Để khôi phục lại sản xuất, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch trở lại trạng thái bình thường mới với mốc thời gian cụ thể là sau ngày 30/9. Đến ngày 1/10, Bình Dương phấn đấu đạt vùng xanh toàn tỉnh, làm nền tảng để phục hồi kinh tế.
Các doanh nghiệp muốn tổ chức lại hoạt động sản xuất, ngoài việc thực hiện mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) thì toàn bộ công nhân, người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 đủ 14 ngày. Cũng vì lý do này, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận ngưng sản xuất vì không đáp ứng được tiêu chí phòng, chống dịch.
Ngày 30/9, PV VTC News đến ghi nhận thực tế tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY ở phường Tân Bình (TP Dĩ An, Bình Dương). Đây là một trong số ít những doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" từ đầu mùa dịch đến nay ở Bình Dương.
Ở cổng chính và các cổng phụ đều được bố trí bảo vệ trực nghiêm ngặt, các bảng hướng dẫn phòng, chống dịch được căng nhiều nơi. Thời gian này, công ty chỉ cho phép tài xế ra vào nhà máy, 380 công nhân đều "3 tại chỗ" ở công ty.
Các bảng hướng dẫn rửa tay đúng chuẩn của Bộ Y tế.
Bên trong nhà máy, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Công nhân được trang bị găng tay, khẩu trang, tấm chống giọt bắn và khử khuẩn kỹ càng trước khi làm việc.
Bà Trần Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, công ty vẫn duy trì sản xuất với nguyên tắc "3 tại chỗ". Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, công ty khó lòng trụ nổi.
Trước dịch, Công ty JOY có hơn 500 công nhân làm việc. Thời điểm dịch bùng phát, lượng công nhân giảm dần do một số nhiễm bệnh, số khác về quê tránh dịch. Đến hiện tại, doanh nghiệp đang duy trì sản xuất với 380 công nhân.
Là một trong số ít những doanh nghiệp cầm cự, thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, bà Nhung cho rằng, để doanh nghiệp hoạt động trở lại "suôn sẻ" như trước dịch là điều rất khó. Thời gian thực hiện "3 tại chỗ" ít nhiều đã khiến doanh nghiệp kiệt quệ.
"Chúng tôi phải đảm bảo nguyên tắc "3 tại chỗ" thì công ty mới có thể duy trì sản xuất. Nếu tính chi phí xét nghiệm, cứ 3 ngày test một lần, mỗi công nhân sẽ tốn khoảng 1 triệu đồng/tháng. Chi phí ăn ở, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính sơ, mỗi công nhân sẽ phát sinh 8 triệu đồng/tháng. Chi phí này do công ty chịu hoàn toàn", bà Nhung nói.
Công ty bố trí 380 giường cho công nhân. Nơi ở được chia theo nhiều khu, mỗi khu tối đa 50 giường.
Giường tầng để tiết kiệm không gian trong điều kiện cách ly lại chỗ.
Khu vực ở của công nhân nam và công nhân nữ được tách riêng biệt.
Các công nhân đều mang theo ít đồ dùng cá nhân nhất có thể.
Nhà ăn của công ty cũng được bố trí nhiều khu, vị trí ngồi đảm bảo giữ khoảng cách an toàn phòng, chống dịch.
Bàn ăn được thiết kế tối giản. Mỗi ngày, nhà máy sẽ chuẩn bị hơn 1.000 suất ăn để phục vụ đủ cho công nhân 3 bữa/ngày. Nguồn thức ăn được đặt mua ở ngoài.
Một công nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa tại nhà máy.
Theo bà Nhung, hiện tại công ty vẫn đáp ứng đủ lượng hàng xuất đi cho đối tác với khoảng 20 container hàng mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa công ty chấp nhận tăng chi phí sản xuất lên gấp đôi so với trước.
Năng suất giữ nguyên nhưng chi phí sản xuất tăng gấp đôi đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp hiện nay. Bởi lý do này, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn dè dặt, thận trọng trước thông tin được tái khởi động.
Thy Huệ