Bệnh lạ: Cơ thể rướm máu vì nước mắt của chính mình
Mẩn ngứa, phát ban, cay xè mắt và sau đó là cơ thể rướm máu là những gì mà cô gái bị dị ứng với nước mắt của chính mình mắc phải.
Lindsey Coubray (19 tuổi) cố gắng không được khóc bởi nếu da cô tiếp xúc với nước mắt của chính mình cô sẽ không thể chịu đựng nổi.
Cuộc sống của Lindsey Coubray thay đổi từ khi cô còn là một đứa trẻ. Hễ cứ chạm vào nước là cơ thể của Lindsey bị nổi mề đay. Căn bệnh này khiến cô phải "chiến đấu" để tắm, bơi, thậm chí mắc mưa khi ra khỏi nhà.
Bất cứ một sự tiếp xúc nhỏ nhất với nước cũng đều khiến cô cảm thấy khó thở và bắt đầu hắt hơi không thể kiểm soát, bắt buộc cô phải uống thuốc sau mỗi lần tắm.
Không chỉ riêng trời mưa mới khiến Coubray gặp khó khăn, khi thời tiết ấm áp nắng nóng khiến cô chảy mồ hôi, phát ban, ngứa dữ dội khắp lưng, cánh tay, đầu và ngực.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, mọi chuyện trở nên tồi tệ khi Lindsay khóc!
Đó là những trận đau mắt đỏ kéo dài khiến đôi mắt sưng phồng, đỏ rộp rất khó chịu. Các bác sĩ cảnh báo Lindsey sẽ có thể bị mất thị lực vĩnh viễn nếu cô để nước mắt tiếp xúc với giác mạc. Bởi vậy, đã rất lâu, Lindsey cố gắng để bản thân mình không khóc dù là chuyện buồn hay vui.
Kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh, Lindsey chuyển sang chế độ ăn chay để hạn chế tiết dầu trên da. Cô cũng bị hạn chế hoạt động để tránh đổ mồ hôi, tránh tiếp xúc với nước và chỉ có thể lau qua người 2-3 lần một tuần.
Khi mô tả những triệu chứng của mình, Lindsey nói: "Bất cứ khi nào tôi tiếp xúc với vòi sen, tôi sẽ hắt hơi liên tục, toàn thân bắt đầu phát ban, ngứa ngáy, mũi ửng đỏ và mắt cay xè, chỉ một lúc sau là cả người sưng phồng và rướm máu. Thậm chí ngay cả khi tôi uống sữa, miệng của tôi sẽ xuất hiện những vết lở loét rất khó chịu".
Lindsey cố gắng hết sức để kiểm soát tình trạng của mình bằng cách dùng thuốc histamine liều mạnh, cô cũng uống thuốc trị hen suyễn để kiểm soát những cơn khó thở mỗi khi tiếp xúc với nước.
Lindsey nói thêm: "Tôi không còn có thể bơi hoặc đi ra ngoài khi trời mưa và tuyết, tôi cũng phải tắm trong thời gian cực kỳ nhanh hoặc tránh tắm. Mọi người thường hỏi tôi làm thế nào để có thể uống hoặc tắm rửa. Làm thế nào mà tôi có thể dị ứng với nước trong khi nước chiếm đến 70% trong cơ thể".
Oái oăm thay, Lindsey còn bị hội chứng nhịp tim nhanh (PoT), mỗi khi cô nằm xuống, nhịp tim có thể tăng lên tới 175 nhịp/phút. Nó khiến cô cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và tức ngực.
Điều trớ trêu thay là muốn chống lại các cơn PoT này bắt buộc cô phải uống nước nhiều, nhưng việc uống nước sẽ khiến miệng cô lở loét.
Lindsey đã phải đấu tranh mỗi ngày tại nơi làm việc, cô thường xuyên chia sẻ bệnh tình của mình lên Instagram nhằm giúp mọi người nâng cao nhận thức về tình trạng căn bệnh hiếm gặp này, đồng thời cô muốn tạo niềm cảm hứng sống cho những người mắc bệnh giống mình.
Hội chứng dị ứng với nước (aquagenic urticaria) cực kỳ hiếm gặp bởi trên thế giới chỉ có khoảng 50 người bị mắc bệnh.
Dị ứng xảy ra khi da tiếp xúc với nước, nước mưa, nước mắt, tuyết, thậm chí cả mồ hôi cũng có thể gây ngứa, mẩn đỏ.
Phụ nữ thường dễ mắc phải bệnh này hơn nam giới và thường phát bệnh ở tuổi dậy thì. Được biết, bệnh dị ứng nước phát hiện lần đầu tiên năm 1964.
Kể từ đó, có hơn 100 trường hợp được phát hiện bị dị ứng với nước. Mặc dù, một số trường hợp đã được chữa khỏi, nhưng vẫn chưa có thuốc chữa trị hiệu quả cho bệnh này.
Minh Anh (Nguồn Time of India)