Bệnh đau mắt đỏ và cách phòng chống

Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở mắt, ít để lại di chứng, nhưng thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Vậy bệnh có những biểu hiện gì và cách phòng chống như thế nào?

1. Đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ là một danh từ dân gian quen dùng để chỉ tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, virut, viêm dị ứng gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 7-9, là những tháng mưa nhiều.

2. Những dấu hiệu điển hình của bệnh bao gồm:

Mắt ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt

Mắt đỏ

Mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt

Mi mắt sưng nề, đau nhức

Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai…

3. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ

Các nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ bao gồm:

Đau mắt đỏ do nhiễm virus: Bệnh gây ra do virus như Adenovirus, Herpes; có thể tự hết trong khoảng 7 – 14 ngày, không cần điều trị.

Đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn

Đau mắt đỏ do dị ứng: Các tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi và lông động vật… có thể khiến bệnh kéo dài cho đến khi loại bỏ hoặc tránh xa các yếu tố gây dị ứng.

4. Cách phòng tránh

Đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ dùng, bát ăn, ly tách, ga gối, mùng màn… Do đó, để tránh lây lan thành dịch, cần thực hiện một số vấn đề cơ bản như sau:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/benh-dau-mat-do-va-cach-phong-chong-post264113.html