Bên trong lớp học '3 trình độ' ở Tà Păng, Hướng Hóa
Học sinh thì nhỏ, trung tâm thì xa, giáo viên lại thiếu, một mình thầy giáo Trương Vĩnh Tiến phải xoay sở với lớp học 3 trong 1…
Tà Păng là bản heo hút, cũng là bản cuối cùng của xã Hướng Lập, xã xa xôi nhất của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - giáp với biên giới Việt-Lào. Cách trung tâm xã tầm 14 cây số, bản Tà Păng gần như biệt lập với thế giới xung quanh, bị ngăn cách bởi đồi núi.
Các thầy cô giáo ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập, những người từng vào điểm trường Tà Păng cắm bản cho biết, cách đây vài năm, muốn đến Tà Păng chỉ có cách duy nhất là lội suối, băng rừng.
Được sự hướng dẫn của nhà trường, chúng tôi men theo con đường độc đạo đầy khói bụi, qua những triền đèo ngay cạnh dòng Sê Băng Hiêng chảy ngược để tìm đến bản Tà Păng. Thầy giáo Hồ Xuân Quyết – Giáo viên Mỹ thuật kiêm giáo viên Tổng phụ trách đội của nhà trường là người dẫn đường cho chúng tôi.
Con đường mới mở còn đang ngổn ngang đất đá, gió Lào đầu mùa chưa gắt nhưng đã khiến chúng tôi như băng qua sa mạc giữa rừng bởi cái nóng và khói bụi.
Thầy Quyết bảo may hôm nay trời đẹp, đường khô vẫn có thể đi được, nếu trời mưa, đường vào Tà Păng không khác gì một dòng sông bùn có thể ngập đến 1/3 bánh xe máy.
Nhiều lúc đi công tác giữa đường gặp trời mưa, các thầy cô chỉ còn biết bỏ xe máy, đi bộ tìm nhà dân trú nhờ, đợi tạnh ráo mới ra đường tìm lại xe máy sau.
Gần như biệt lập với thế giới chung quanh bởi đồi núi, bản Tà Păng bình yên trên một khu đất bằng phẳng, bên cạnh là một dòng suối nhỏ đổ ra dòng Sê Băng Hiêng.
Giữa những nếp nhà in đậm văn hóa của người Vân Kiều, điểm trường Tà Păng là một trong số ít những căn nhà xây của bản. Trong lớp học, thầy giáo Trương Vĩnh Tiến đang một mình xoay xở với 7 học trò ghép từ ba lớp 1, 2 và 4.
Trong lớp có 7 chiếc bàn, 7 học sinh, 2 chiếc bảng, xoay làm mấy hướng…ngày nào cũng vậy, 2 buổi sáng - chiều, thầy Tiến không nhớ mình đã đi bao nhiêu vòng quanh lớp để hướng dẫn học trò.
“Bên thì tập viết, bên làm bài tập, bên đọc bài. Vì điều kiện trường lớp và học trò như vậy, một thầy mà kèm ba trình độ thì phải "xoay" thế chứ biết làm sao”, thầy Tiến nói.
Tất nhiên, lại cũng một mình thầy Tiến kiêm cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên thể dục của 3 trình độ. Học sinh ít, nhưng các em còn nhỏ, chưa thể băng đèo, lội suối ra điểm trường chính để học bán trú. Giáo viên thì thiếu nên một mình thầy phải đảm nhiệm lớp ghép 3 trình độ với đủ bộ môn.
Khi được hỏi về khó khăn của việc dạy 3 trình độ ở 1 lớp, thầy Tiến cho biết, vất vả lớn nhất là không thể tập trung toàn tâm toàn ý cho các em được.
Thời điểm hiện tại, ngày nào cũng đi học thì các em có thể theo bài được. Nhưng lo nhất là lúc nghỉ dài ngày, các em không sử dụng tiếng phổ thông vì không có người ngoài vào đây sinh sống và làm việc, các em trao đổi với gia đình, người thân bằng tiếng địa phương, nên lại quên ngay tiếng phổ thông mà thầy và trò đã vất vả mới dạy và học được. Thậm chí, các em quên cả mặt chữ nên cả thầy, cả trò lại phải bắt nhịp lại mất một thời gian.
Thời khóa biểu được chia ra theo lịch là: buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều phụ đạo thêm cho các em về những kiến thức đã học và dạy thêm tiếng phổ thông.
“Sang năm các em lớp 4 sẽ ra điểm trường trung tâm học, nếu không có gì thay đổi, điểm Tà Păng lại ghép 3 trình độ của các lớp 1,2,3", thầy Tiến nói.
Kết thúc buổi học, trên trán còn lấm tấm mồ hôi, phần vì vất vả đi quanh lớp học suốt buổi, phần vì cái nóng của gió Lào phía Tây Trường Sơn, thầy Tiến tiếp chúng tôi trong căn phòng giáo vụ tuềnh toàng của mình.
Nhận ấn phẩm tạp chí cho thiếu nhi do thầy Tổng phụ trách trường gửi, thầy Tiến hồ hởi: “Mai học sinh lại vui lắm đây!”. Với thầy Tiến, có sách báo cho học sinh đọc, xem tranh cũng là một niềm hạnh phúc.
Chia sẻ nhiều hơn về hoàn cảnh, chúng tôi mới biết thầy giáo Trương Vĩnh Tiến (sinh năm 1972) là một trong những thầy giáo đầu tiên vào xã Hướng Lập để mở lớp. Năm 1996, thầy Tiến đi bộ gần 1 tuần, từ Khe Sanh vượt qua đèo Sa Mù, leo thác Tà Puồng để đến với nơi vốn được người dân ở đây gọi là "thâm sơn, cùng cốc" - xã Hướng Lập - để gieo chữ.
Lúc đó, tính cả thầy Tiến, xã Hướng Lập mới có 6 thầy giáo mở những lớp học đầu tiên để dạy chữ cho học trò.
Thầy Tiến không nhớ hết mình đã theo bao nhiêu học trò từ lớp 1 đến lớp 5. Có bản thầy cắm đủ 5 năm, dạy học trò từ ngày bắt đầu làm quen mặt chữ rồi lại đưa trò ra trung tâm xã để học bán trú cấp trung học cơ sở… rồi cả những năm tháng gùi nhu yếu phẩm dự trữ cả tháng trời để vào những bản trắng giáo dục mở lớp, giờ thầy không nhớ hết.
Có những năm học mà thầy Tiến phải mất cả tháng trời đến từng nhà vận động, rồi cùng với cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Cù Bai (nay là đồn Biên phòng Hướng Lập) vào rừng chặt cây, tre, nứa về dựng lớp học, làm bàn, ghế… mở lớp.
“Bây giờ điều kiện dạy và học trên miền núi đã có nhiều thay đổi, cơ sở vật chất, trường, lớp khang trang, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể hơn ngày trước rất nhiều nên việc học tập của con trẻ cũng bớt đi sự nhọc nhằn, vất vả…”, thầy Tiến nói.
Thoáng cái, đã qua 27 năm dành cả thanh xuân thầy Tiến in dấu chân trên khắp các điểm trường ở xã Hướng Lập để gắn bó với nghề dạy học.
Hạnh phúc của thầy Tiến hiện tại rất giản đơn, bình dị. Đó là nụ cười của học trò khi thỉnh thoảng có một cá nhân hay tổ chức nào đó tặng những món quà mới, hỗ trợ học tập. Và thầy cũng có một niềm vui hơn cả, xen lẫn sự tự hào khi con trai cũng sắp nối nghiệp sư phạm tiểu học như mình.