Bệnh hô hấp gia tăng - đừng chủ quan

Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, sự bùng phát các bệnh lý về hô hấp đã khiến công tác chẩn đoán, điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tại các bệnh viện, dù điều trị nội trú hay ngoại trú, không khó để bắt gặp hình ảnh quá đông người lớn, trẻ nhỏ đến khám bệnh. Đa phần bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp và tăng so với những tháng trước.

Người lớn, trẻ nhỏ mệt vì bệnh

Theo quy luật, các bệnh lý về đường hô hấp thường gia tăng trong mùa mưa, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa. Minh chứng thực tế là số người tới khám và điều trị các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen... tại các bệnh viện đều tăng so với những tháng trước. Tại Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Bình Long, trong một buổi sáng đã tiếp nhận từ 20-50 trẻ đến khám. Sốt cao, ho dai dẳng, sụt sịt mũi… gần như là triệu chứng chung của các bệnh nhân. Trẻ mắc bệnh thường quấy khóc, những người làm cha, mẹ càng thêm mệt mỏi, lo âu.

Phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến khám tại Trung tâm Y tế thị xã Bình Long. Đa phần trẻ đến khám đều mắc các bệnh về hô hấp

Phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến khám tại Trung tâm Y tế thị xã Bình Long. Đa phần trẻ đến khám đều mắc các bệnh về hô hấp

Đưa con gái 3 tuổi đến khám bệnh, chị Thị Sương, phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) cho biết: Thời tiết thay đổi, mấy đứa nhỏ bị ho, sốt hoài. Ở nhà tôi cũng cho uống thuốc rồi nhưng không yên tâm nên đưa con đến bác sĩ khám cho chắc.

Cũng như chị Thị Sương, chị Lê Thị Hiền đưa con gái hơn 4 tuổi đến khám bệnh về hô hấp, kèm biểu hiện sốt cao. “Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản, cho thuốc về nhà uống và theo dõi. Thời tiết này “độc” quá, mình đã phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân kỹ, rồi tăng cường dinh dưỡng nhưng bé vẫn mắc bệnh” - chị Hiền chia sẻ.

Bác sĩ của Trung tâm Y tế thị xã Bình Long lấy máu để kiểm tra các chỉ số xét nghiệm cho trẻ

Bác sĩ của Trung tâm Y tế thị xã Bình Long lấy máu để kiểm tra các chỉ số xét nghiệm cho trẻ

Trẻ nhỏ bệnh, người lớn cũng mệt mỏi theo là điều dễ thấy ở Khoa Nhi, Trung tâm Y tế thị xã Bình Long - nơi có 80% bệnh nhân điều trị nội trú là trẻ dưới 5 tuổi. Một trẻ nhập viện, phải có ít nhất 1, thậm chí 2 người ở lại chăm sóc. Chị Đoàn Thị Kim Nhi ở phường Hưng Chiến cho biết: “Hai mẹ con tôi ở bệnh viện đã 10 ngày rồi, cảm giác mệt mỏi, khó chịu lắm. Một người ở lại chăm sóc con nhưng người nhà cũng phải gác công việc để thay phiên nhau chăm sóc, phục vụ bé. Mong sao con nhanh khỏe để về nhà”.

Viêm đường hô hấp là nhiễm trùng đường thở từ tai, mũi, họng cho đến các đường dẫn khí khác. Viêm đường hô hấp chia thành 2 nhóm: viêm đường hô hấp trên gồm viêm tai giữa, viêm mũi, xoang, họng, thanh quản… Viêm đường hô hấp dưới gồm viêm khí quản, phế quản, phế quản phổi. Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, thở nhanh. Theo các bác sĩ, bệnh hô hấp thường không khó để điều trị, chỉ cần tuân thủ phác đồ thì 5-7 ngày sẽ khỏi bệnh nhưng nếu chủ quan vẫn để lại hệ lụy đáng tiếc.

Không tự ý dùng đơn thuốc cũ

Tại TP. Đồng Xoài, những ngày qua, Phòng khám Nhi đồng Sài Gòn ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài luôn chật cứng người đến khám các bệnh về hô hấp. Ngoài khám thông thường, một số trẻ được các bác sĩ chỉ định hút dịch đờm mũi, thở khí dung giúp trẻ bớt khó chịu. Hiện nay, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp đến khám tại đây tăng hơn 40% so với ngày thường.

Mặc dù là bệnh thường gặp ở trẻ nhưng rất nhiều cha mẹ chủ quan trong việc chăm sóc và điều trị bệnh cho con. Nhiều trường hợp không đưa con đi khám mà dùng toa thuốc cũ hoặc khi trẻ mới uống thuốc được 1-3 ngày, bệnh có giảm nhưng chưa hết, cha mẹ đã ngưng thuốc. Điều này vô hình trung làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh - một trong những nguyên nhân khiến bệnh hô hấp tăng mạnh trong những năm gần đây.

Bác sĩ HOÀNG MINH TÀI, Phòng khám Nhi đồng Sài Gòn (TP. Đồng Xoài)

Bác sĩ Hoàng Minh Tài, Phòng khám Nhi đồng Sài Gòn cho biết: Nhiều người có thói quen tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng thông thường như ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi... Việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng khả năng kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài và tốn kém hơn. Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không được sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc...

Các y, bác sĩ đang hút dịch mũi cho trẻ ở Phòng khám Nhi đồng Sài Gòn

Các y, bác sĩ đang hút dịch mũi cho trẻ ở Phòng khám Nhi đồng Sài Gòn

Cũng theo bác sĩ Tài, để phòng bệnh hô hấp, phụ huynh nên đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, ăn đủ chất, uống đủ nước, chích ngừa đúng lịch; tránh tiếp xúc nguồn lây, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang nơi tập trung đông người; giữ ấm cho trẻ; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn. Đồng thời, nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng bằng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên... Người lớn cần giữ vệ sinh, đi ra ngoài về rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh đường hô hấp trước khi tiếp xúc với trẻ.

Adenovirus - phòng bệnh là chính

Bên cạnh sự gia tăng báo động của các bệnh lý về đường hô hấp, thời gian gần đây, sự xuất hiện trở lại và từ đầu năm đến nay, trong cả nước đã có 9 trường hợp tử vong do mắc Adenovirus, một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Adenovirus là bệnh vi rút cấp tính và thường bị nhiễm ở đường hô hấp. Đây là bệnh chưa có thuốc điều trị hay vắc xin phòng bệnh và thường lây nhiễm nhanh trong cộng đồng nếu ở điều kiện thuận lợi. Đây là bệnh từng xuất hiện ở nước ta vào những năm 1994, 1996 và 1999, chứ không phải là bệnh mới. Adenovirus với các triệu chứng như cảm thông thường và thường sẽ tự khỏi, trừ một số người mắc bệnh bẩm sinh, sức đề kháng kém sẽ gây ra tử vong.

Phòng bệnh do Adenovirus chủ yếu là tự bảo vệ mình, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người và vệ sinh cá nhân thật tốt. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc xét nghiệm Adenovirus phải có chỉ định của bác sĩ, người dân không nên thực hiện ồ ạt vì lãng phí và không cần thiết.

Tiến sĩ, bác sĩ PHẠM HOÀNG XUÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/138226/benh-ho-hap-gia-tang-dung-chu-quan