Bệnh Crohn có biểu hiện và những hệ lụy gì?
Bệnh Crohn là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hóa, với đặc điểm hay tái phát gây tổn thương ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn, xen kẽ các giai đoạn ổn định là các đợt bùng phát. Bệnh cần được điều trị để hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh Crohn
Đến nay nguyên nhân gây bệnh Crohn vẫn chưa rõ ràng, các nhà khoa học cho rằng, một số yếu tố, trong đó có thể kể đến là di truyền và hệ thống miễn dịch bị trục trặc, có khả năng đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh.
Các nghiên cứu cho thấy ai cũng có thể mắc bệnh Crohn nhưng thường gặp hơn ở người trong độ tuổi từ 15-35 tuổi và phần lớn những người mắc bệnh Crohn được chẩn đoán trước 30 tuổi.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn như cao hơn như: Người hút thuốc lá, người có chế độ ăn nhiều chất béo. Ngoài ra, nếu phải điều trị một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc chống viêm không steroid…dễ mắc Crohn.
Môi trường cũng là yếu tố nguy cơ trong đó, người ở khu vực thành thị hoặc ở một nước công nghiệp, có nhiều khả năng mắc bệnh Crohn hơn.
Biểu hiện của bệnh Crohn và những hệ lụy
Ở mỗi người tùy vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bệnh Crohn có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn có thể từ nhẹ đến nặng, có giai đoạn tiến triển xen kẽ giai đoạn ổn định. Trong giai đoạn hoạt động, có thể gặp các triệu chứng:
- Biểu hiện tiêu chảy 2-3 lần/ ngày đến trên 10 lần/ ngày.
- Xuất hiện sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút, thiếu máu, loét miệng…
- Biểu hiện đau bụng nhiều hố chậu phải và chuột rút cơ.
- Có máu trong phân.
Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác cũng có thể gặp: Viêm da, mắt và khớp. Viêm gan hoặc ống mật. Chậm tăng trưởng hoặc phát triển tình dục, ở trẻ em.
Bệnh Crohn có thể dẫn đến một hoặc nhiều biến chứng sau:
- Biến chứng tắc ruột: Bệnh Crohn gây tổn thương sâu thành ruột. Theo thời gian, tổn thương ruột có thể thành sẹo co kéo và hẹp gây tắc ruột.
- Gây loét:Viêm mạn tính có thể dẫn đến loét bất cứ nơi nào trong đường tiêu hóa, bao gồm cả miệng và hậu môn.
- Gây thủng, rò: Đôi khi các vết loét sâu qua thành ruột thủng vào ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc tạo lỗ rò. Lỗ rò có thể phát triển giữa ruột và da (hay gặp quanh hậu môn) hoặc một cơ quan khác trong ổ bụng. Trong một số trường hợp, lỗ rò có thể bị nhiễm trùng và hình thành áp xe, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
- Gây nứt hậu môn: Làm cho đại tiện đau đớn và có thể dẫn đến lỗ rò quanh hậu môn.
- Làm suy dinh dưỡng: Tiêu chảy, rối loạn hấp thu, đau bụng và ăn kém gây thiếu dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.
- Tăng nguy cơ ung thư đại tràng: Bệnh Crohn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, cần phải xét nghiệm sàng lọc sớm.
Ngoài ra, bệnh còn có gây hệ lụy các vấn đề sức khỏe khác: Bệnh Crohn có thể gây thiếu máu, rối loạn da, loãng xương, viêm khớp và bệnh túi mật hoặc gan, viêm màng bồ đào...
Điều trị bệnh Crohn
Đến nay chưa có biện pháp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, tuy nhiên một số biện pháp điều trị có thể làm thuyên giảm bệnh hoặc xử trí các biến chứng:
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc: Chống viêm NSAIDs, steroids, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp sinh học. Phẫu thuật được chỉ định khi có biến chứng hẹp, thủng, rò.
Tóm lại: Mặc dù đến nay vẫn chưa có cách chữa trị tiệt căn, tuy nhiên các liệu pháp điều trị đang được áp dụng có thể làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và mang lại sự thuyên giảm lâu dài. Với điều trị, nhiều người mắc bệnh Crohn có thể tham gia các hoạt động bình thường. Bệnh Crohn có gây ra những biến chứng nghiêm trọng và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.