Bến xe, cảng hàng không lên phương án đón khách dịp lễ
Dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào ngày cuối tuần nên người lao động sẽ được nghỉ bù và được nghỉ tối đa là 3-4 ngày liên tiếp. Do đó, dự báo nhu cầu đi lại dịp lễ sắp tới sẽ đông đúc trở lại bởi công tác kiểm soát dịch bệnh và sự thích ứng đã tốt hơn so với giai đoạn trước.
Điều động phương tiện lệch tuyến để đưa, đón khách
Với dự báo người lao động sẽ được nghỉ lễ dài ngày và đi lại nhiều, đại diện Bến xe Miền Đông cho biết sẽ chủ động việc điều động phương tiện lệch tuyến và chuẩn bị một số công tác khác như cấp lệnh vận chuyển, cấp phù hiệu cho xe tăng cường và phục vụ đủ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp giỗ tổ Hùng Vương. Đối với dịp lễ 30-4 và 1-5, đơn vị này cho biết dự kiến thời điểm phục vụ hành khách bắt đầu từ chiều tối 29-4.
Theo vị này, trước diễn biến của giá xăng dầu, nhiều đơn vị vận tải phải điều chỉnh giá cước để duy trì hoạt động, đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, giá cước mới sẽ tác động đến quá trình phục hồi của lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh như hàng không và đường sắt. Do đó, trong dịp lễ, Bến xe Miền Đông yêu cầu các đơn vị kê khai giá vé theo đúng quy định, không điều chỉnh tăng để quay đầu giải tỏa hành khách, bù chi phí về không có khách.
Riêng dịp lễ 30-4 và 1-5, trường hợp đơn vị vận tải điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo chi phí quay đầu thì phải điều chỉnh tối đa trong ngày 29-4 và 30-4. Trong đó, mức điều chỉnh tối đa như khu vực từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận, các tuyến Tây Nguyên, Lâm Đồng và miền Tây tăng không quá 40% so với ngày thường. Đối với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước tăng không quá 20%.
Tương tự, Bến xe Miền Tây cho biết trong dịp lễ sẽ đảm bảo an ninh trật tự, huy động xe và điều động xe tăng cường khi cần thiết. Bên cạnh đó thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của các cơ quan chức năng. Đơn vị này cũng cho biết sẽ bán vé từ 5 giờ đến 21 giờ trong ngày đối với các đơn vị vận tải ủy thác bến xe bán vé và 24/24 giờ đối với các đơn vị vận tải tự bán vé. Đối với dịp lễ 30-4 và 1-5, các đơn vị kê khai giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong hai ngày.
Giảm ùn tắc tại các cảng hàng không
Theo ghi nhận của PV, hiện các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hầu hết mạng bay nội địa, trong đó các hãng đã mở thêm nhiều đường bay mới để thuận lợi cho việc đi lại của khách cao điểm hè. Các hãng bay nhìn nhận giá xăng dầu tăng thời gian qua đã ảnh hưởng đến cấu thành giá vé, dù không tăng cao hơn so với quy định hiện hành nhưng tác động lớn đến việc khai thác vận chuyển hàng không.
Với dự báo lượng khách sẽ tăng trước và sau lễ 30-4, các sân bay, đặc biệt các sân bay có lượng khách đi lại đông đúc như Tân Sơn Nhất, Nội Bài cần làm gì để hạn chế tình trạng ùn tắc đã từng xảy ra năm 2020? Trao đổi với PV, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Quốc Phương cho biết hiện ACV đang tổng hợp kế hoạch khai thác tại các cảng để chuẩn bị phương án phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp lễ 30-4 sắp tới.
“Dự báo nhu cầu đi lại dịp lễ 30-4 sắp tới sẽ đông đúc, các cảng đang chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị sẵn sàng phục vụ khách đi chơi lễ. Theo đó, các sân bay sẽ sớm có hướng dẫn khách đi lại thuận tiện, hạn chế ùn tắc tối đa” - ông Phương thông tin.
Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất nơi có lượng khách đi lại đông nhất cả nước vào dịp lễ, cao điểm hè và tết, một đại diện từ sân bay này cho biết sau gần một tháng đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa, đường băng dự kiến sẽ đưa vào khai thác dịp 30-4. “Hiện chúng tôi đang chờ Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để đưa đường băng 25R/07L khai thác vào thời điểm khách đi lại đông đúc” - vị đại diện chia sẻ.
Trước đó, lãnh đạo sân bay này cũng cho biết với việc tăng năm máy soi chiếu an ninh sẽ giải quyết được tình trạng luồng khách tăng vào các “giờ bay đẹp”.•
Công ty CP Vận tải Sài Gòn cho biết dịp lễ 30-4 và 1-5, công ty tổ chức chạy nhiều đoàn tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Cụ thể, tuyến TP.HCM - Hà Nội, có các đôi tàu SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8; tuyến TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại có tàu SE22/SE21; tuyến TP.HCM - Quy Nhơn có SQN1; tuyến TP.HCM - Nha Trang và ngược lại tàu SNT2, SNT4, SNT6, SNT10, SNT1, SNT3, SNT5, SNT7; tuyến TP.HCM - Phan Thiết có Tàu SPT1/SPT2; SPT4; hướng ngược lại có tàu SPT3. T.NHUNG
Các nhà tour đã phục hồi nhanh
Khảo sát nhanh từ các đại lý vé trực tuyến cho thấy nếu như hiện tại cho đến ngày 27-4, giá vé trên nhiều chặng bay vẫn còn mức trung bình. Tuy nhiên, từ ngày 29 đến 30-4, giá vé trên chặng bay TP.HCM - Phú Quốc nhảy lên 1,6-2 triệu đồng/vé (đã gồm thuế, phí). Cùng thời điểm, giá vé trên chặng bay từ Hà Nội - Phú Quốc dao động 2-4 triệu đồng/vé.
Tương tự, các đường bay từ TP.HCM và Hà Nội đi các địa phương hấp dẫn khách du lịch như Quy Nhơn, Đà Lạt, Đà Nẵng giá vé cận dịp lễ 30-4 nhảy vọt. Xuất phát từ TP.HCM giá vé dao động 1,6-1,8 triệu đồng; còn xuất phát từ Hà Nội giá vé dao động 2-3 triệu đồng.
Anh Phạm Ngọc Duy, chủ một đại lý vé tại Bình Dương, thông tin dịp lễ 30-4, lượng khách đặt vé khá sốt trên nhiều chặng như Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang. Cùng với đó, các đơn vị khai thác tour sau thời gian nghỉ đông đã phục hồi khá tốt, nhanh chóng khôi phục các tour hút khách nên các đơn vị này thường ôm lượng vé khách đoàn khá nhiều đã đẩy giá vé lên nhanh, đặc biệt trong các dịp lễ, cao điểm hè.
Cùng với đó, thời gian qua các địa phương tích cực kích cầu du lịch đã nhanh chóng thu hút khách đi lại, nghỉ ngơi sau hai năm gò bó do đại dịch. “Các dịch vụ du lịch đã nhanh chóng phục hồi, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong giai đoạn mở cửa vừa rồi, tuy nhiên một số phân khúc có khách đông các dịch vụ vẫn còn hạn chế do thiếu nhân sự nên khách vẫn phàn nàn” - anh Duy phân tích.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/ben-xe-cang-hang-khong-len-phuong-an-don-khach-dip-le-1052818.html