Bệnh cúm nguy hiểm với thai phụ như thế nào?

Chuyên gia chỉ ra sai lầm khiến trẻ lâu khỏi cúm

(HNMO) - Thời gian qua, bệnh cúm phát triển mạnh khiến nhiều người mắc, trong đó có cả phụ nữ mang thai. Theo chuyên gia, thai phụ mắc cúm có thể khiến thai nhi dị tật.

Số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tính đến đầu tháng 12-2019, cả nước có trên 400.000 người mắc cúm.

Ghi nhận tại một số bệnh viện như Nhi trung ương, Thanh Nhàn..., số ca mắc cúm nhập viện gia tăng trong những ngày qua.

Bác sĩ Nguyễn Như Ngọc, Khoa Phụ sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, những ngày gần đây, khoa tiếp nhận 5 thai phụ mắc cúm A nhập viện điều trị. Các thai phụ có độ tuổi 22-35. Rất may là các ca này vào viện ở tình trạng bệnh chưa chuyển nặng. Các thai phụ đều được điều trị, theo dõi cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới được ra viện nhằm bảo đảm an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Phụ nữ mang thai cần giữ gìn sức khỏe để tránh mắc cúm. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Chuyên gia này cho hay, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Các triệu chứng của bệnh gồm: Sốt đột ngột, ho (phổ biến là ho khan), nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Riêng với phụ nữ mang thai, do có nhiều thay đổi về cơ thể, đặc biệt là có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy giảm khiến sức đề kháng trước dịch bệnh cũng bị yếu đi, cơ thể thai phụ lại đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, phụ nữ mang thai mắc cúm thường kéo dài hơn.

Đáng chú ý, phụ nữ mang thai mắc cúm có thể khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh, một số khiếm khuyết trên cơ thể, rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, sự gia tăng thân nhiệt của người mẹ khi bị bệnh là yếu tố tác động xấu đến não bộ của thai nhi. Ngoài ra, thai phụ có thể bị sảy thai, sinh non hoặc thai lưu nếu mắc cúm.

Chưa kể, bệnh cúm tiến triển nặng có thể gây viêm phổi cho thai phụ. Tình trạng viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn người thường bởi thai phụ có nhu cầu về ô xy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản trung ương chia sẻ, khi phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu thai kỳ mà bị mắc cúm, khả năng thai nhi dị tật là rất cao. Tuy vậy, không phải tất cả các loại vi rút cúm đều gây dị tật. Khi có dấu hiệu bị cúm, thai phụ nên đi khám để được xét nghiệm định tuýp vi rút cúm, bác sĩ sẽ tư vấn khi có kết quả cụ thể.

“Không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị triệu chứng vì có nhiều loại thuốc gây dị tật cho thai trong 3 tháng đầu”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Về chế độ dinh dưỡng, theo các chuyên gia, thai phụ khi mắc cúm nên ăn nhiều trái cây nhằm bổ sung vitamin C; uống nhiều nước để làm loãng đờm và thải độc tố; uống nước ấm pha mật với gừng hoặc chanh nhằm làm sạch vùng họng; ăn làm nhiều bữa; hạn chế ra ngoài trời khi mưa nắng thất thường. Đặc biệt, thai phụ nên nghỉ ngơi, tránh suy nghĩ nhiều.

Để phòng bệnh cúm, biện pháp tốt nhất là hằng năm tiêm vắc xin cúm mùa. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên đi tiêm phong vắc xin phòng bệnh. Cùng với đó là đảm bảo vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; hạn chế đến nơi đông người.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/953970/benh-cum-nguy-hiem-voi-thai-phu-nhu-the-nao