Bền vững trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược xuất khẩu và kinh nghiệm từ New Zealand

New Zealand đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sự bền vững trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng khi hơn 85% xuất khẩu của New Zealand hướng tới các quốc gia có các quy định về ESG đang có hiệu lực hoặc sắp có hiệu lực, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về các thực hành bền vững.

Ngày 12/11/2024, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm thực tiễn tại Hội thảo, ông Scott James, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam cho biết, New Zealand là một quốc gia coi trọng sự bền vững và cam kết giữ gìn môi trường tự nhiên đã được thể hiện trong cả chính sách lẫn thực tiễn.

“Giống như Việt Nam, New Zealand đã cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Thông qua đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ, chúng tôi đang hướng đến các thực hành nông nghiệp hiệu quả, phát thải thấp hơn, nhằm cân bằng giữa năng suất và trách nhiệm môi trường. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo là một lĩnh vực mà New Zealand thể hiện quyết tâm về sự bền vững: Khoảng 80% điện năng của New Zealand hiện đã đến từ các nguồn tái tạo, và chúng tôi nhắm tăng tỷ lệ này lên 100% vào năm 2030”, ông Scott James cho biết.

Ông Scott James, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam phát biểu tại Hội Thảo

Ông Scott James, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam phát biểu tại Hội Thảo

Theo ông Scott James, New Zealand đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sự bền vững trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược xuất khẩu và một điểm khác biệt trên thị trường toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng khi hơn 85% xuất khẩu của New Zealand hướng tới các quốc gia có các quy định về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang có hiệu lực hoặc sắp có hiệu lực, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về các thực hành bền vững.

Có 3 ví dụ về chủ trương này của Chính phủ New Zealand khi đang thực hiện tại 3 doanh nghiệp Boring Oat Milk, T&G, và Zespri.

Sự bền vững nằm trong tâm huyết của Boring Oat Milk, nơi chuỗi cung ứng địa phương được ưu tiên, và họ cung cấp các giải pháp bao bì có thể tái chế cho khách hàng. Để sản xuất 1 lít sữa yến mạch cần ít hơn 70% diện tích đất và tạo ra ít hơn 93% khí thải nhà kính so với 1 lít sữa bò. Với ngành sữa là trụ cột của nền kinh tế New Zealand, Boring đang tìm cách tích hợp hệ thống sản xuất yến mạch vào khuôn khổ nông nghiệp tái sinh đồng thời mang lại sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, T&G được hướng dẫn bởi tinh thần “kaitiakitanga”, nghĩa là họ đối xử với đất đai, con người, sản phẩm, tài nguyên và cộng đồng với sự tôn trọng và chăm sóc tối đa. Một số bước mà T&G đang thực hiện bao gồm áp dụng quy trình canh tác hoàn toàn thân thiện với môi trường và an toàn sinh thái, sử dụng nhãn có thể phân hủy sinh học và giảm 5% lượng khí thải của Công ty.

Với Zespri, Công ty xuất khẩu mặt hàng kiwi tin rằng trái kiwi có thể tạo ra sự khác biệt cho môi trường và cộng đồng trên toàn thế giới. Dù trái kiwi là một loại cây trồng có tác động thấp, Zespri nhận biết rằng vẫn có những tác động môi trường trong quá trình trồng và vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Công ty đang sử dụng công cụ và công nghệ mới để giảm thiểu tác động môi trường từ người trồng kiwi đến người tiêu dùng cuối.

“Đối với chúng tôi, bền vững có nghĩa là tạo ra một tương lai nơi tăng trưởng kinh tế, sức khỏe môi trường và sự thịnh vượng xã hội được liên kết và củng cố lẫn nhau. Nhìn về phía trước, New Zealand xem sự bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội hợp tác. Bằng cách hợp tác với các quốc gia có cam kết tương tự với tương lai bền vững, chúng tôi có thể xây dựng một thế giới đổi mới, khả năng chống chịu và sự tôn trọng thiên nhiên cùng song hành”, ông Scott James cho biết.

Trong năm 2025, Việt Nam và New Zealand sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác về biến đổi khí hậu. Đây sẽ là một trong những văn kiện chính được ký kết vào năm 2025 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, dự kiến sẽ ký dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao tại Việt Nam hoặc New Zealand. Bên cạnh đó, hai bên sẽ có hoạt động hợp tác bên lề Hội nghị COP29 sắp tới.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ben-vung-tro-thanh-mot-phan-cot-loi-trong-chien-luoc-xuat-khau-va-kinh-nghiem-tu-new-zealand-post357862.html