Bệnh dại: Mối nguy hại cho cả người và vật nuôi
Hôm nay (27/ 9), Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác Một Sức Khỏe đã tham dự mít tinh hưởng ứng ngày Phòng Chống dại Thế giới với chủ đề: 'Tiêm vaccine để loại trừ bệnh dại'.
Năm nay đánh dấu cột mốc kỉ niệm năm thứ 13 Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại kể từ khi các quốc gia trên thế giới phối hợp đáp ứng với bệnh dại, liên kết các ngành và đối tác liên quan trong nước với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống bệnh dại.
Theo Chương trình Quốc gia Khống chế và Loại trừ Bệnh dại, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 54 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người tại 24 tỉnh, thành phố, so với con số 64 người tại 20 tỉnh, thành phố trong năm 2018. Dù số trường hợp tử vong thấp hơn, nhưng bệnh có xu hướng lan rộng thêm.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã có nghiên cứu kéo dài 10 năm về tác động kinh tế của bệnh dại tại Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này cho biết chi phí phát sinh do điều trị cho bệnh nhân sau khi chó cắn phải tiêm vaccine lên tới trên 700 triệu USD. Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng các biện pháp phòng ngừa còn mang lại hiệu quả cao hơn về chi phí, vì chi phí tiêm phòng mở rộng cho chó trong khu vực chỉ chưa đến 2 USD/con.
FAO hiện đang đồng hỗ trợ cho một cuộc họp do Liên minh Quốc tế về Tiêu chuẩn sinh học và Viện Nghiên cứu Vaccine quốc gia Thái Lan tổ chức. Các đối tác hỗ trợ khác gồm Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về Phòng chống Bệnh dại (GARC).
Dù bệnh dại có thể dự phòng được bằng vaccine, song ước tính mỗi năm trên thế giới vẫn có khoảng 59.000 người tử vong đặc biệt ở các khu vực nghèo và nhóm dân cư yếu thế nhất, có tới 40% số tử vong do dại là trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi.
“Các trường hợp tử vong do dại ở người đã được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố trước đây không có người mắc. Quản lý tốt đàn chó và tiêm vaccine dại cho chó là biện pháp quan trọng để loại trừ lây truyền bệnh dại trong đàn chó và ngăn ngừa lây sang người. Bên cạnh đó, những người bị chó cắn cũng cần được tiêm vaccine dại sớm và đầy đủ để phòng bệnh dại. Tiêm vaccine cho chó là biện pháp hiệu quả nhất về cả chi phí và tính bền vững để người bị chó cắn không bị chết vì bệnh dại”, TS. Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Tiến sĩ Kidong Park, Đại diện của WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao của quốc gia để đạt được mục tiêu không có tử vong do dại vào năm 2030, ông nhấn mạnh: “Tăng cường cam kết chính trị; nâng cao nhận thức nguy cơ; thúc đẩy tiêm vaccine cho chó và quản lý đàn chó; đảm bảo sự tin tưởng, sự tiếp cận, sự sẵn có, và giá cả hợp lý của vaccine phòng dại ở người; và tăng cường nhân lực và nguồn lực tài chính là các vũ khí để chống lại bệnh dại”.
Ông Kidong Park cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực y tế và thú y sẽ đảm bảo cho các chương trình phòng, chống bệnh dại thực hiện hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu chung toàn cầu là không còn người chết vì bệnh dại lây từ chó vào năm 2030.
Theo ước tính của WHO, nếu chúng ta có thể loại trừ bệnh dại trên toàn cầu, thì hằng năm, hàng ngàn sinh mạng sẽ được cứu sống, và chúng ta có thể để dành ra được một khoản tiền tương đương 8,6 tỷ USD sử dụng cho các mục tiêu phát triển khác.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nỗ lực thực hiện Chương trình Quốc gia Khống chế và Loại trừ Bệnh dại do Thủ tướng Chinh Phủ phê duyệt vào tháng 2 năm 2017, và chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 7 năm 2017 về việc Tăng cường các Biện pháp Cấp bách Phòng chống Bệnh dại. Hai Bộ đã phối hợp cùng các đối tác Một Sức khỏe triển khai các hoạt động để tăng cường sự cam kết của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống bệnh dại, tăng cường sự phối hơp liên ngành bao gồm ngành y tế, nông nghiệp, giáo dục và các cơ quan đoàn thể khác, tăng cường truyền thông để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ tiêm vacxin dại cho đàn chó, người bị chó cắn được tiêm vacxin phòng dại, nhằm giảm số trường hợp tử vong do dại tại Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.