Bến Vũng Rô trong huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển

Trong hành trình gian khổ, hy sinh, đoàn tàu Không số của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt trên 4 triệu hải lý, hàng ngàn chuyến tàu từ miền Bắc, các tỉnh miền Trung, Nam Bộ, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và nhiều cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Trong đó, bến Vũng Rô (Phú Yên) là một trong những mắt xích quan trọng.

Một góc Bãi Chùa (Vũng Rô), nơi ngụy trang tàu khi phải ở lại bến, cũng là nơi tàu 143 bị địch phát hiện và đánh chìm

Một góc Bãi Chùa (Vũng Rô), nơi ngụy trang tàu khi phải ở lại bến, cũng là nơi tàu 143 bị địch phát hiện và đánh chìm

Bến Vũng Rô ở một vị trí vô cùng đặc biệt bởi sự hiểm trở của địa hình. Khu vực này còn có sự kiểm soát rất chặt chẽ của địch từ trên núi, lẫn dưới biển. Vậy nhưng, vận dụng khẩu quyết “nơi nguy hiểm nhất, là nơi an toàn nhất”, lãnh đạo liên Tỉnh ủy 3 (Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk), mà trực tiếp là Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định chọn Vũng Rô để mở bến, đồng thời tính toán kỹ lưỡng phương án đón tàu, vận chuyển vũ khí về hậu cứ. Nơi đây, quân và dân Phú Yên đã đón thành công 3 chuyến tàu Không số vào cuối năm 1964, đầu năm 1965, cùng sự kiện bi tráng ngày 15/2/1965, khi tàu bị lộ, quân và dân Phú Yên đã chiến đấu ngoan cường chống lại những cuộc truy càn bằng siêu hỏa lực của địch để bảo vệ bến, bảo vệ vũ khí, khí tài.

Tìm bến đón tàu

Giữa năm 1964, trong bối cảnh đang rất cần vũ khí để đánh địch, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được điện của trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị chọn bến bãi để tiếp nhận vũ khí, chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bằng đường biển. Một vấn đề khó khăn, cấp bách đặt ra lúc này là địa phương phải chọn được bến đón tàu để hiệp đồng đón tàu và vận chuyển vũ khí về hậu cứ. Việc chọn bến để tiếp nhận vũ khí yêu cầu tuyệt đối bí mật, khẩn trương, sớm chừng nào tốt chừng ấy.

Những người có trách nhiệm của tỉnh, liên tỉnh nao nức chuẩn bị, tháng 7/1964, Ban Thường vụ liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam tổ chức hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1, nay là xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) bàn việc chọn bến để đón tàu từ miền Bắc theo đường biển chở vũ khí vào chi viện. Dự họp có lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phân khu Nam cùng các đồng chí lãnh đạo liên tỉnh. Cuộc họp đưa ra các phương án chọn bến để đón tàu và vận chuyển vũ khí an toàn về hậu cứ.

Suốt chiều dài 189km bờ biển Phú Yên, chỉ có hai địa điểm có thể tổ chức làm bến đón tàu tốt nhất là vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô.

Cuộc họp phân tích: Vịnh Xuân Đài có địa thế tốt, nước sâu, tàu ra vào ẩn nấp thuận tiện. Các xã xung quanh vịnh có phong trào cách mạng khá, ta làm chủ liên hoàn. Tuy nhiên, nhược điểm của bến vịnh Xuân Đài là hành lang phía sau hẹp, vì vậy khi tiếp nhận một lượng hàng lớn, dân công đi về nhiều, khó có thể vượt qua các tuyến canh gác, theo dõi gắt gao của địch.

Trong khi đó, Vũng Rô là vùng vịnh có diện tích khá rộng, mặt nước êm (kể cả mùa đông) nằm sát quốc lộ 1, dưới chân đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân (huyện Tuy Hòa 1), vùng mới giải phóng (nay thuộc xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa). Địa hình đèo cao, hiểm trở, nối liền với dãy Trường Sơn trùng điệp, có đỉnh Đá Bia cao và 2 mũi vươn dài ra biển Đông ôm lấy Vũng Rô.

Khó khăn và nhược điểm lớn nhất của Vũng Rô là vùng này địch đang kiểm soát, khống chế từ các đỉnh cao ở đèo Cả, bốt Pơ-tí và tuyến quốc lộ 1. Trên bờ, địch có một trung đội dân vệ ở ngã tư Phú Hiệp thường càn quét xuống các vùng giải phóng Hòa Hiệp (nay thuộc các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam). Một trung đội dân vệ ở Bàn Thạch có nhiệm vụ bảo vệ cầu và phục kích trục hành lang giao liên từ hậu cứ xuống miền Đông. Một trung đội đóng ở lưng chừng chân đèo Cả (phía Bắc) bảo vệ cầu Lớn (trục giao thông quốc lộ 1). Trên đỉnh đèo Cả có bốt Pơ-tí, địch tổ chức lực lượng luân phiên lùng sục quan sát.

Trên biển, địch bố trí đội hải thuyền tuần tiễu trên biển từ Tuy Hòa vào nam Hòn Nưa đến Hòn Khói - Nha Trang. Thêm vào đó, vùng biển Phú Yên còn được địch bố trí trạm ra đa hiện đại, tầm quét xa, được đặt trên đỉnh núi Chóp Chài, để theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động tàu thuyền và những diễn biến bất thường.

Mở bến Vũng Rô

Với những điều bất lợi, thậm chí vô cùng nguy hiểm như vậy, nhưng bù lại, Vũng Rô có những thuận lợi mà khó có địa điểm nào có được.

Vũng Rô có hai mũi. Mũi phía Nam là Mũi Mác, phía Bắc là Mũi Nậy (hay còn gọi Mũi Điện vì có ngọn hải đăng). Từ đỉnh đèo Cả nhìn xuống, Vũng Rô như một lòng chảo khổng lồ, 3 bề là núi (trừ phía Đông), có nhiều bãi như: Bãi Lau, Bãi Lách, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Chùa... Mực nước sâu gần sát bãi. Vách núi đứng nên có nhiều điểm che khuất. Để vào Vũng Rô, ngoài đường biển không có đường bộ hoặc đường mòn nào khác. Từ Hòa Hiệp muốn vào Vũng Rô phải nhảy gộp đá dọc theo gành biển vào đến Bãi Môn mới có đường qua Bãi Chính, đường đất đá do Pháp làm để vận chuyển dầu từ Bãi Chính phục vụ cho ngọn hải đăng Mũi Điện. Phía Bắc chân đèo Cả có thôn Hảo Sơn (Hòa Xuân Nam). Phía Nam chân đèo Cả là làng Đại Lãnh (vùng do ngụy kiểm soát).

Vũng Rô có nhiều hang, gộp đá làm nơi cất giấu hàng hóa ban đầu để chuyển về căn cứ thuận lợi; có nhiều tuyến hành lang an toàn từ Vũng Rô, Hòa Hiệp, Hòa Xuân đi về phía Tây vùng căn cứ, vùng giải phóng. Những hang, gộp đá làm kho chứa cất giấu hàng rất kín đáo, địch khó phát hiện kể cả khi bị lộ. Về lực lượng và nhân lực thì Tuy Hòa thuận lợi hơn ở Sông Cầu.

Qua đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, tình hình địch - ta giữa hai địa điểm vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô, tuy có những yếu tố bất lợi nhưng nếu ta có phương án bao vây nghi binh, che mắt địch tốt thì bến Vũng Rô tốt hơn bến Xuân Đài. Đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu), Ủy viên Thường vụ liên Tỉnh ủy 3, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến phân tích, quyết định: Mở bến Vũng Rô!

Thiếu tá Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ Đại đội K60, đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô, cho biết ông quê ở Hòa Hiệp (nay là phường Hòa Hiệp Nam) mặc dù rành về biển giã và cả điều kiện địa hình ở Vũng Rô, nhưng thời điểm đó, là cậu thanh niên mới nhập ngũ, nên không hiểu rõ việc lãnh đạo quyết định chọn địa điểm Vũng Rô để mở bến.

“Sau này mới thấy, việc lãnh đạo chọn bến Vũng Rô là vô cùng táo bạo, bất ngờ và có những thuận lợi đặc biệt mà các nơi khác không thể có. Vũng Rô có vị trí địa lý đặc biệt và vai trò chiến lược, là nơi gần nhất hải phận quốc tế. Tuy bị địch khống chế từ trên không, trên biển và đất liền, nhưng Vũng Rô nằm trong vùng căn cứ miền Đông của Tỉnh ủy Phú Yên, có nhiều hang, gộp đá tạo thành kho chứa vũ khí kín đáo, an toàn. Dải hoành sơn liên hoàn nối Vũng Rô với vùng căn cứ ở phía Tây của tỉnh và lên Tây Nguyên”, CCB Ngô Văn Định nói.

Chính sự táo bạo, bất ngờ đã làm nên một bến Vũng Rô huyền thoại, đón thành công an toàn 3 chuyến tàu. Rất tiếc nơi đây cũng trải qua một sự kiện bi tráng, đó là “sự kiện Vũng Rô” khi chuyến tàu thứ tư cập bến bị địch phát hiện tổ chức hỏa lực và quân lực tấn công ác liệt. Quân và dân Phú Yên cùng thủy thủ đoàn tàu 143 đã chiến đấu ngoan cường, là sự kiện bi tráng của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

TRẦN QUỚI - PHAN THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/438/322799/ben-vung-ro-trong-huyen-thoai-duong-ho-chi-minh-tren-bien.html