Bệnh dịch tạo nên những chấn động trong tinh thần nhân loại
Anh Trần Ngọc Hiếu là tiến sĩ văn chương, đang công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội và trong mắt tôi, anh là mẫu điển hình của những con người 'sống trong sách, chết vùi trong sách'. Thành thử, khi có một vấn đề nhức nhối nào đó về tư tưởng, tôi thường tìm đến anh...
Công bằng mà nói, không phải lúc nào tôi cũng nhất trí với những luận giải của anh nhưng trao đổi với anh luôn là một công việc thú vị. Và, sau mỗi lần trao đổi như vậy, bao giờ tôi cũng nảy ra một ý tưởng mới cho công việc viết lách của mình.
Những chấn động tinh thần nhân loại
- Nhà báo Phan Đăng: Tôi xin được vào vấn đề ngay, đó là đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp năm châu bốn bể. Việc này để lại những hậu quả về mặt y học, liên quan đến sức khỏe và sinh mạng con người thì rõ rồi. Nhưng, tôi nghĩ là nó còn để lại những khủng hoảng trong cấu trúc tinh thần của con người nữa. Tôi biết anh có một sở thích là thường xuyên cập nhật những vấn đề mới mà những nhà tư tưởng đương đại đặt ra. Vậy anh thấy những nhà tư tưởng đang nói như thế nào về vấn đề này?
- Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu: Phải nói thế này: Tính đến nay, chúng ta đã trải qua 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 và có một điều rất lạ là những năm khởi đầu cho mỗi thập niên đều xuất hiện một biến cố. Chúng ta biết là năm 2001 có biến cố 11-9 với 2 chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở Mỹ, làm đảo lộn rất nhiều vấn đề chính trị và tư tưởng. Nó khiến rất nhiều ảo tưởng trước đó của loài người về năm 2000 vỡ vụn. Nó khiến người ta phải nhìn lại bản đồ chính trị thế giới và cách thức mà thế giới hiện đại đang vận hành. Nó thực sự là một cú sốc rất lớn cho tinh thần nhân loại.
Còn bây giờ, đến năm 2020 thì không ai nghĩ là COVID-19 lại xuất hiện và có thể kéo dài như thế này. Thoạt đầu, ngay trong những lúc bi đát nhất, người ta cũng hy vọng đến mùa hè thì đại dịch chấm dứt, vì lúc đó người ta nghĩ nhiệt độ nóng sẽ tiêu diệt virus. Vậy mà đến tận lúc này, virus vẫn sống mạnh. Khu vực Mỹ Latin đang là đỉnh dịch, còn Việt Nam thì làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện, khiến hơn 20 người tử vong. Tôi quan sát bối cảnh dịch bệnh ốm yếu này và thấy rằng, trong lúc tất cả mọi thứ đều ốm yếu thì chỉ có một thứ xem ra lại rất khỏe mạnh, đó là hoạt động của những nhà tư tưởng lớn trên thế giới.
Tôi quan sát thấy lúc này tất cả những nhân vật tên tuổi nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đều đang tư duy về những câu hỏi mới mà đại dịch đặt ra như Slavoj Zizek, Judith Butler, Stephen Greenblatt, David Harvey... Zizek kịp ra cuốn sách tên là “Nạn dịch”, viết trong vòng 2 tháng, khi đại dịch xảy ra ở châu Âu. Họ vốn là những người nghiên cứu và kiến tạo tư tưởng của xã hội đương đại. Và sau khi tìm tòi, trăn trở, dường như họ nhận ra một vấn đề, đó là sự quy hồi của lịch sử. Bởi lịch sử nhân loại đã chứng kiến rất nhiều đại dịch và qua mỗi đại dịch thì nhân loại lại đúc rút được nhiều kinh nghiệm mới.
- Đúng thế! Có người nhận xét rằng, người hậu thế chúng ta có thể thấy rất rõ lịch sử dịch bệnh nhân loại qua những trang sách viết về lịch sử văn minh nhân loại và đặc biệt, qua cả những trang văn nữa. Trong văn chương, lịch sử dịch bệnh hiện lên với những thăng trầm khác nhau, gợi ra nhiều chiều suy tưởng khác nhau. Anh là một nhà phê bình văn học, chắc anh thấm thía điều này hơn ai hết?
- Từ thời cổ đại Hy Lạp, đã có nhiều câu chuyện liên quan đến sự hoành hành của bệnh dịch, làm xáo trộn cách tổ chức xã hội và tâm thức của con người. Đến thời Phục hưng, nhiều tác phẩm quan trọng của thời kỳ này như “Vua Lia” của William Shakespeare hay “Decameron” của Boccacio đều xoay quanh bối cảnh dịch bệnh hoành hành ở châu Âu. Và gần với chúng ta nhất là cuốn sách viết về dịch bệnh rất nổi tiếng, đó là cuốn “Dịch hạch” của Albert Camus.
Ngay trong thời gian dịch bệnh vừa rồi, một nhà xuất bản ở Việt Nam đã tìm mọi cách để tái bản cuốn sách này. Nhiều sinh viên của tôi bảo rằng: mọi khi thầy hay giới thiệu cuốn sách này nhưng phải đến thời điểm dịch bệnh này tụi em mới đọc. Và đọc lại thấy rất hợp.
- Trong những thời điểm chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thì đời sống con người đau khổ nhất. Đời sống con người đau khổ nhất thì tinh thần con người trăn trở, dằn vặt nhất. Và, khi tinh thần con người trăn trở, dằn vặt nhất thì văn chương, nghệ thuật lại phát triển nhất. Đó là một quy luật tất yếu của sáng tạo, phải không anh?
- Không ai muốn tư tưởng của mình phát lộ trong những tình huống éo le như vậy. Tuy nhiên, sự thật lại đúng như vậy. Trong triết học, người ta thường gọi những tình huống dịch bệnh, chiến tranh mà Phan Đăng vừa đề cập là “những tình huống hạn chế” và trong những tình huống hạn chế thì tư duy của con người không thể nương theo những cách nghĩ cũ, những cách nhìn cũ.
Tư duy con người lúc này luôn có những đứt gãy, những nứt rạn và chính những đứt gãy, nứt rạn lại là điều kiện để những tư tưởng mới nảy sinh. Ví dụ như dịch bệnh đặt ra câu hỏi: Ý nghĩa của sự sống là gì? Rồi cách thức quản trị xã hội sẽ phải thay đổi ra sao? Hay ở thời đại khủng hoảng môi trường này: con người và thế giới sẽ đi về đâu? Đại dịch COVID-19 không chỉ đặt ra những vấn đề về y học mà còn đặt ra những vấn đề tư tưởng như vậy nữa. Khi đại dịch xảy ra tại Italia chẳng hạn, có những thông tin cho rằng, ở thời điểm đó, do số lượng người nhiễm quá lớn nên giữa một bệnh nhân COVID trẻ và một bệnh nhân COVID già, người ta đã ưu tiên cứu người trẻ.
- Ưu tiên cứu ai và không ưu tiên cứu ai, chủ động tạo cơ hội sống cho ai và bóp nghẹt cơ hội sống của ai, nó không đơn thuần là những chọn lựa về y tế nữa, nó liên quan đến đạo đức xã hội.
- Đúng như vậy! Nên nó tạo ra những ám ảnh, những dằn vặt.
- Xin tiếp lời anh một chút, đó là không chỉ ở Italia, tôi có đọc được những bài báo nói rằng ở một số trại dưỡng lão tại Tây Ban Nha, đã có những nhân viên bỏ đi khi phát hiện có người nhiễm COVID-19. Kết quả là người ta đã tìm thấy rất nhiều người già sau đó chết trong bẩn thỉu, trong bệnh tật và đói khát. Tức là họ đã bị bỏ lại. Và khi câu chuyện này được các cơ quan truyền thông phản ánh thì chính phủ và dư luận Tây Ban Nha đã phản ứng rất mạnh mẽ. Cho nên tôi đồng tình với anh rằng dịch bệnh làm phát lộ nhiều vấn đề ngoài y học, trong đó đặc biệt là cách tương tác giữa con người với con người.
- Rồi chuyện có thực hiện biện pháp miễn dịch cộng đồng hay không. Một vài nước ở Bắc Âu đã đặt ra vấn đề này và ví dụ như ở Thụy Điển người ta đã áp dụng biện pháp này. Miễn dịch cộng đồng tức là phải chấp nhận để cho số lượng người chết đến một mức độ nào đó.
- Câu hỏi đặt ra: Vậy thì nhóm những người không may phải chết này là ai? Là nhóm người nhập cư, là nhóm người yếu thế trong xã hội, hay là nhóm những người thượng lưu?
- Đúng rồi. Tất cả thực trạng này khiến những bài toán về tự do, dân chủ của phương Tây bị thách thức nghiêm trọng. Sau vụ 11-9 thì điểm nóng chính trị thế giới trong suốt thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là chủ nghĩa khủng bố. Nó tạo ra một vách ngăn rất lớn giữa Mỹ với một số nước Ảrập. Còn bây giờ, có nhà tư tưởng cho rằng khi khủng bố không còn là một thứ diễn ngôn khiến con người tập trung quyền lực nữa thì nó lại được thay thế bằng dịch bệnh, thứ mà như tôi vừa nói, đã khiến hàng loạt những giá trị về tự do, dân chủ của thế giới phương Tây bị thách thức.
Trước đây, người ta luôn tự hào về việc tự do đi lại hay sự bảo vệ quyền riêng tư thì bây giờ, với việc phải cách ly xã hội, người ta không thể tự do đi lại hay nhiều sự kiện riêng tư buộc phải công khai hóa. Và như tôi đã nói lúc nãy, chính những hoàn cảnh như thế này lại đặt ra những vấn đề mới cho tư tưởng con người.
Và, để trả lời những câu hỏi mới thì con người thường tựa vào những điểm tựa nào đó của lịch sử. Lúc này, người ta bắt đầu quay trở lại đọc các tác phẩm cũ và người ta thấy rằng trong những thời khốn khó, văn chương, nghệ thuật luôn có sự tương tác nhiều chiều với con người. Đơn giản nhất là văn chương, nghệ thuật đã ghi lại những trải nghiệm của con người trong những tình cảnh rất khốn khổ. Những tình cảnh mà cảm giác như nếu không có văn chương, nghệ thuật thì những tiếng nói thực nhất sẽ không có chỗ để cất lên. Ngay trong hoàn cảnh dịch bệnh này, văn chương, nghệ thuật đã và đang tiếp tục cất lên những tiếng nói như vậy. Đó là trường hợp nhà văn Phương Phương, Trung Quốc, khi cô viết “Nhật ký Vũ Hán”.
Mất kết nối - căn bệnh của thời đại
- Tôi quan tâm rất kỹ đến những tác động mà tác phẩm này tạo ra trong lòng độc giả Trung Quốc. Rất nhiều người Trung Quốc phê phán Phương Phương rằng bà đã viết thật và trần trụi quá. Nó vô tình làm lộ ra những góc tối khủng khiếp của xã hội Trung Quốc trong dịch bệnh. Và, điều ấy chưa chắc đã là một điều tốt, trong một bối cảnh mà tất cả đều cần tìm một điểm tựa để tiến về phía trước. Họ đặt ra câu hỏi là trong trường hợp này, không hiểu văn học cứu rỗi con người hay tiếp tục đẩy con người lún sâu trong lo âu, sợ hãi. Quan điểm của anh thế nào? Liệu văn học có nên phản ánh một cách trần trụi trong một thời điểm mà sự sống con người vốn đã trần trụi lắm rồi không?
- Tôi nghĩ là Phương Phương đã ghi lại những trải nghiệm của con người trong đại dịch. Bà ấy bị tấn công rất dữ dội trên mạng xã hội nhưng vẫn lên tiếng, vẫn nói về nỗi đau của con người. Mà văn chương phải nói được về nỗi đau và những trải nghiệm của con người chứ. Thêm nữa, tôi thấy nhà văn hay các nhà triết học thường có một phẩm chất là: lo xa. Họ hiểu COVID trước sau rồi sẽ qua đi như biết bao đại dịch khác từng đến rồi từng qua với nhân loại này.
Nhưng, đại dịch làm nảy lên những vấn đề mới về tinh thần con người, gây ra những tranh cãi về nhân tính. Nhà văn xoáy vào chỗ đó, đặt ra những bài toán cần giải cho nhân loại. Nhân đây, tôi muốn kể rằng có một cuốn tiểu thuyết mà dù đã mua hơn 10 năm nhưng phải đến đợt dịch bệnh này tôi mới đọc, đó là cuốn “Mù lòa” của Jose Saramago.
Đối với tôi, nó là một kiệt tác thực sự. Cuốn tiểu thuyết kể về một nhân vật một ngày ra đường và đột nhiên bị mù. Căn bệnh này lây nhiễm rất nhanh. Hệ thống y tế trở nên quá tải nên người ta lùa những người mắc bệnh vào một chỗ và bỏ họ lại phía sau. Từ bối cảnh này, Jose Saramago đặt ra hàng loạt những vấn đề về tinh thần của con người. Ông cảnh báo về sự lộng quyền của mô hình toàn trị trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Tóm lại là, theo tôi, văn chương hoàn toàn có thể đề cập đến những góc như thế, để chỉ ra những thứ bệnh của xã hội, của con người. Con người phải nhìn thấy bệnh của mình thì mới có thể tìm ra thuốc chữa.
- Anh làm tôi nhớ đến Lỗ Tấn, người viết văn dường như là để giải phẫu dân tộc mình và từ đó tìm cách chữa những căn bệnh kinh niên cho dân tộc mình.
- Lỗ Tấn viết văn để chữa bệnh tinh thần của người Trung Quốc. Và chữa bằng một thứ văn chương rất đau. Ví dụ như một tác phẩm của Lỗ Tấn mà chúng ta từng học là “Thuốc” thì chúng ta hiểu rằng ở đó cả một xã hội đang mắc bệnh, từ bệnh ảo tưởng đến bệnh hiếu kỳ. Bạn tôi dạy học ở Trung Quốc và cho tôi biết rằng ở Trung Quốc hiện nay, thậm chí một bộ phận dư luận còn không muốn đọc và học về Lỗ Tấn.
- Họ không chịu được cách chữa bệnh của ông!
- Rồi, trong tác phẩm “Nhật ký người điên” mà cả tôi và anh đều thích, câu hỏi Lỗ Tấn đặt ra là: Ai bị coi là điên? Hóa ra điên không đơn thuần là trạng thái thiểu năng về trí tuệ. Trong nhiều trường hợp, người bị coi là điên là người có tiếng nói khác những người khác. Và lúc này, việc khép ai đó vào tình trạng “điên” là một cách để loại bỏ người đó khỏi cộng đồng. Trong “Nhật ký người điên”, chúng ta thấy chính người điên lại là người nhìn ra nhiều sự thật.
- Trong đó có một sự thật rất khủng khiếp, là trong quá khứ, ở Trung Quốc từng có những giai thoại về việc người ăn thịt người!
- Vâng! Đúng là như thế! Ở đây, tôi muốn khái quát vấn đề để nói rằng có cả một lịch sử bệnh tật ở trong văn chương đấy nhé. Có lẽ anh ít để ý điều này, Susan Sontag - một nhà phê bình người Mỹ đã đề cập đến khía cạnh này. Theo bà, mỗi thời đại lại nổi lên một loại bệnh tật nào đó.
Trong thời kỳ tiền hiện đại ở châu Âu, ám ảnh về dịch hạch là một ám ảnh kinh hoàng với văn hóa châu Âu và nó là nền tảng của rất nhiều tác phẩm lớn. Đến thời kỳ lãng mạn thì tất cả chúng ta đều biết là có căn bệnh ho lao. Rất nhiều văn nghệ sĩ lãng mạn mắc bệnh ho lao. Đến những năm 80 của thế kỷ 20, khi châu Âu bước sang thời hậu hiện đại thì người ta nói nhiều đến bệnh AIDS. Căn bệnh này đã tấn công một số giá trị mà phương Tây giải phóng, ví dụ như tự do tình dục. Rồi những năm 2000 thì nhân loại mắc căn bệnh điển hình nào, anh biết không?
Mới đây, tôi có đọc luận án của một tác giả nước ngoài, nói rằng có một căn bệnh ẩn dụ cho chính thời đại chúng ta đang sống. Cái thời đại mà tôi và anh đang sống. Đó là bệnh Alzheimer, suy giảm trí nhớ. Đấy! Các vấn đề của thời đại thường được ẩn dụ hóa bằng các loại bệnh tật như vậy. Và, các nhà văn ở mỗi thời đại thường xoáy vào các loại bệnh tật đó để phản ánh nó, tìm cách hóa giải nó.
- Ồ! Tôi bị bất ngờ với điều anh vừa nói. Nhưng, đấy là một bất ngờ lý thú anh ạ. Trong tôi, trong anh và trong bất cứ ai của cái thời đại này phải chăng luôn tiềm ẩn một nguy cơ Alzheimer? Cái hội chứng này có vẻ không phải chỉ là câu chuyện riêng của những người già mà của tất cả chúng ta. Bởi chúng ta thường có hội chứng lãng quên một điều gì đó. Nói chính xác là đời sống “thừa thông tin nhưng thiếu trí tuệ” bây giờ khiến chúng ta rất dễ bị mất kết nối. Chúng ta mất kết nối với quá khứ. Chúng ta mất kết nối với các hệ giá trị. Chúng ta mất kết nối với các đại tự sự. Và trạng thái quên - trạng thái mất kết nối này có thể khiến chúng ta trở thành những cá thể mỏng manh, bơ vơ, dễ sụp đổ.
- Tại sao bệnh Alzheimer lại là một ẩn dụ cho thời đại này? Theo tôi tại vì nó liên quan đến tình trạng già hóa dân số toàn cầu. Tình hình dân số Việt Nam cũng đang trên cái đà đó. Và qua đại dịch COVID-19, chúng ta thấy rằng người già chính là đối tượng dễ tổn thưởng nhất và cũng dễ bị bỏ rơi nhất trong lòng một xã hội. Người ta có thể phê bình bệnh AIDS vì nó có thể liên quan đến những hành vi tình dục, tức là liên quan đến những vấn đề đạo đức. Còn với bệnh Alzheimer thì sao? Đáng sợ nhất, căn bệnh này khiến chúng ta mất ký ức và chúng ta rơi vào một trạng thái gọi là “rỗng ý nghĩa”.
Có một bộ phim rất hay của Hàn Quốc tên là “Thơ ca” do Lee Chang Dong biên kịch và đạo diễn nói về một bà già mắc bệnh quên. Nhưng, xem phim, người ta hiểu rằng đâu phải chỉ một bà già hoặc những bà già nào đó trong xã hội mắc bệnh quên mà đáng sợ là cả xã hội mắc bệnh quên. Quên rất nhiều thứ, chẳng hạn như quên đi mặc cảm tội lỗi, quên đi cảm giác về cái ác và đặc biệt là quên đi sự tồn tại của cái đẹp. Với một mức độ thông tin như hôm nay, có vẻ như trạng thái quên của chúng ta càng ngày càng nhanh và ngày càng mạnh.
Tôi đang nghiên cứu về người già, cho nên nhân chuyện này tôi nhớ đến tác phẩm được xem như cột mốc của văn học Việt Nam sau chiến tranh, đó là tác phẩm “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi rất bị ám ảnh bởi nhân vật bà vợ của tướng Thuấn trong tác phẩm này. Bà bị lẫn. Và khi người em của bà đến hỏi “chị có biết em là ai không?” thì bà trả lời: “Là người!”. Thế là người em khóc òa lên và bảo: “Cả làng nó gọi em là chó, riêng chị gọi em là người!”. Những chi tiết này nói với tôi rằng chúng ta đã bước vào một thời kỳ văn học mới không chỉ với những ông tướng về hưu mà với cả những người già đã bị lãng quên. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì văn học Việt Nam có vẻ chưa có một tác phẩm nào nói một cách thấu đáo về căn bệnh quên - căn bệnh mất ký ức - căn bệnh rỗng ý nghĩa của xã hội hiện nay.
Nhiều nhà văn Việt Nam… mắc bệnh
- Anh Trần Ngọc Hiếu này, lịch sử văn học Việt Nam đã có những loại bệnh tật nào được phản ánh?
- Rất nhiều tên tuổi lớn của văn học Việt Nam liên quan đến dịch bệnh. Nguyễn Du - thi hào lớn nhất của chúng ta cũng qua đời bởi dịch bệnh.
- Vâng! Căn bệnh đậu mùa đã không buông tha đại thi hào dân tộc. Và đọc văn chương Nguyễn Du, người ta có cảm giác dường như ông còn gặp những căn bệnh tinh thần nào đó?
- Một thời kỳ rất dài, chúng ta chỉ quan tâm đến những thứ bệnh liên quan đến thể xác. Nhưng rồi một ngày chúng ta nhận ra tinh thần của mình cũng là một thực thể. Nó biết đau. Nó có sự tra tấn, sự dày vò, sự tổn thương. Và nó là những chấn thương ở bên trong. Thậm chí, trong văn học, người ta thường nói về những lý thuyết chấn thương, trong đó có một điểm hết sức đáng chú ý: chấn thương bao giờ cũng bộc lộ muộn. Tức là cái sự kiện làm chúng ta thương tổn chỉ phát ra sau đó. Nó có thể trở về trong giấc mơ, trở về trong vô thức và phải đến tận lúc đó người ta mới biết mình bị chấn thương.
Còn với Nguyễn Du, những tác phẩm của ông nói rằng ông sống với nhiều nội tâm dằn vặt. Và cái nội tâm ấy có vẻ là thứ không thoát được ra ngoài. Xuân Diệu khi viết “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” có hình dung rất ấn tượng về Nguyễn Du. Ông hình dung Nguyễn Du giống như một con người ngồi trong cả một buổi chiều dài để trầm tư. Thực ra, nhà văn Việt Nam đối diện với những vấn đề bệnh tật nhiều chứ không ít đâu.
- Anh có thể phân tích thêm vài ví dụ?
- Hàn Mặc Tử! Ông không chỉ chịu căn bệnh về thể xác đơn thuần mà còn là những căn bệnh mang tính chất siêu hình. Ông bị bệnh phong và ông cũng là một tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong cái nhìn tôn giáo thì người mắc bệnh phong cũng là người bị trừng phạt. Cho nên những dày vò, dằn vặt của Hàn Mặc Tử là có thật.
Rồi đọc văn học Việt Nam hiện đại, vẫn có một số tác phẩm mà tôi cho rằng ít nhiều có tính chất tự truyện. Và trong tính chất tự truyện đó, ít nhiều con người trầm cảm của nhà văn cũng được biểu lộ. Nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh chính là nhân vật trầm cảm. Anh ta có thể không hề hấn gì trong chiến tranh nhưng ra khỏi chiến tranh thì anh ta giống như một con bệnh.
Cuộc chiến khép lại nhưng không đồng nghĩa với việc Kiên lật cuộc đời mình sang trang khác. Cuộc chiến ấy mãi giam giữ anh trong quá khứ, tạo thành những ám ảnh bệnh tật trong anh, khiến cuốn tiểu thuyết anh muốn viết mãi là một cuốn tiểu thuyết dang dở.
- Vậy những nhà văn đang cầm bút hiện nay thì sao? Chúng ta vừa nói là thời đại này có một căn bệnh lớn là căn bệnh mất ký ức. Và tôi cũng biết một số nhà văn hiện nay cũng có những trạng thái trầm cảm của riêng họ. Vậy họ có thể viết gì và liệu văn học đương đại có thể xuất hiện những tác phẩm đầy ám ảnh hay không?
- Nếu các trạng thái nội tâm của người cầm bút hôm nay thật sự chân thành và các bạn ấy dám mổ xẻ nó một cách thật sự riết róng thì nó sẽ cho ra một thứ văn chương đầy ám ảnh. Còn nếu họ chỉ miêu tả thoáng qua, hay coi trầm cảm như một hình thức phục trang cho bản ngã thì rất khó tạo ra một thứ văn chương như vậy. Tôi nói như vậy bởi lẽ có một nhận xét hơi mang tính chất định kiến nhưng không phải không có lý, đó là một số người viết trẻ hiện nay đã coi trầm cảm như một cách phục trang cho bản ngã. Họ cố nói với mọi người rằng: Tôi đang trầm cảm đây! Tôi đọc và thấy là những nỗi buồn, những sự khủng hoảng trong văn chương của các bạn trẻ hiện nay thực sự thiếu một chiều kích siêu hình nào đó.
- Thiếu chiều kích siêu hình đó sẽ không thể có được tác phẩm lớn, thưa anh?
- (Gật đầu). Nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng, nếu mình sống thêm khoảng 20 năm nữa thì sẽ được chứng kiến một tác phẩm lớn viết về thời đại hôm nay.
- Xin cảm ơn anh!