Bên trong nhà máy Lockheed Martin, nơi đang sản xuất chiến đấu cơ F-16

Sau 50 năm kể từ chuyến bay đầu tiên, dòng chiến đấu cơ F-16 vẫn tiếp tục được sản xuất để bàn giao cho các đồng minh của Mỹ. Hiện phiên bản đang được sản xuất mang định danh F-16V Viper.

Dù không còn được không quân Mỹ đặt mua, nhưng dòng chiến đấu cơ F-16 vẫn đang được hãng Lockheed Martin tiếp tục sản xuất để bán cho các đồng minh của Mỹ.

Bảy năm sau khi chiếc F-16 Fighting Falcon cuối cùng được xuất xưởng từ cơ sở Fort Worth, Texas, ít ai nghĩ rằng sẽ lại có một dây chuyền sản xuất mới dành cho loại máy bay này đã được hoàn thiện ở Greenville, Nam Carolina.

Hiện cơ sở sản xuất của Lockheed Martin ở Greenville, Nam Carolina, đang tích cực hoạt động để sản xuất chiến đấu cơ F-16 để bán cho đồng minh của Mỹ.

Tại đây, Lockheed Martin đang chế tạo các biến thể Block 70/72 hay còn biết tới với định danh F-16V Viper để bàn giao cho Bahrain, Bulgaria, Jordan, Slovakia, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.

50 năm đã trôi qua kể từ khi chiếc YF-16 (nguyên bản của F-16) cất cánh lần đầu tiên vào ngày 20/01/1974, những tưởng chiếc F-16 cuối cùng được sản xuất nằm trong thương vụ 36 chiếc F-16 Block 52 mà Iraq đã đặt mua, đã khép lại 44 năm sản xuất dòng chiến đấu cơ này tại nhà máy ở Texas.

Trong thời gian đó, khoảng 3.620 chiếc F-16 đã được chế tạo tại nhà máy Fort Worth, Texas ban đầu thuộc General Dynamics và sau đó là Lockheed Martin mua lại vào năm 1993.

Dây chuyền sản xuất rộng lớn ở bang Texas đã sản xuất ra 286 chiếc F-16 đáng kinh ngạc vào năm 1987 khi dòng chiến đấu cơ này đạt đỉnh cao về trang bị và xuất khẩu. Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng đạt được giấy phép sản xuất, hoặc lắp ráp dòng chiến đấu cơ này.

Tổng cộng có 4.588 chiếc F-16 được sản xuất trên toàn cầu trước khi hoạt động sản xuất F-16 được chuyển đến Greenville, Nam Carolina vào năm 2019. Nhà máy tại Fort Worth hiện dành riêng cho hoạt động sản xuất và lắp ráp cuối cùng của F-35 Lightning II.

Trong khi nhà máy tại Greenville đã được chuyển đổi từ cơ sở hỗ trợ đại tu C-130 Hercules và P-3 Orion thành nơi sản xuất mới những chiếc F-16 cho đồng minh của Mỹ.

Ông Caleb Hendrick, giám đốc sản xuất F-16 của Lockheed Martin tại Greenville cho biết: "Chúng tôi hiện đang tiến hành cả sản xuất F-16 và bảo dưỡng một số máy bay F-16 của Không quân Mỹ".

Lý giải cho việc nhà máy Fort Worth không còn sản xuất chiến đấu cơ F-16 đơn giản là do không còn chỗ trống, dù đây từng là "cái nôi" đầu tiên đã cho ra đời hàng ngàn chiến đấu cơ nổi tiếng này.

“Công việc sản xuất F-35 tại Fort Worth đang mở rộng về mặt diện tích và hậu cần. Chúng tôi không có đủ không gian hoặc năng lực để tiếp tục sản xuất F-16 tại đó nữa”, ông Caleb Hendrick giải thích.

“Vì vậy, chúng tôi quyết định hoàn thành những chiếc F-16 cuối cùng theo hợp đồng tại Fort Worth vào năm 2017 và sau đó sẽ đóng lại dây chuyền sản xuất tại đây”, ông Caleb Hendrick nhấn mạnh.

Điều bất ngờ, thay vì cạn kiệt người mua thì các đơn đặt hàng F-16 mới tiếp tục đổ về. “Ngay khi các đơn đặt hàng bắt đầu tăng lên, chúng tôi đã thực hiện động thái đưa dây chuyền sản xuất F-16 đến Greenville”, Hendrick giải thích.

Các máy bay F-16 Block 70/72 hoàn toàn mới sẽ được chế tạo tại khu liên hiệp nhà chứa máy bay H16 tại Greenville, nơi trước đây được sử dụng để bảo dưỡng vận tải cơ C-130.

Năm 2017, nhà máy Greenville bắt đầu quá trình chuẩn bị sản xuất F-16. Dây chuyền sản xuất được chuyển từ Fort Worth đến Greenville vào năm 2018, công việc sản xuất ban đầu trên dây chuyền F-16 mới bắt đầu vào năm 2019 để cho ra đời những chiếc F-16 trong đơn hàng với Bahrain.

“Nhu cầu đối với F-16 đang bùng nổ! Tôi đã làm việc trên nhiều chương trình bao gồm F-22 Raptor, C-130 Hercules lẫn F-35, và tôi có thể nói với bạn rằng tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu với F-16 cao như lúc này. Chúng tôi từng nghĩ tới việc đóng dây chuyền sản xuất, nhưng giờ đây chúng tôi đang tăng tốc để chế tạo bốn chiếc F-16 mỗi tháng", ông Caleb Hendrick cho biết.

Số lượng đặt hàng F-16 ngày càng tăng rất ấn tượng với 140 máy bay chiến đấu hiện đang được ký hợp đồng, bao gồm: Bahrain (16 chiếc), Bulgaria (8 chiếc), Jordan (12 chiếc), Slovakia (14 chiếc) và Đài Loan (Trung Quốc) (66 chiếc)

Chưa kể hợp đồng mua mới 40 chiếc và phụ tùng để nâng cấp 80 chiếc từ Thổ Nhĩ Kỳ mới được ký kết.

Ông Caleb Hendrick cho biết: “4.599 chiếc F-16 được chúng tôi bàn giao tính tới tháng 6/2024. Chúng tôi thấy tiềm năng về khoảng 300 chiếc khác sẽ được các khách hàng từ châu Âu, châu Á và châu Phi đặt mua".

Biến thể Block 70/72 của F-16 được xây dựng dựa trên nhiều năm phát triển gia tăng, trong đó tiêm kích này được trang bị một số công nghệ từ chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Biến thể Block 70/72 đang được chế tạo tại Greenville kết hợp nhiều tính năng hay còn được biết tới là F-6V sẽ là dòng chiến đấu cơ rất đáng gờm.

Trung tâm của bộ thiết bị điện tử hàng không được cập nhật của F-16V là radar mảng pha điện tử chủ động AN/APG-83. Loại radar này có độ nhạy hơn, phát hiện nhiều mục tiêu hơn và tầm quét cũng xa hơn.

Loại radar này cũng cực kỳ tin cậy, khi kết hợp với hệ thống vũ khí, F-16V có thể dễ dàng tiêu diệt nhiều mục tiêu ngoài tầm nhìn.

F-16V cũng có hệ thống buồng lái mới với việc loại bỏ các đồng hồ cơ để thay thế bằng các màn hình đa chức năng, giúp phi công dễ dàng nằm bắt thông tin và tiện lợi cho việc điều khiển máy bay.

Khung máy bay của biến thể này đạt tuổi thọ lên tới 12.000 giờ bày, gấp hơn 4 lần Su-35 của Nga, việc có tuổi thọ khung thân lớn giúp cho việc nâng cấp về sau được dễ dàng.

Các máy bay F-16V có thể được trang bị động cơ General Electric F110-GE-129 cung cấp lực đẩy 29.000 pound hoặc có động cơ Pratt & Whitney F100-PW-229 với lực đẩy 29.160 pound.

Với động cơ cực khỏe giúp cho F-16 dù thuộc phân loại chiến đấu cơ một động cơ hạng nhẹ, nhưng lại có thể mang vác vũ khí ở mức xấp xỉ 8 tấn, tương đương với Su-35 Nga.

F-16V có thể mang được hầu hết vũ khí hàng không trang bị cho chiến đấu cơ của Mỹ.

Ngoài ra nó cũng có thể dễ dàng tích hợp vũ khí của các đồng minh Mỹ sản xuất như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Việc có thể tích hợp đa chủng loại vũ khí một cách dễ dàng là lợi thế lớn cho F-16V trên thị trường xuất khẩu.

F-16V cũng được bổ sung hệ thống cảnh báo chống va chạm với chướng ngại vật trên mặt đất khi chúng buộc phải bay thấp.

Các hệ thống cảnh báo an toàn và hỗ trợ phi công cũng được lắp đặt giúp máy bay an toàn hơn khi thi hành nhiệm vụ.

Với ưu thể hệ thống điện tử hiện đại, khả năng mang tải trọng vũ khí lớn, hoạt động ổn định, F-16V được coi là một trong những dòng máy bay hạng nhẹ tốt nhất thế giới hiện nay.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ben-trong-nha-may-lockheed-martin-noi-dang-san-xuat-chien-dau-co-f-16-post583578.antd