Bệnh dạ dày của Tăng Thanh Hà có dễ thành ung thư?

Ngay sau khi diễn viên Tăng Thanh Hà chia sẻ hành trình 3 năm điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến trái chiều cho rằng cô đang 'nghiêm trọng hóa bệnh tật' vì căn bệnh này không thể thành ung thư như cô chia sẻ. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của bác sĩ để làm rõ hơn nguy cơ này.

“Tôi ốm quá, xuống sắc và già nua”

Theo lời kể của Tăng Thanh Hà trên facebook cá nhân tháng 7.2022, cô đã trải qua một hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. “Tôi bị trào ngược dạ dày thực quản. Suốt 3 năm trời tôi không thở tốt, ho, viêm họng và lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi như bị cảm cúm. Căn bệnh này đã khiến tôi xuống cân trầm trọng. Giai đoạn đó tôi nhận rất nhiều sự quan tâm về cân nặng (chỉ có 43kg), ai cũng nói tôi ốm quá, xuống sắc và già nua. Bản thân tôi nhiều lúc không dám nhìn mình trong gương. Tôi không muốn mình như thế…”, Tăng Thanh Hà viết.

Cô cho biết đã thử rất nhiều phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản nhưng chỉ thuyên giảm “phần ngọn” và đỡ hơn khi uống thuốc. “Tôi dùng rất nhiều thuốc nhưng bệnh tình không hết hẳn mà tái đi tái lại và có dấu hiệu nặng hơn. Tháng 10.2020 sinh nhật tôi thật buồn khi bác sĩ thông báo tôi có nguy cơ cao biến chứng ung thư thực quản. Tôi tuyệt vọng và may mắn gặp được một cô thực hành về dinh dưỡng, cô ấy đã đồng hành chỉ dẫn để tôi kết nối với cơ thể mình và tìm được một chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân, cũng như thay đổi cách sống để giúp cơ thể tự chữa lành.

Bốn tháng sau tôi thấy khỏe hơn. Tôi đã khóc khi tận hưởng một ngày trọn vẹn không triệu chứng và thở những hơi thở thật sâu. Hiện tại tôi đã khỏe, lên cân, thở tốt mà không phải uống thuốc nữa…”, Tăng Thanh Hà kể.

Vì đâu trào ngược dạ dày thực quản?

TS-BS. Lê Thị Tuyết Phượng.

TS-BS. Lê Thị Tuyết Phượng.

TS-BS. Lê Thị Tuyết Phượng (Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM), cho biết khi mọi người ăn vào, thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày. Trào ngược dạ dày thực quản sẽ đi theo con đường ngược lại và gây ra một số triệu chứng khó chịu, dẫn đến vài hệ lụy.

“Bình thường cơ thể vẫn có thể bị trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên trong 1 giờ số lần trào ngược dạ dày thực quản sinh lý khoảng 2-3 lần nhưng trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý có thể lên tới 7- 8 lần. Trào ngược dạ dày thực quản có thể đơn thuần là trào ngược dạ dày thực quản thôi nhưng cũng có thể là bệnh lý của trào ngược dạ dày thực quản kết hợp với tổn thương của những cơ quan khác và hay gặp nhất là ở dạ dày tá tràng”, BS. Phượng nói.

Cơ chế đầu tiên dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản là do cơ vòng giữa thực quản và dạ dày, bình thường giúp ngăn trào ngược trở lại từ dạ dày về thực quản, tuy nhiên trong một số trường hợp có rối loạn vận động của cơ vòng dưới thực quản, sẽ gây ra trào ngược.

Cơ chế thứ hai là hoạt động của thực quản (tiết dịch) góp phần gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Cơ chế thứ ba là ở dạ dày, tình trạng làm chậm, làm trống dạ dày, dạ dày căng đầy và trào ra bên ngoài.

Ngoài ra, còn có các yếu tố thuận lợi gây trào ngược dạ dày thực quản như: những người áp lực công việc nhiều, hay lo lắng, căng thẳng, mất ngủ…; chế độ ăn hoặc thực phẩm không phù hợp: ăn chua, cay, chất béo… quá nhiều, lúc ăn quá no, lúc nhịn đói quá lâu, hoặc ăn khuya; dùng thuốc như kháng viêm, đau khớp, an thần, tim mạch, huyết áp…; cơ địa béo phì, phụ nữ có thai, bệnh gan, làm gắng sức khiến tăng áp lực ổ bụng…

Có thể dẫn đến ung thư thực quản

BS. Phượng cho biết tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản là đo pH trong lòng thực quản, nhưng đây là khảo sát tương đối khó thực hiện và hiện tại không phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, để chẩn đoán bác sĩ thường dựa vào triệu chứng điển hình của bệnh nhân như ợ nóng, trớ, ợ hơi, đau vùng thượng vị… hoặc các biểu hiện ngoài thực quản.

Có 20% biểu hiện trong thực quản, nhưng lại đến 80% biểu hiện ngoài thực quản như ho kéo dài, khàn tiếng, đau họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hay cơn đau ngực… Sau đó bác sĩ sẽ làm một số test để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày thực quản không. Trong một số trường hợp bệnh nhân loại trừ được những yếu tố nguy hiểm thì thường sẽ được điều trị thử để vừa chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

“Các biến chứng đơn thuần của trào ngược dạ dày thực quản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Những biến chứng gây ra viêm thực quản trào ngược sẽ dẫn đến hẹp thực quản, xuất huyết thực quản, hoặc nặng hơn là thủng thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản, mặc dù tỷ lệ này không cao. Khi bệnh nhân có những biến chứng gọi là thực quản Barrett mà không ghi nhận chuyển sản, nghịch sản, loạn sản thì tỷ lệ ung thư chiếm 0,5%. Tuy nhiên, nếu trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng Barrett nhưng ghi nhận có tình trạng nghịch sản, loạn sản, chuyển sản thì nguy cơ ung thư lên 10%, thậm chí 40%. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị sớm để loại trừ những biến chứng nguy hiểm”, BS. Phượng lưu ý.

Điều trị cách nào?

Trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến lối sống, cách ăn và thực phẩm ăn nên nguyên tắc điều trị đầu tiên là loại bỏ các yếu tố thuận lợi, các nguy cơ gây ra bệnh như ăn quá cay, quá chua, rượu bia, thuốc lá, cà phê, dùng chất kích thích… Khi không có nguyên nhân thì trào ngược dạ dày thực quản có thể tự hồi phục hoặc điều trị dễ dàng hơn. Nên ăn có kiểm soát, không ăn quá no, nhịn đói quá lâu, hoặc ăn khuya, nên đi ngủ sau khi ăn được 3-4 giờ. Khi nằm ngủ nâng đầu cao để hạn chế trào ngược xảy ra. Không nên để bản thân bị căng thẳng, stress. Sống thoải mái, vui vẻ thì đôi khi trào ngược dạ dày thực quản sẽ ít hơn và có thể sống chung mà không chịu ảnh hưởng nhiều hay gặp các biến chứng.

Cùng chồng là doanh nhân Louis Nguyễn tham dự sự kiện ngày 12.8, Tăng Thanh Hà cho biết đôi khi vì áp lực công việc và thiếu ngủ, triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản tái lại, nhưng cô hiểu cơ thể cần gì để điều chỉnh và hồi phục nhanh.
Ảnh: Đăng Khoa

Sau khi đã thay đổi lối sống, hạn chế bớt yếu tố thuận lợi gây trào ngược thì nguyên tắc điều trị kế tiếp là sử dụng thuốc. Thuốc điều trị chính phải ức chế tiết axit của dạ dày như thuốc trung hòa axit, làm giảm hoặc ức chế sự tiết axit. Ngày nay, loại thuốc được chọn lựa điều trị là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Phải theo chỉ định của bác sĩ để tìm loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân mà ít ảnh hưởng tổng trạng sức khỏe và tương tác thuốc. Không nên tự ý ngưng thuốc sẽ dễ tái phát.

Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ được chỉ định trong một số trường hợp: bệnh nhân có các biến chứng của bệnh; bệnh nhân điều trị không thành công, thất bại nhiều và ảnh hưởng cuộc sống; tổn thương cơ vòng dưới thực quản; bệnh lý đi kèm…

“Tuy nhiên, đa phần bác sĩ luôn khuyến nghị bệnh nhân điều trị nội khoa trước khi quyết định phẫu thuật. Vì nếu người bệnh tuân thủ đúng chỉ định điều trị trào ngược dạ dày thực quản thì vẫn có thể ổn định sức khỏe với việc dùng thuốc…”, BS. Phượng nói.

Hữu Đức - Hoàng Khải

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/benh-da-day-cua-tang-thanh-ha-co-de-thanh-ung-thu-36386.html