Bệnh không lây nhiễm là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất

Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Cứ 10 người chết thì có 7 người do bệnh không lây nhiễm, tập trung ở các bệnh: tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Khoa học toàn quốc của Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 25-10.

Năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77%.

Các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phá nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.

Bệnh không lây nhiễm là nhóm bệnh gây tử vong hàng đầu, nhưng nhiều người dân còn khá chủ quan, chưa có ý thức phòng bệnh. Theo khảo sát, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, tỷ lệ người sử dụng lượng đường cao hơn mức khuyến cáo, khiến số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Tỷ lệ trẻ em ở Việt Nam béo phì đang gia tăng, là nguy cơ cao gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Tăng cường y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế bệnh không lây nhiễm

Tăng cường y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế bệnh không lây nhiễm

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, để ứng phó với gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2013-2020

Hiện Việt Nam đã đạt 9 trong số 19 chỉ số đánh giá tiến độ và năng lực đáp ứng quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng mô hình thí điểm cho 26 trạm y tế xã và trong thời gian tới, tiếp tục sẽ có 1000 trạm y tế được xây dựng theo mô hình tăng cường y tế cơ sở.

Tăng cường y tế cơ sở để người bệnh được khám chữa bệnh ngay từ tuyến đầu, góp phần nâng cao vai trò chăm sóc, quản lý người mắc bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…là chiến lược lâu dài, cần phải triển khai mạnh trong thời gian tới.

Nhật Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/benh-khong-lay-nhiem-la-nhom-benh-co-ty-le-tu-vong-cao-nhat-567076/