Bệnh cường giáp có ảnh hưởng đến khả năng sinh con không?
(Chị Thùy Ân, ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu)
Bác sĩ trả lời:
Chào chị Thùy Ân!
Cường giáp là tình trạng dư thừa hormone tuyến giáp do nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh. Triệu chứng bao gồm:
Sút cân dù ăn uống bình thường hoặc thèm ăn nhiều.
Tăng nhịp tim hoặc cảm giác tim đập nhanh, loạn nhịp.
Run tay.
Mệt mỏi và yếu cơ.
Tăng cảm giác lo âu hoặc cáu gắt.
Ra mồ hôi nhiều và cảm giác nóng bức, khó chịu.
Kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.
Tiêu chảy do nhu động ruột tăng.
Rụng tóc hoặc tóc trở nên mỏng và yếu.
Mắt lồi ra (trong trường hợp bệnh Basedow)
Nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp: bệnh tự miễn (bệnh Basedow), nhân giáp độc, viêm tuyến giáp, dùng hormone giáp… Bệnh lý này ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có cơ quan sinh sản.
Phụ nữ mắc bệnh cường giáp thường có rối loạn kinh nguyệt như vô kinh, kinh nguyệt không đều ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Ngoài ra, trong thời gian mang thai nếu có cường giáp sẽ làm tăng nguy cơ như thai lưu, thai chậm tăng trưởng, sinh non, tiền sản giật, và tình trạng nhiễm độc giáp cấp ở mẹ rất nguy hiểm. Vì vậy, nếu chị bị cường giáp nên khám ở các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa nội tiết. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp… để tìm nguyên nhân, từ đó điều trị sớm nhất có thể, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nếu muốn có thai thì cần kiểm soát tình trạng bệnh ổn định thì mới nên thả bầu nhé. Khi đã có thai, chị phải khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết định kỳ nhằm kiểm soát tốt nồng độ hormone tuyến giáp, tránh ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé!
Chúc chị nhanh khỏi bệnh!
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Ngọc Tuyên,
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Âu Cơ