Bệnh khoe của ở giới nhà giàu Trung Quốc khiến người nghèo nóng mắt
Giới nhà giàu Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có, khiến nhiều người nghèo khó cảm thấy họ bị bỏ lại phía sau.
Dư luận Trung Quốc phẫn nộ trước thu nhập cao ngất ngưởng của một số người giàu trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
650 NDT (2,3 triệu đồng) có đủ ăn cho một ngày không?
Theo Tô Mang, cựu Tổng biên tập của Harper's Bazaar Trung Quốc, câu trả lời là không.
"650 NDT thực sự không đủ. Chị không uống sữa sao? Chị không ăn trứng gà buổi sáng sao? Chúng ta phải ăn uống tử tế hơn. Chúng ta không thể ăn mấy món tiêu chuẩn thấp như vậy", Tô nói với một nữ diễn viên Trung Quốc khi tham gia chương trình thực tế 50 km Đào Hoa Ô - nơi 15 người nổi tiếng sống cùng nhau trong 21 ngày.
Sau bình luận này, Tô nhận về hàng loạt bình luận chỉ trích từ cư dân mạng Trung Quốc. Nhiều người nói tiền ăn cho một ngày của họ còn ít hơn 30 NDT (105 nghìn đồng).
Lời khoe khoang của Tô gây phẫn nộ một phần vì nó được đưa ra ở thời điểm Trung Quốc đang tiếc thương cho sự ra đi của Hoàng Quan Quân, chân chạy nghiệp dư bỏ mạng trong giải chạy marathon ở Cam Túc.
Cuộc sống của Hoàng rất khó khăn, anh tham gia các các giải chạy marathon lớn nhỏ để kiếm tiền nuôi gia đình. Do kinh tế eo hiệp, Hoàng phải thường xuyên ăn mì gói, nhưng anh vẫn kiên trì tập chạy. Tốp 10 người chạy nhanh nhất ở Cam Túc sẽ nhận từ 2.000 - 15.000 NDT nên Hoàng ghi danh tham gia với hy vọng có thể kiếm thêm. Nhưng thảm kịch hồi tháng 5 khiến chàng trai nghị lực nằm lại ở hẻm núi Bạch Ngân.
Mặc dù Tô - vốn nổi tiếng với biệt danh "yêu nữ xài hàng hiệu của Trung Quốc" lên tiếng thanh minh đây là một sự hiểu nhầm và 650 NDT chỉ là tiền ăn trong toàn bộ quá trình tham gia chương trình. Nhưng chẳng mấy ai tin lời bao biện đó.
"Cô ta có thể đang cố giải thích. Nhưng sự thật là các ngôi sao là những người theo đuổi chủ nghĩa thượng đẳng mà chính họ cũng chẳng hề nhận ra", một tài khoản Weibo bình luận.
Năm 2020, Annabel Yao - con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ khi than thở về "cuộc sống khó khăn".
"Tôi chưa từng coi mình như công chúa. Tôi nghĩ giống như nhiều người cùng lứa tuổi, tôi phải làm việc, học tập chăm chỉ trước khi vào học một ngôi trường tốt", Yao nói, cho biết trong video dài 17 phút giới thiệu về nói về sự nghiệp ca hát chưa đầy nửa năm của mình.
Chia sẻ đoạn video trên tài khoản Weibo, Yao - 23 tuổi con gái của doanh nhân sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1,4 tỷ USD nói rằng việc ký hợp đồng với một công ty giải trí là món quà sinh nhật cô tự tặng bản thân.
Sinh ra ở vạch đích
Nhiều năm qua, giới nhà giàu Trung Quốc ngày càng thích phô trương sự giàu có. Họ khoe xe sang, túi xách hàng hiệu trên mạng xã hội, khiến những người theo dõi phải ghen tị. Nhưng dần dần, thú khoe mẽ của họ - vô tình hay cố ý trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng mạng. Những người như Su và Yao đang bị nhắm mục tiêu bởi họ tin rằng những người nổi tiếng - hầu hết đều là "phú đại nhị", những người ngậm thìa vàng kể từ khi sinh ra không xứng đáng với thu nhập cao ngất của họ.
"Khi nói tới các ngôi sao và công việc được cho là dễ dàng của họ, mọi người sẽ than phiền rằng họ làm việc vất vả và họ kiếm được ít thế nào", Tiến sĩ Jian Xu tới từ Đại học Deakin (Australia), người nghiên cứu văn hóa truyền thông Trung Quốc. Vương Tư Thông, con trai tỷ phú Vương Kiện Lâm - người giàu nhất Trung Quốc năm 2015 là một trong những phú đại nhị bị ghét nhất ở Trung Quốc. Vương sống cuộc sống xa hoa, dính tin đồn tình ái với hàng chục hotgirl mạng.
Anh sẵn sàng chi tiền mua đồng hồ Apple Watch mạ vàng cho chó cưng, tặng Rolls Royce cho bạn thân làm quà cưới, đốt 3,5 tỷ đồng cho một bữa tiệc sinh nhật.
“Con người phải biết tận dụng lợi thế của mình. Lợi thế của tôi là tiền”, Vương từng tuyên bố.
Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đang rất lớn. Báo cáo Nghiên cứu Chỉ số Tài sản hộ gia đình Trung Quốc cho thấy, trong quý 1 năm nay, hơn 50% tài sản tài chính hoặc tài sản hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 50.000 NDT trở xuống (7.710 USD) giảm. Trong khi đó, 19% hộ gia đình có tài sản tài chính hơn 3 triệu NDT hay 32,4% hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 1 triệu NDT trở lên lại tăng thêm.
Theo khảo sát của Cục Điều tra Thống kê Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 2019, tài sản thuộc sở hữu của 10% gia đình giàu nhất Trung Quốc chiếm 47,5% tổng tài sản toàn xã hội. Tài sản của 20% hộ gia đình giàu nhất chiếm 63% tổng tài sản toàn xã hội. Trong khi đó, tài sản của 20% hộ gia đình xếp cuối cùng chỉ chiếm 2,6%.Tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường tiết lộ 600 triệu công dân chỉ kiếm được khoảng 1.000 NDT/ tháng..
Cách đây vài tháng, Trịnh Sảng - nữ diễn viên đầy tai tiếng gây xôn xao khi bị Cục thuế quốc gia Trung Quốc cáo buộc gian lận thuế và phải nộp phạt 299 triệu NDT (1.050 tỷ đồng).
Chỉ vài ngày sau khi bị điểm tên, Trịnh Sảng nhanh chóng đóng toàn bộ khoản tiền phạt này. Hồi tháng 5, truyền thông Trung Quốc đưa tin Trịnh được trả 2 triệu NDT/ngày cho một vai diễn trong một bộ phim truyền hình. Dự án phim này giúp nữ diễn viên bỏ túi 160 triệu NDT.
"Những nhân viên bình thường vốn chỉ kiếm được 6.000 NDT/tháng phải làm việc 2.222 năm để kiếm được số tiền này, có thể là từ thời nhà Tần", một tài khoản Weibo cho biết.
Cư dân mạng Trung Quốc càng tỏ ra bất bình vì Trịnh Sảng thường xuyên gây tranh cãi về diễn xuất và đầy rẫy các bê bối đời tư cá nhân.
Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, một số người giàu đang tìm cách "khoe của" một cách kín đáo, thay vì đăng tải các bức ảnh "sặc mùi" vật chất.
Đơn cử, tài khoản khá nổi tiếng MengQiqi77 phàn nàn rằng về việc thiếu hụt trạm sạc điện ở nơi mình ở nên "không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển tới một ngôi nhà lớn hơn với gara riêng cho chiếc Telsa của chồng".
Một lần khác, MengQiqi77 chê chồng quá "tằn tiện" khi chọn mặc bộ vest giá chỉ "chỉ 30.000 NDT" của Zegna. Nhưng những câu chuyện này càng chỉ khiến dư luận "nóng mắt hơn".
Thịnh vượng chung?
Sự tranh cãi của xã hội liên quan tới bất bình đẳng xã hội dường như cũng đánh động tới giới chức Trung Quốc. Hồi tháng 1, ông Tập cho biết khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị có thể đe dọa tính hợp pháp của đảng.
Tới tháng 8, trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương Trung Quốc, Chủ tịch Tập nhấn mạnh chính phủ nên "điều chỉnh thu nhập quá mức và khuyến khích các nhóm, doanh nghiệp có thu nhập cao trả lại cho xã hội nhiều hơn". Trong khi đó, đại diện của Ủy ban này cho biết họ sẽ theo đuổi mục tiêu “thịnh vượng chung” vốn đã trở thành trọng tâm chính trong hoạch định chính sách của Trung Quốc sau những báo cáo về sự gia tăng của một lớp doanh nhân giàu có.
Trên thực tế, từ những năm gần đây, giới chức Trung Quốc đã liên tục có các động thái nhằm siết thu nhập cao ngất ngưởng của giới nghệ sỹ. Hồi tháng 4, Cơ quan Quản lý nhà nước về quy chế thị trường Trung Quốc triệu tập 34 công ty công nghệ lớn, bao gồm Tencent và ByteDance, ra lệnh cho các công ty này tự kiểm tra để tuân thủ các quy tắc chống độc quyền.
Theo các nhà phân tích, tình trạng bất bình đẳng cùng việc tài sản và quyền lực ngày càng dồn vào một số lĩnh vực luôn tiềm ẩn các mối đe dọa có thể gây bất ổn xã hội.
Một số chuyên gia đánh giá, các tính toán của ông Tập sẽ không chỉ dừng ở nỗ lực bình ổn xã hội.
"Ông Tập là một lãnh đạo đầy tham vọng với tầm nhìn dài hạn. Ông ấy thực sự muốn đi vào lịch sử với tư cách người giữ vững đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa đất nước trở nên hùng mạnh", Yang Chaohui - giảng viên chính trị tại Đại học Bắc Kinh đánh giá.