Bệnh bạch hầu và cách phòng tránh

Hiện nay, bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch; khi phát hiện sớm, bệnh được điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Bệnh bạch hầu là một bệnh hiếm gặp nhưng hiện nay, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa của 5 tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, bệnh bạch hầu đang xuất hiện trở lại và diễn biến khá phức tạp. Việc trang bị kiến thức về bệnh bạch hầu là vô cùng cần thiết bởi nó có thể giúp bạn phòng tránh nhiễm bệnh cũng như là hạn chế sự lây lan của bệnh ra ngoài cộng đồng.

Tại Việt Nam, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh bạch hầu có thể phát triển thành dịch, nhất là trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin gây miễn dịch đầy đủ.

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn corynebacterium diphtheriae chính là tác nhân gây ra bệnh bạch hầu. Thông thường, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có trường hợp có thể lâu hơn.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu: thường xuất hiện trong vòng 2 -5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường. Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm: sốt, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, ho, viêm họng, sưng họng, da xanh tái, chảy nước dãi, có cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Bệnh rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng như liệt hoặc suy thận. Trẻ em nếu được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh thì sẽ hiếm khi mắc bệnh. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Biện pháp phòng tránh: Hiện nay, bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch, khi phát hiện sớm, bệnh được điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Hạn chế tập trung nơi đông người và đeo khẩu trang đúng cách. Thường xuyên lau rửa sàn nhà và các vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có sốt, ho, đau họng, hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly, đeo khẩu trang và đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Người dân trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

THỤY HỢP (CDC Lâm Đồng)

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202010/benh-bach-hau-va-cach-phong-tranh-3028385/