Bên trong khu cách ly: Chu đáo, yên tâm

Người được cách ly phản hồi rất hài lòng và gửi lời cám ơn những người phụ trách khi ra về.

Từ những ngày đầu hoang mang, những người Việt Nam lẫn Hàn Quốc dần tin tưởng nếu lỡ mắc COVID-19, họ sẽ được điều trị chu đáo. Họ xem khu cách ly như ngôi nhà thân thuộc của mình.

Như đi nghỉ dưỡng

Ánh nắng chiều bớt gay gắt, khoảng giữa sân khu cách ly quận 3 (TP.HCM) rộn ràng bởi tiếng í ới gọi nhau ra sân chơi cầu lông. Trong những bộ quần áo xanh và chiếc khẩu trang y tế, những người đàn ông thay phiên nhau đổi lượt chơi. Thật khó hình dung đây là cuộc sống ở bên trong khu cách ly mà những người ở đây buộc phải tạm xa công việc, người thân, bạn bè trong vòng 14 ngày.

Nghỉ chơi và uống ngụm nước sau khi thấm mệt, anh Nguyễn Quý Dũng cho biết đã cách ly ở đây được ba ngày. Anh Dũng là một người lao động làm thuê ở Seoul (Hàn Quốc) về nước trong dịp này. Anh chia sẻ: “Qua Hàn Quốc, thấy ai cũng đi làm cực khổ, về đây như được nghỉ dưỡng. Khu cách ly rất yên tĩnh, ăn không, ở không cũng chán nên chúng tôi tự quét sân, tưới cây, hoạt động thể chất cho khỏe khoắn hơn”.

Theo anh Dũng, mọi sinh hoạt ở khu cách ly đều được đảm bảo, cần gì chỉ cần gọi điện thoại ra bên ngoài cho nhân viên y tế. Anh kể luôn kỷ niệm vui đêm đầu tiên vào khu cách ly. Cả khu mất nước, chỉ 2 tiếng sau có lại nhưng nhân viên bảo vệ không quản ngại đi xách nước về cho mọi người dùng.

Ở cùng khu cách ly với anh Dũng là Thùy Dung, cô gái trẻ người Hà Nội bỗng dưng nổi tiếng trên cộng đồng mạng bởi những chia sẻ dí dỏm của mình trên Facebook cá nhân về trải nghiệm ở khu cách ly.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, Thùy Dung bảo sắp tới phải chia xa khu cách ly chắc sẽ nhớ nơi này lắm. Rạng sáng 27-2, thay vì được đoàn tụ với gia đình ở Hà Nội, Thùy Dung phải vào khu cách ly ở TP.HCM, không người thân thích. Dung khá lo lắng và hoang mang. Thế nhưng cảm giác này nhanh chóng qua đi bởi sự quan tâm, chia sẻ của nhân viên y tế và những người ở cùng khu cách ly. “Mọi người gọi em là bé, trấn an em, nói bé chịu khó vất vả vài hôm, có gì mọi người sẽ hỗ trợ, từ cách xưng hô thôi nhưng em cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn nhiều...” - Dung kể lại.

Dung tâm sự giờ xem khu cách ly như nhà của mình. Hằng ngày Dung chăm chỉ rửa bát, lau nhà. Dung yêu cảm giác mỗi sáng ngồi ngắm những bông hoa sử quân tử xinh xinh trước cửa phòng.

Nổi tiếng trên mạng sau “nhật ký khu cách ly”, Dung cũng nhận được nhiều chia sẻ, ủng hộ. “Em không ngờ đã lan tỏa năng lượng tích cực và được mọi người đón nhận” - Dung nói. Dung không nghĩ việc tự giác cách ly là cách cư xử văn minh, yêu nước mà là việc làm bình thường, không có gì lớn lao nên rất ngại khi nhận được nhiều ý kiến khen mình.

Người được cách ly chơi cầu lông vui vẻ tại khu cách ly quận 3.

Người được cách ly chơi cầu lông vui vẻ tại khu cách ly quận 3.

Thùy Dung, cô gái nổi tiếng với “nhật ký cách ly” trong căn phòng thân thuộc ở khu cách ly. Ảnh: HOÀNG LAN

Thùy Dung, cô gái nổi tiếng với “nhật ký cách ly” trong căn phòng thân thuộc ở khu cách ly. Ảnh: HOÀNG LAN

Có mắc bệnh cũng yên tâm

Làm quản lý cho một công ty chuyên về công nghệ tại TP.HCM, chị Lim Kyongsuk (39 tuổi, người Hàn Quốc) thường đi lại giữa hai nước. Chị Kyongsuk ở khu cách ly tại quận 2 đã được ba ngày. Mặc dù Việt Nam khá thân thuộc nhưng lần đầu tiên vào khu cách ly, chị vẫn cảm thấy sợ hãi. “Lần đầu tiên đến đây, các y tá, bác sĩ giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ đối xử với tôi rất tốt và ấm áp, cho tôi ăn, giúp đỡ tôi mọi thứ. Do đó, tôi dần thay đổi suy nghĩ. Hiện tại, tôi thấy an toàn và thoải mái khi ở đây” - chị Kyongsuk nói. Thỉnh thoảng chị Kyongsuk lại chuyển điện thoại của nhân viên Việt Nam tại công ty của mình cho nhân viên y tế ở đây để làm cầu nối thông tin giúp mình.

Khi được hỏi về thông tin nhiều người trốn tránh việc cách ly bằng cách khai báo thông tin gian dối, chị Kyongsuk bày tỏ: “Đó là câu chuyện buồn, tôi thành thật khuyên bạn nên vào khu cách ly để đảm bảo an toàn cho bạn và cộng đồng xung quanh”.

Luân phiên trực tại khu cách ly quận 2, BS Lưu Thị Sim cho biết mỗi bữa ăn của người được cách ly đều do Khoa dinh dưỡng tiết chế BV quận 2 đảm nhiệm. Hằng ngày, sau khi lấy ý kiến của người được cách ly, khu cách ly sẽ báo về cho Khoa dinh dưỡng để điều chỉnh khẩu phần ăn và món ăn cho phù hợp. BS Sim kể trước đây, khu cách ly có bốn người Hàn Quốc khó ăn món ăn Việt Nam nên khoa đã điều chỉnh bữa ăn cho phù hợp với khẩu vị của họ. Thay vì ăn cơm thông thường thì những người này được phục vụ mì trộn thịt bằm gần giống với món ăn của người Hàn Quốc.

Cách ly cùng con trai ba tuổi ở khu cách ly quận 2, chị Bùi Thị Ngọc Bích cho biết chị kết duyên cùng người chồng Hàn Quốc và sinh sống ở quận 2. Vào dịp trước tết, chị và con cùng về Hàn Quốc thăm ông nội của bé, khi thấy dịch bệnh phức tạp ở Hàn Quốc, chị đưa con về lại Việt Nam. “Việt Nam đã chữa khỏi cho 16 ca mắc bệnh thì về đây có chuyện gì tôi cũng yên tâm hơn” - chị Bích tin tưởng.

Cách ly nhưng vẫn kết nối với bên ngoài

BS Trần Văn Khanh, chịu trách nhiệm quản lý khu cách ly quận 2, cho biết khu cách ly có 20 giường, trang thiết bị phòng hộ đảm bảo cho nhân viên y tế an tâm thực hiện nhiệm vụ. Mỗi kíp trực có bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, công ty vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo các điều kiện cho người cách ly sinh hoạt thoải mái nhất. Quần áo, drap giường đều được thay mỗi ngày, WiFi phát miễn phí.

Chịu trách nhiệm khu cách ly quận 3, BS Nguyễn Tấn Sơn, Giám đốc BV quận 3, chia sẻ với sự hỗ trợ tích cực của UBND quận 3, khu cách ly hiện đang thực hiện cách ly 17 người đến từ các vùng Incheon, Daegu, Seoul của Hàn Quốc. Hiện tại tất cả đều khỏe mạnh, không có triệu chứng của bệnh. Do đã thực hiện cách ly người đến từ vùng dịch của Trung Quốc trước đó nên mọi hoạt động ở khu cách ly đã đi vào nền nếp, ổn định. Mỗi phòng đều được trang bị tivi, WiFi để người được cách ly thoải mái sử dụng, liên lạc với bên ngoài.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/ben-trong-khu-cach-ly-chu-dao-yen-tam-894145.html