Bến xe khách huyện Quan Sơn hoạt động không hiệu quả
Dù đã có quy định về việc các xe tuyến cố định phải vào bến chấp hành đón, trả khách, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Quan Sơn tình trạng các nhà xe không vào bến diễn ra một cách phổ biến. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến bến xe khách này được đầu tư quy mô lớn nhưng rơi vào tình trạng gần như không hoạt động.
Bến xe khách huyện Quan Sơn.
Không khó để chúng tôi ghi nhận những hình ảnh không mấy đẹp mắt trên tuyến QL217 thuộc địa bàn huyện Quan Sơn. Những chiếc xe kinh doanh vận tải hành khách ngang nhiên chiếm dụng lòng quốc lộ, dừng đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa một cách ngang nhiên, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Điều lạ là dù huyện miền núi Quan Sơn đã dành một quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông và nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng bến xe khách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách, tuy nhiên đi ngược với với mục tiêu đầu tư, bến xe lại đang rơi vào tình cảnh “chết yểu”, hoạt động không hiệu quả.
Biển hiệu bến xe bong tróc.
Chị Lương Thị Yến ở thị trấn Sơn Lư tỏ ra khó hiểu khi một bến xe được đầu tư quy mô, có đơn vị quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp nhưng lại không có xe nào vào đón, trả khách.
“Không hẳn do nguyên nhân ảnh hưởng của dịch COVID-19, mà kể từ khi đầu tư, vận hành, bến xe khách của huyện luôn trong tình trạng bến không xe”, chị Yến cho hay.
Có mặt tại bến xe khách huyện Quan Sơn, qua quan sát cho thấy, cả bến xe rộng lớn nhưng lại không có một xe khách nào vào bến đậu, đỗ. Nhiều khu vực cỏ cây mọc um tùm, bến xe trở thành khu vui chơi, sân bóng cho trẻ.
Bến xe trở thành sân bóng cho trẻ vui chơi.
Đại diện Công ty TNHH quản lý dịch vụ công Quan Sơn - đơn vị được giao quản lý, vận hành bên xe thừa nhận tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt, từ khi có dịch COVID-19 đến nay không có một xe nào ra vào bến. Trong khi trước đó nhiều chủ xe cũng không chấp hành nghiêm việc ra vào bến. Việc không vào bến đóng lệnh, đồng nghĩa với những phương tiện này hoạt động như những chiếc xe dù.
Được biết, trên địa bàn có 7 nhà xe chạy tuyến cố định nội tỉnh Quan Sơn - Thanh Hóa và ngược lại và 2 nhà xe chạy tuyến liên tỉnh.
Trước thực trạng trên, phía đơn vị quản lý, vận hành bến cũng đã nhiều lần báo cáo UBND huyện, Công an huyện cũng như Sở GTVT dề nghị yêu cầu các nhà xe phải cho xe vào bến. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện.
Phía Công ty TNHH quản lý dịch vụ công Quan Sơn đề xuất sớm có giải pháp để các nhà xe phải vào bến. Bên cạnh đó, đơn vị cũng muốn đề xuất việc khai thác thêm các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… Đây là các dịch vụ có trong giấy phép để nâng cao hiệu quả hoạt động của bến xe.
Tình trạng xe khách không vào bến theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Chiến, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Sơn cho biết: Bến xe khách Quan Sơn được đầu tư và đi vào vận hành từ năm 2012. Hiện huyện đang giao cho đơn vị tư nhân là Công ty TNHH quản lý dịch vụ công Quan Sơn quản lý, vận hành. Song, với nhiều nguyên nhân, bến xe hoạt động không hiệu quả như mong đợi.
Bất cập ở chỗ các xe không chấp hành việc ra vào bến một phần do điểm cuối của tuyến huyện thuộc địa bàn xã Na Mèo, Sơn Thủy... có khoảng cách xa nên việc đón khách, trả khách tại bến cũng tạo nên những bất cập.
Để bến xe khách huyện miền núi Quan Sơn phát huy hiệu quả, tương xứng với quy mô đầu tư, huyện Quan Sơn cần sớm vào cuộc để tìm ra giải pháp.