Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ lâu nhưng sao nay mới được chú ý?

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện khá lâu ở châu Phi nhưng chỉ được quốc tế chú ý khi bệnh này xuất hiện ở châu Âu trong thời gian gần đây.

Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở châu Phi từ hàng chục năm trước, tuy nhiên mãi đến khi chúng lây lan ở châu Âu thì thế giới mới bắt đầu chú ý đến. Nhiều chuyên gia cho rằng tiêm chủng vẫn là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với loại bệnh này dẫu gặp một số khó khăn nhất định.

Bệnh đậu mùa khỉ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người châu Phi từ hàng thập niên trước

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiện thực đáng buồn ở thế giới mà ta đang sống là người ta chỉ chú ý tới bệnh đậu mùa khỉ khi nó lây lan ở các nước giàu, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân châu Phi xứng đáng được quan tâm nhiều hơn, hãng Reuters đưa tin.

Tại một cuộc họp báo ở TP Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros cho biết châu Phi ghi nhận hơn 1.400 trường hợp nghi nhiễm và 56 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm nay. Loại bệnh này đã xuất hiện ở châu Phi từ nhiều thập niên trước.

“Loại virus này đã xuất hiện và cướp đi sinh mạng của nhiều người dân châu Phi hàng thập niên qua. Cộng đồng quốc tế chỉ chú ý đến bệnh đậu mùa khỉ khi chúng xuất hiện ở các nước có thu nhập cao. Các cộng đồng đang sống chung với mối đe dọa từ loại virus này mỗi ngày xứng đáng nhận được sự quan tâm tương tự” - ông Tedros nói.

Người đàn ông đang được tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại một phòng khám ở TP Montreal (bang Quebec, Canada). Ảnh: REUTERS

Người đàn ông đang được tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại một phòng khám ở TP Montreal (bang Quebec, Canada). Ảnh: REUTERS

Người đứng đầu WHO cho biết số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi đã lên đến 1.000 ca, trải trên 29 nước, song không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào.

Ông cho biết rằng nguy cơ xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia chưa từng ghi nhận bệnh là có nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Có giả thuyết cho rằng nguyên nhân dịch bệnh này xuất hiện ở châu Âu là do việc nới lỏng các hạn chế đi lại vốn được áp đặt để đối phó với COVID-19 trước đây.

GS Jimmy Whitworth - chuyên gia y tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) - nhận định rằng việc nối lại các hoạt động du lịch chính là nguyên nhân xuất hiện nhiều ca nhiễm đậu mùa khỉ ở phương Tây.

Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự khiến loại bệnh này lây lan ở châu Âu gần đây vẫn chưa được xác định chính xác.

Nguy cơ trở thành dịch bệnh toàn cầu?

Gần đây, WHO đã nhận định rằng bệnh đậu mùa khỉ khác với COVID-19, nên khả năng chúng trở thành đại dịch toàn cầu hầu như không xảy ra. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây lan hơn COVID-19, chỉ lây khi tiếp xúc gần trong khoản thời gian dài, và virus gây bệnh này cũng ít đột biến hơn SARS-CoV-2, theo GS Jason Mercer - chuyên gia về virus tại ĐH Birmingham (Anh).

Rút kinh nghiệm từ chiến dịch xóa sổ bệnh đậu mùa toàn cầu kéo trong quá khứ, các chuyên gia cho rằng tiêm chủng sẽ đóng vai trò quan trong việc ngăn đậu mùa khỉ trở thành đại dịch toàn cầu.

Một bài viết trên tạp chí Science cho biết rằng trong 4 thập niên kể từ khi thế giới ngừng tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm loại bệnh này ở châu Phi liên tục tăng lên.

Tuy nhiên, để các chính phủ triển khai tiêm chủng hàng loạt cho dân lại là một vấn đề. Ông Daniel Bausch - Giám đốc cấp cao tại Liên minh chẩn đoán toàn cầu FIND - cho rằng rủi ro do bệnh đậu mùa khỉ gây ra cho mọi người không đủ để khiến các chính phủ triển khai tiêm chủng hàng loạt.

Tuy nhiên, nếu virus bắt đầu lây lan ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người mang thai hoặc trẻ em, hoặc nếu tỉ lệ tử vong cao hơn dự kiến, thì có thể các nước sẽ chú trọng hơn đến tiêm ngừa, theo tạp chí Nature.

Một thách thức khác là ngay cả khi nhiều quốc gia tìm mua vaccine ngừa đậu mùa và bắt đầu tiêm chủng vòng (tiêm chủng cho những người nhiêu khả năng bị nhiễm nhất), vẫn có sự khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực tế khi thực hiện chiến chiến dịch, theo bà Raina MacIntyre - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH New South Wales (TP Sydney, Úc).

Về lý thuyết, cách tiếp cận tiêm chủng vòng rất phù hợp đối với bệnh đậu mùa khỉ vì tốc độ lây lan chậm và thời gian ủ bệnh dài. Tuy nhiên, trên thực tế, một chiến dịch tiêm chủng vòng nếu muốn thành công còn phụ thuộc vào chiến lược xét nghiệm và truy vết tiếp xúc mạnh mẽ, cũng như khả năng tiêm ngừa nhanh chóng cho các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao.

Việc khiến người dân chịu tiêm vaccine cũng là một nhiệm vụ khó khăn, theo Nature. Một báo cáo trên trang Eurosurveillance cho thấy rằng tính đến ngày 24-5, chỉ có 15/107 người từng tiếp xúc nguồn bệnh và 169/245 nhân viên y tế ở Anh lựa chọn tiêm vaccine.

Theo ông Bausch, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giới chức y tế các nước không nên chỉ dừng lại ở việc tiêm chủng, mà còn cần phải tập trung vào công tác kiểm dịch và cách ly.

Chuyên gia: Các nước đang phát triển đừng bỏ qua các nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ

Theo Reuters, tuần trước, Giám đốc cấp cao tại Liên minh chẩn đoán toàn cầu FIND - ông Daniel Bausch nói rằng các nước phát triển hiện đang tập trung nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ vì chúng đã xuất hiện ở phương Tây trong thời gian gần đây. Theo đó, ông cũng kêu gọi đảm bảo các nước có thu nhập thấp cũng được hưởng lợi từ các thành quả nghiên cứu này.

Ngoài ra, một số chuyên gia y tế cũng kêu gọi tăng tường cảnh giác và hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.

Ông William Karesh - Chủ tịch nhóm công tác về động vật hoang dã của Tổ chức Thú y Thế giới - nhấn mạnh điều quan trọng là phải hạn chế được mức độ lây lan của virus gây bệnh. "Nếu chỉ tập trung vào các phương pháp điều trị, chúng ta có thể sẽ lại đối mặt với căn bệnh mới trong tương lai" - ông nói.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-dau-mua-khi-xuat-hien-tu-lau-nhung-sao-nay-moi-duoc-chu-y-post683831.html