Bên trong Nhà Trắng những ngày khủng hoảng Ukraine leo thang
Khi lo ngại về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine dâng cao, Nhà Trắng thành lập nhóm chuyên trách để nghiên cứu cách phản ứng của Mỹ nhằm đề phòng xung đột nổ ra.
Được thành lập một cách lặng lẽ, “Đội Tiger” - tên gọi của nhóm chuyên trách ở Nhà Trắng - lên phương án hành động cho nhiều bối cảnh khác nhau, từ một cuộc phô diễn lực lượng hạn chế tới chiến tranh tổng lực.
"Đội Tiger" đạo diễn hai cuộc diễn tập thực tế về vấn đề này. Những người tham dự bao gồm cả các quan chức trong nội các Mỹ. Mục tiêu các cuộc diễn tập là khớp nối hành động của chính phủ Mỹ trong hai tuần kể từ khi xung đột bùng phát.
Nỗ lực này được kỳ vọng giúp các quan chức chính phủ hình dung về các diễn biến có thể xảy ra của xung đột, cũng như thúc đẩy họ sớm hành động để ngăn chặn nguy cơ đối với nước Mỹ.
“Hy vọng của chúng tôi là sẽ có giải pháp ngoại giao, giúp chúng tôi không phải sử dụng các kế hoạch này”, ông Jonathan Finer, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nói. “Nhưng chúng đảm bảo rằng chúng tôi sẵn sàng hành động nếu cần”.
Biệt đội chuyên gia
“Đội Tiger” được thành lập tháng 11/2021, sau khi các quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nhận thấy dấu hiệu về việc Nga tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine.
NSC thừa nhận họ không thể dự đoán chính xác quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các tướng lĩnh Nga. Tuy vậy, các cuộc diễn tập trong chính phủ Mỹ vẫn có nhiều giá trị.
“Thực tế là những điều người Nga có thể làm có thể không giống 100% với bất cứ kịch bản nào”, ông Finer nói với Washington Post. “Tuy vậy, các kế hoạch vẫn có ích trong việc giảm thời gian chúng tôi cần để phản ứng một cách hiệu quả. Đây là toàn bộ mục tiêu”.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine là thách thức đối ngoại lớn nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt kể từ khi rút khỏi Afghanistan tháng 8/2021, khi một cuộc tấn công khủng bố khiến 13 binh sĩ thiệt mạng.
Washington đứng trước áp lực tránh hậu quả tương tự trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.
Một số quan chức Nhà Trắng hiện nay từng phục vụ trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Đây có thể là bài học quý báu.
“Số lượng cảnh báo mà Washington đưa ra là đáng ghi nhận”, bà Andrea Kendall-Taylor, cựu chuyên gia về Nga của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận xét. “Lần này, họ đã được chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều”.
Năm 2014, giới chức Mỹ đối mặt thách thức khi năng lực tình báo của nước này nhằm vào Nga giảm đáng kể sau Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ tập trung hơn vào cuộc chiến chống khủng bố. “Chúng tôi đã lúng túng và không được chuẩn bị”, bà Kendall-Taylor hồi tưởng.
Nhiệm vụ của “đội Tiger” không chỉ là lập kế hoạch và lên chiến lược bên trong Nhà Trắng, mà bao gồm cả việc đảm bảo mọi cơ quan trong chính phủ sẵn sàng hành động trong xung đột.
Tháng 11/2021, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan yêu cầu ông Alex Bick, Giám đốc phụ trách lập kế hoạch chiến lược trong NSC, đảm nhận công việc này.
Ông Bick đã tập hợp quan chức từ các bộ như Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng, Tài chính, An ninh Quốc gia, cũng như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), vào nhóm công tác.
Ngoài ra, nhóm này cũng có sự tham gia của cộng đồng tình báo. Họ có nhiệm vụ dự báo những hành động mà Moscow có thể thực hiện, cũng như nguy cơ và lợi ích từ chúng.
“Bạn không phải biết họ sẽ làm gì”, một quan chức NSC cho biết. “Bạn lựa chọn một số kịch bản khả dĩ và xây dựng kế hoạch từ đó, giả sử rằng mọi kịch bản có thể xảy ra”.
Tính toán mọi kịch bản
Các kế hoạch của “đội Tiger” không chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự, mà cả những vấn đề như người tị nạn Ukraine, các biện pháp cấm vận có thể áp đặt lên Nga, hay cách chống lại một cuộc tấn công mạng. Đây là tổng hợp của hàng chục văn bản, báo cáo và được gửi tới các quan chức quân sự lẫn dân sự.
Người Mỹ cũng đã tính đến những hậu quả gián tiếp - như những đòn trả đũa của Nga sau khi bị Mỹ trừng phạt. Khi đó, Tây Âu sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt và sẽ cần tìm đến những nhà cung cấp khác.
“Bạn lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất và dần hạ mức độ”, một quan chức NSC cho biết. “Đây là cách làm tốt hơn so với lên kế hoạch cho kịch bản trung bình và bị lúng túng”.
Trong khi cuộc khủng hoảng Afghanistan 6 tháng trước gây khúc mắc cho quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây, tình hình tại Ukraine dường như giúp các quốc gia này đoàn kết hơn.
Giới chức tại Washington cho biết họ đang nỗ lực cung cấp thông tin tình báo cho các quốc gia khác.
“Chúng tôi chia sẻ rất nhiều thông tin để đảm bảo tất cả đồng thuận về những điều Mỹ cho là sắp xảy ra”, ông Finer nói.
“Đội Tiger” xem xét cả những sự kiện “thiên nga đen” - ít có khả năng xảy ra nhưng gây tác động lớn, khiến tình hình trở nên phức tạp. Các quan chức Mỹ không tiết lộ ví dụ cụ thể, nhưng chúng có thể bao gồm một biến chủng Covid-19 mới hay khủng hoảng năng lượng diễn ra đồng thời với xung đột.
Công tác chuẩn bị của Nhà Trắng diễn ra đồng thời với các cơ quan khác tại Washington. Bộ Tài chính đang lên kế hoạch áp đặt trừng phạt, trong khi Lầu Năm Góc tính đến phương án tăng binh sĩ ở châu Âu.
“Việc xem xét từng vấn đề riêng biệt là một chuyện. Tập hợp chúng với nhau và thiết lập kế hoạch dựa trên đó là một chuyện khác”, một quan chức NSC cho biết. “Qua các buổi diễn tập, tôi nhận thấy các ý tưởng mới luôn xuất hiện khi khớp nối mọi thứ với nhau, kể cả ở các quan chức cấp cao”.