Bệnh án điện tử: Bệnh nhân và bệnh viện đều được lợi

Nhờ áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, các bệnh viện tăng hiệu suất khám chữa bệnh, bệnh nhân rút ngắn được thời gian chờ đợi.

Chị TTG (29 tuổi, ngụ TP.HCM) đến Bệnh viện Hùng Vương khám thai lần thứ 2. Nhờ đặt sẵn lịch khám online từ tối hôm trước nên đến là chị vào khám ngay.

Thời gian khám rút ngắn một nửa

Chị G kể lần mang thai trước cũng khám tại đây, nhưng khi đó chưa có sổ khám bệnh điện tử như bây giờ. “Phải tranh thủ đi sớm, rồi bốc số, chờ đóng tiền, chờ khám rồi siêu âm, rồi lại chờ kết quả... Tính ra cũng mất khoảng 2,5 tiếng cho mỗi lần khám” – chị G chia sẻ.

Ngồi kế bên, chồng chị G góp lời chỉ chờ bác sĩ đọc kết quả siêu âm xong là anh chở vợ về. Thông tin, hình ảnh các lần khám đều được cập nhật trên hệ thống, đi khám chỉ cần không quên điện thoại là được.

 Nhờ có bệnh án điện tử nên nhiều người đi khám không phải chờ đợi do đặt lịch khám online từ trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhờ có bệnh án điện tử nên nhiều người đi khám không phải chờ đợi do đặt lịch khám online từ trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đưa ba từ quê lên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tái khám bệnh xương khớp, anh TVMT (35 tuổi, ngụ Trà Vinh) cho hay nhờ sử dụng ứng dụng UMC-care của bệnh viện qua điện thoại mà anh đăng ký lịch khám xong rồi mới đưa ông lên thành phố, rất tiện lợi.

“Ứng dụng cũng cho phép thanh toán online, không phải xếp hàng nộp tiền như trước. Ba tôi vừa khám xong trên phần mềm đã cập nhật kết quả, còn nhắc lịch uống thuốc nữa...” – anh T vừa nói vừa đưa điện thoại ra khoe.

Tiện cho bệnh nhân và bệnh viện

TS.BS Lê Quan Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đại học y Dược TP.HCM), cho biết đầu năm 2016 bệnh viện bắt đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nội trú. Đến tháng 10-2021 nơi đây được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử không giấy.

Theo bác sĩ Tuấn, cả nước hiện chỉ có Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mã hóa thông tin bệnh án điện tử theo SNOMED CT (bộ danh pháp thuật ngữ lâm sàng điện tử được mã hóa). Chuẩn dữ liệu này giúp ghi nhận tình trạng lâm sàng của bệnh nhân và tăng cường độ chính xác của các ứng dụng hỗ trợ khi ra quyết định lâm sàng.

 Nhờ bệnh án điện tử, người dân có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình qua mạng internet. Ảnh: BVCC

Nhờ bệnh án điện tử, người dân có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình qua mạng internet. Ảnh: BVCC

Đặc biệt, bệnh viện còn ứng dụng phần mềm UMC-care, hiển thị tất cả thông tin của bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Qua đây, bệnh nhân có thể đăng ký khám, thanh toán online, chọn bác sĩ, được nhắc lịch tái khám, lịch uống thuốc…

Chưa hết, khi bệnh nhân khám tại một cơ sở y tế khác cũng có thể nhanh chóng truy cập thông tin bệnh sử của mình trên điện thoại cầm tay để nhân viên y tế tham khảo.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc bệnh viện, cho hay đơn vị đã triển khai ứng dụng bệnh án điện tử năm 2022. Trong số hơn 6.300 người đang dùng ứng dụng thì có đến 6.100 người là bệnh nhân tái khám tại bệnh viện. Sắp tới, bệnh viện sẽ có bệnh án điện tử cho bệnh nhân nội trú.

“Qua ứng dụng bệnh án điện tử, bệnh nhân có thể nắm được thời gian tới lượt thăm khám, đọc các thông tin bệnh án cận lâm sàng mà không cần đi lại nhận kết quả. Ngoài ra, ứng dụng cũng giúp bệnh nhân có thể đóng viện phí, rất tiện lợi” - bác sĩ Hằng thông tin.

Triển khai chậm vì nhiều thách thức

Theo bác sĩ Tuấn, để triển khai được bệnh án điện tử toàn Bệnh viện Đại học Y dược, ban đầu bệnh viện phải thí điểm từng bước, thành công mới triển khai dần đến từng khoa, phòng.

“Chúng tôi mất gần 3 năm trong khâu đấu thầu mua sắm. Đến nay mọi thứ đã khá đầy đủ, wifi phủ toàn bệnh viện, tốc độ truy cập nhanh. Bệnh viện cũng thử nghiệm liên kết, trao đổi dữ liệu với bệnh viện khác. Tuy nhiên, hạn chế là mỗi bệnh viện sử dụng một phần mềm khác nhau nên còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ” – bác sĩ Tuấn nói.

 Bệnh viện Hùng Vương hiện đã áp dụng 100% hồ sơ bệnh án điện tử trong sản khoa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh viện Hùng Vương hiện đã áp dụng 100% hồ sơ bệnh án điện tử trong sản khoa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng theo bác sĩ Tuấn, hiện trên VNeID đã cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử. Khi các bệnh viện triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử, sẽ có nền tảng tiến tới làm hồ sơ sức khỏe cá nhân. Khi đó, người dân sẽ truy cập được thông tin bệnh án của mình dù khám ở bất cứ bệnh viện nào trên cả nước.

Bác sĩ Hằng cho biết, tại Bệnh viện Hùng Vương mẫu bệnh án điện tử đã thiết kế hoàn thiện. Sản khoa đã áp dụng 100% hồ sơ bệnh án điện tử, phụ khoa và sơ sinh khoảng 95%. Hiện bệnh viện đang thí điểm 10% hồ sơ bệnh án điện tử nội trú.

“Để triển khai bệnh án điện tử toàn bệnh viện cần rất nhiều thời gian, kinh phí đầu tư cho hạ tầng về công nghệ thông tin nhằm mọi việc được thông suốt, đồng thời bảo mật thông tin cá nhân của bệnh nhân.

Bệnh viện rất mong được các cấp chính quyền hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ ký duyệt đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử” - bác sĩ Hằng nêu.

Khẩn trương hoàn tất hồ sơ bệnh án điện tử

Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, đến hết năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử. Từ năm 2024-2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, trong dự thảo mới đây đang lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, Bộ Y tế đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-an-dien-tu-benh-nhan-va-benh-vien-deu-duoc-loi-post805449.html