Bệnh khảm lá sắn tiếp tục lan rộng ở Quảng Ngãi
Sắn là một trong những loại cây trồng quan trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, được trồng ở nhiều vùng, nhất là các vùng miền núi, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, những năm qua, diện tích và mức độ nhiễm bệnh virus khảm lá sắn ngày càng lan rộng, trong khi nguồn hom giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh thiếu hụt trầm trọng, việc phòng trừ rất khó khăn khiến nông dân trồng sắn trong tỉnh bị thiệt hại nặng.
Diện tích, năng suất, sản lượng giảm dần
Là cây trồng có lợi thế, có khả năng chịu hạn, tương đối thích nghi trên chân đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước tưới nên từ năm 2021 trở về trước, diện tích trồng sắn hàng năm trên địa bàn tỉnh luôn duy trì từ 16.460ha đến 17.785ha, năng suất bình quân từ 194-194,5 tạ/ha, sản lượng từ 311.416 tấn đến 348.550 tấn/năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, do ảnh hưởng của bệnh khảm lá sắn, từ năm 2022 đến nay, diện tích trồng, năng suất, sản lượng sắn ở Quảng Ngãi giảm dần, dao động từ 13.098ha đến 4.082ha/năm, năng suất bình quân từ 174,2-175,3 tạ/ha, sản lượng từ 229.581 tấn đến 245.323 tấn/năm.
Đến niên vụ sắn 2023-2024, toàn tỉnh chỉ xuống giống hơn 10.946ha, cơ cấu chủ yếu là giống KM94 chiếm khoảng 80% diện tích, nhưng đến cuối tháng 3/2024 đã có hơn 7.085ha sắn bị nhiễm bệnh virus khảm lá (chiếm 64,7% diện tích). Trong đó, huyện miền núi Sơn Hà, địa phương có vùng nguyên liệu sắn lớn nhất tỉnh với diện tích là 5.800ha, đã có đến 5.500ha bị nhiễm bệnh khảm lá mức độ nặng; tiếp đến là huyện miền núi Ba Tơ có 300/400ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá mức độ nặng.
“Bệnh virus khảm lá sắn gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất sắn của tỉnh Quảng Ngãi, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Kết quả đánh giá thực tế, trường hợp bệnh gây hại nặng từ giai đoạn cây con có khả năng gây mất trắng. Bệnh gây hại khi sắn giai đoạn hình thành và phát triển củ làm giảm năng suất từ 20-30%”, đồng chí Nguyễn Quang Trung chia sẻ.
Loay hoay với bệnh khảm lá sắn
Trước thực trạng bệnh virus khảm lá sắn ngày càng lây lan ra diện rộng, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn cấp tỉnh do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; đại diện các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện là thành viên để chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh.
Ngoài việc ban hành kế hoạch về phòng, chống bệnh virus khảm lá sắn và kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng sắn sang cây trồng cạn, đầu mỗi niên vụ sản xuất sắn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đều họp bàn, đưa ra giải pháp phòng, chống như vận động nông dân không sử dụng nguồn hom giống bị bệnh để trồng, tăng cường công tác chăm sóc, bón phân để sắn sinh trưởng phát triển; chuyển đổi hơn 1.679ha đất trồng sắn trên những vùng đã bị nhiễm bệnh nặng sang các cây trồng khác như: ngô, lạc, mè, cỏ chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng sắn; tổ chức kiểm tra thực tế tại các vùng trọng điểm có diện tích bị bệnh khảm lá sắn để bàn phương án phòng chống phù hợp điều kiện cụ thể.
Song song đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, niên vụ sắn 2021-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã mua giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3 cấp cho huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành trồng thí điểm 10ha để theo dõi đánh giá tính thích ứng và tạo nguồn giống kháng bệnh tại chỗ cho các niên vụ tiếp theo. Hiện, diện tích trồng giống sắn HN32 tại 2 huyện này đã tăng lên khoảng 30,5ha.
Mặc dù nỗ lực trong công tác phòng, chống nhưng bệnh virus khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn ngày càng gia tăng về diện tích và mức độ thiệt hại. Lý giải câu hỏi vì sao suốt nhiều năm qua tỉnh Quảng Ngãi vẫn loay hoay với bệnh khảm lá sắn, đồng chí Nguyễn Quang Trung cho rằng, nguyên nhân chính là do chưa có nguồn giống kháng bệnh, sạch bệnh cung ứng nên nông dân sử dụng hom giống của những ruộng đã bị nhiễm bệnh, điều này càng làm cho nguồn bệnh ngày càng phát triển và lây lan ra diện rộng; việc phòng trừ bệnh khảm lá sắn rất khó khăn, nông dân không thể phun thuốc trừ bọ phấn trắng là môi giới lan truyền bệnh vì chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, tiền công phun thuốc cao.
Bên cạnh đó, địa hình ruộng sắn ở các huyện miền núi trong tỉnh có nhiều đồi dốc hoặc sắn được trồng xen với cây keo lai, rất khó khăn để phun thuốc; việc tiêu hủy toàn bộ cây sắn ở các ruộng sắn đã nhiễm bệnh chưa được nông dân chú trọng nên nguồn bệnh không được khống chế; hầu hết người trồng sắn ít đầu tư chăm sóc, bón phân cho cây sắn nên khi cây sắn bị nhiễm bệnh thì năng suất và chất lượng giảm mạnh do sức đề kháng yếu.
“Điều đáng lưu tâm, các địa phương chưa tập hợp được các nguồn lực tổ chức phòng, chống bệnh một cách quyết liệt, hầu hết việc phòng, chống chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền và thực hiện ở quy mô nhỏ dẫn đến việc phòng, chống kém hiệu quả, trong khi đó phần lớn diện tích đất trồng sắn là đất đồi núi hoặc đất nghèo dinh dưỡng, khô hạn nên rất khó chuyển đổi sang các loại cây trồng khác”, đồng chí Nguyễn Quang Trung nhìn nhận.
Cần nhân nhanh giống sắn kháng bệnh
Theo đồng chí Nguyễn Quang Trung, để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân trồng sắn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người trồng sắn nhận thức được đặc điểm tác hại của bệnh, không dùng hom giống trên các vùng bị nhiễm bệnh để trồng lại, thường xuyên kiểm tra đồng, thực hiện tiêu hủy cây bệnh ngay khi mới xuất hiện để tránh lây lan và thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc, bón phân để cây sắn sinh trưởng phát triển, tăng sức đề kháng đối với bệnh nhằm bảo đảm năng suất.
Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển nguồn giống sắn kháng bệnh HN3 sẵn có trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác chuyển giao đưa các giống kháng bệnh mới vào sản xuất phục vụ công tác phòng, chống bệnh (khi được công nhận lưu hành theo quy định); đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng sắn sang cây hàng năm để phòng, chống bệnh virus khảm lá trong điều kiện khan hiếm nguồn giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh như hiện nay.
Đối với Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, doanh nghiệp có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng tại huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà, tiếp tục tìm nguồn giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh (đã được công bố lưu hành theo qui định) từ các địa phương khác cấp phát hỗ trợ cho nông dân mỗi vụ sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững để duy trì, ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.
“Trước thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn hom giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh, tỉnh Quảng Ngãi rất cần sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án nhân nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm lá, có năng suất và hàm lượng tinh bột cao để cấp cho nông dân các vùng trồng sắn trong tỉnh”, đồng chí Nguyễn Quang Trung kiến nghị.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/benh-kham-la-san-tiep-tuc-lan-rong-o-quang-ngai-post806199.html