Bệnh huyết áp âm thầm tấn công người trẻ

Nhiều người tăng huyết áp nhưng không đi tầm soát, không được điều trị hoặc điều trị không thường xuyên, dẫn tới đột quỵ.

Nhiều người chủ quan với huyết áp cao

Biết mình tăng huyết áp trong lần khám sức khỏe từ 5 năm trước với chỉ số đo 170/100mmHg, nhưng vì thấy cơ thể không đau yếu gì nên chị T.T.L (40 tuổi) bỏ qua.

Khoảng 2 năm gần đây, thi thoảng thấy mệt và đau đầu, chị L đi khám lại và được chỉ định phải dùng thuốc huyết áp.

Một bệnh nhân trẻ tuổi bị suy thận độ 2 sau thời gian dài không điều trị tăng huyết áp.

Thế nhưng, khi huyết áp được duy trì ổn định, chị L chủ quan không uống thuốc nữa. Cách đây ít lâu, khi đang làm ca đêm, chị đột ngột đau đầu và chuyển hôn mê rất nhanh.

Chị được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán chảy máu đồi thị phải, cuống não nên phải chuyển về Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.

Tại đây, bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng như chị L không hiếm gặp. PGS.TS Mai Duy Tôn, giám đốc trung tâm cho biết, qua nghiên cứu các ca đột quỵ, người trẻ có tỷ lệ chảy máu não cao, chiếm tới 46%.

Trong số này có tới 78% bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp. Đây cũng là lý do dẫn đến nguy cơ chảy máu não ở người trẻ.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh L.T (42 tuổi), được gia đình đưa đến cấp cứu khi xuất hiện các cơn đau lan ra sau lưng, khó thở, vã mồ hôi, nôn ói.

Anh T được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp do hẹp 98% động mạch vành trái, chức năng co bóp cơ tim giảm còn 40% (chỉ số bình thường trên 60%).

Đây là hệ quả của tình trạng tăng huyết áp diễn tiến trong thời gian dài, không được kiểm soát hiệu quả.

Biến chứng vì không tái khám

Tương tự, anh M.N (30 tuổi) cũng vô tình phát hiện tăng huyết áp cách đây 2 năm, nhưng cũng xem nhẹ, không tái khám.

Gần đây, anh hay đau đầu, khó ngủ nên tới bệnh viện khám. Anh L bất ngờ khi bác sĩ thông báo chỉ số xét nghiệm đạm trong nước tiểu tăng bất thường, chức năng lọc cầu thận còn 60%, chẩn đoán suy thận độ 2.

BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, đã tiếp nhận nhiều người bị tăng huyết áp lâu năm gặp phải biến chứng suy tim, hẹp mạch vành, suy thận.

Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh dùng một toa thuốc huyết áp nhiều năm liền không tái khám, thậm chí tự mua thuốc uống.

Nhiều người chủ quan không điều trị hoặc tự ý ngưng thuốc khi thấy chỉ số ổn định khiến bệnh không được kiểm soát, diễn tiến âm thầm gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng.

Cần chủ động thay đổi lối sống

Theo BS Kiều, phần lớn các bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ một số ít bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng, buồn nôn, lo lắng… Vì bệnh thường diễn tiến âm thầm nên người bệnh, đặc biệt là người trẻ khó phát hiện.

"Tăng huyết áp ở người trẻ tuổi thường nguy hiểm do đa số chủ quan, không theo dõi chỉ số thường xuyên, kể cả ở giai đoạn tăng huyết áp nhẹ. Kể cả khi phát hiện, nhiều người vẫn thờ ơ, coi nhẹ khiến bệnh nặng hơn’, BS Kiều nói.

Theo BS, tăng huyết áp kéo dài nếu không điều trị triệt để sẽ gây ra nhiều biến chứng đa cơ quan như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não (đột quỵ), phình động mạch chủ đến động mạch ngoại vi, suy thận mạn, mờ mắt, mù, thậm chí gây đột tử.

Tăng huyết áp làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, so với người không mắc bệnh.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, việc điều trị tăng huyết áp dựa vào từng tình trạng bệnh lý từng cá nhân.

Với bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát, cần duy trì đời sống tinh thần thoải mái, tránh lo âu, stress, lao động quá sức. Nên vận động nhẹ, ăn uống khoa học, không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và duy trì uống thuốc đều đặn mỗi ngày theo chỉ định.

Trường hợp tăng huyết áp thứ phát (ở người trẻ tuổi, trẻ em), chủ yếu xuất phát từ bệnh lý liên quan thận, tim, rối loạn thần kinh, béo phì, nghiện xem tivi và đồ điện tử, lười vận động… Do đó, cần điều trị đúng nguyên nhân để chấm dứt bệnh.

Để kiểm soát tăng huyết áp, bên cạnh việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị, người bệnh cần lưu ý kiểm tra chỉ số huyết áp mỗi ngày, ghi nhận thông tin vào sổ theo dõi huyết áp; tầm soát tăng huyết áp từ sau 40 tuổi với người bình thường hoặc sớm hơn tùy theo bệnh lý mắc phải.

Với người trẻ cần chủ động thay đổi lối sống lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, tránh stress, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia; hạn chế ăn muối, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, bổ sung rau củ quả, trái cây, cá… vào thực đơn hằng ngày.

Người bệnh cũng nên duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Đối với người làm văn phòng, nên thực hiện các bài vận động nhẹ, tránh ngồi nhiều một chỗ.

Tại Việt Nam có hơn 12 triệu người bị tăng huyết áp, trong đó có 9,7 triệu người không biết mình bệnh hoặc điều trị không hiệu quả.

Kết quả điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam mới đây cho thấy, 25% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp, tức cứ 4 người trưởng thành thì một người mắc bệnh, có những nơi tỷ lệ này lên đến 40%.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/benh-huyet-ap-am-tham-tan-cong-nguoi-tre-192240610233617824.htm