hộ của các tỷ phú công nghệ Mỹ Bill Gates và Elon Musk để cải thiện các dịch vụ y tế và xóa đói giảm nghèo.

Phương Tây đang lên án Campuchia về chế độ chính trị độc đoán, thiếu tự do. Trong tháng này, một số nhà lập pháp Mỹ lên kế hoạch giới thiệu một dự luật nhằm trừng phạt các nhà lãnh đạo Campuchia vì làm suy yếu nền dân chủ và vi phạm nhân quyền.

Đáp lại động thái từ phương Tây, Campuchia nhận được sự viện trợ mãnh mẽ về kinh tế cũng như ngoại giao từ Trung Quốc. Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Hun Sen ở Trung Quốc vào tháng 2/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã cam kết sẽ ủng hộ Campuchia và phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề của nước này.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ben-trong-cuoc-bau-cu-cua-campuchia.html