Bệnh dại và những cái chết có thể phòng tránh
Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, có số người tử vong cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Vết thương nhỏ, hậu quả lớn
Người dân ở khu phố 1, phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của anh N.T.K, sinh năm 1986. Anh K tử vong vào ngày 10/1, nghi do bệnh dại.
Cách đây hơn 3 tháng, một con chó lạ (hiện không biết ở đâu) xông vào nhà, sủa 3 con chó (hiện vẫn còn sống) của gia đình anh K. Anh dùng tay đuổi con chó lạ và bị nó cắn vào tay trái. Thấy con chó lạ đeo sợi dây xích, anh K nghĩ rằng dây xích làm xây xát da tay nên không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Đến ngày 4/1, anh K cảm thấy khó thở, tức ngực, nôn khi ăn. Bốn ngày sau, anh bắt đầu sợ nước; người nhà lấy nước cho uống thì anh sợ hãi, mệt. Đến 0 giờ ngày 9/1, người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Cũng trong buổi sáng hôm đó, họ xin xuất viện và đưa bệnh nhân vào Khánh Hòa khám. Khoảng 2 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân tử vong.
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên nghi do bệnh dại trong năm 2024. Năm 2023, có một trường hợp tử vong do bệnh dại ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Bệnh nhân này bị con chó mà gia đình nuôi cắn ở ngón tay (vào đầu tháng 12/2022) nhưng không đi tiêm vắc xin phòng dại.
Khoảng 3 tháng sau khi bị chó cắn, bệnh nhân có những triệu chứng lâm sàng của bệnh dại; gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh dại... 5 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện, bệnh nhân tử vong.
Theo BSCKI Châu Trọng Phát, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, thường thì sau khi bị chó cắn, nếu vết thương nặng, người dân lo lắng và sẽ nhanh chóng đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Còn nếu vết thương nhẹ, rất nhẹ, chỉ như một vết xước nhỏ, người dân có tâm lý chủ quan, không đi tiêm phòng. “Đa số trường hợp tử vong do bệnh dại/nghi dại, vết xước trên da rất nhỏ. Vì đó là vết xước nhỏ nên thời gian ủ bệnh kéo dài”, bác sĩ Châu Trọng Phát cho hay.
Do chủ quan, một số người bị chó cắn phải trả giá bằng mạng sống.
Phòng, chống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số người tử vong cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5-8 hằng năm. Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau khi phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại ở người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100%, đối với cả người và động vật.
Bình quân mỗi năm, trên thế giới có 60.000 ca tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, bình quân mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016. Riêng năm 2022, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại ở người chủ yếu là bởi người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo.
Tiêm vắc xin cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) chính là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại. Để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.
Bên cạnh đó, những người nuôi chó, mèo phải có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng (không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm); không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo..., tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh dại nguy hiểm nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Bác sĩ Châu Trọng Phát nhấn mạnh: “Nếu bị chó, mèo, chuột... cắn, cào..., người dân hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về cách xử trí; tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam!”.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/312303/benh-dai-va-nhung-cai-chet-co-the-phong-tranh.html