Bệnh loãng xương không điều trị kịp thời sẽ gây hậu quả xấu
Đó là chia sẻ của Ths.Bs chuyên khoa 2 Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp.HCM.
Nhiều người không nhận ra bệnh cho đến khi bị gãy xương
Theo Ths.Bs Võ Hòa Khánh, bệnh loãng xương hiện đang được nhiều người nhẫm lẫn với bệnh thoái hóa khớp, không điều trị kịp thời có thể gây nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, cho người thân và xã hội.
Loãng xương là một bệnh diễn tiến âm thầm, giai đoạn thiếu xương (mật độ xương giảm) thường không có triệu chứng đặc hiệu. Mức độ nguy hiểm của loãng xương chính là gãy xương, giảm chất lượng sống và gây ra tàn tật thậm chí tử vong.
Dấu hiệu nhận biết loãng xương qua các cơn đau như: Có thể là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên mà bệnh nhân có thể thấy, đau nhức dai dẳng, thường là đau cột sống, đau khi đi, khi nằm, khi ngồi…đau có thể là dấu hiệu muộn của gãy xương do loãng xương, rất nhiều bệnh nhân không biết mình loãng xương cho đến khi có biến chứng gãy xương.
Đối với gãy xương vùng cột sống dấu hiệu cảnh báo như: đau, gù, còng cột sống, giảm chiều cao là những dấu hiệu cảnh báo loãng xương.
Bệnh có thể nhầm lẫn là bệnh thoái hóa khớp, đây cũng là một bệnh mãn tính, kéo dài và có những triệu chứng không rõ ràng như đau, nhức mỏi toàn thân…
Cũng theo Ths.BS Võ Hòa Khánh, phương pháp chẩn đoán loãng xương hiện nay gồm: Chẩn đoán loãng xương bằng cách đo mật độ xương (đo BMD) theo phương pháp DXA là tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương tốt nhất hiện nay.
Phương pháp này giúp chẩn đoán loãng xương, đánh giá nguy cơ gãy xương do loãng xương và theo đõi bệnh nhân có đáp ứng với điều trị hay không. Thông thường đo mật độ xương ở 2 vị trí: cột sống thắt lưng và cổ xương đùi.
Chẩn đoán loãng xương có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị vì hậu quả nặng nề của loãng xương ành hưởng đến gia đình và xã hội, đó là gãy xương.
Gánh nặng xã hội do loãng xương bao gồm chi phí điều trị trực tiếp (điều trị gãy xương do loãng xương và phục hồi chức năng sau đó) và các chi phí gián tiếp do loãng xương gây ra suy nhược cơ thể.
Chi phí y tế loãng xương trực tiếp tại Mỹ khoảng 13,7 tỷ đến 20,3 tỷ USD (năm 2005). Người ta cũng dự đoán rằng vào năm 2025 sẽ có trên 3 triệu trường hợp gãy xương tiêu tốn hết 25,3 tỷ USD/năm.
Loãng xương có thể đưa đến nhiều hậu quả xấu liên quan tới sức khỏe như là gãy xương cần chăm sóc sức khỏe một thời gian dài và dẫn tới tử vong. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương, đặc biệt gãy xương xảy ra ở xương vùng háng (gãy cổ xương đùi và gãy liên mấu chuyển xương đùi), gãy cột sống và gãy đầu dưới xương quay (cổ tay)...
Loãng xương thường diễn tiến âm thầm, nhiều người không nhận ra bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương. Mỗi năm khoảng 2 triệu người bị gãy xương do loãng xương, và điều này làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
Nguy cơ gãy xương tăng đáng kể theo tuổi tác. Khoảng 24% ở phụ nữ trên 50 tuổi và 16% đàn ông trên 50 tuổi, con số này sẽ tăng thêm gần 50% nữ ở độ tuổi trên 85 tuổi và 35% ở nam giới ở độ tuổi trên 85.
Gãy xương do loãng xương là gánh nặng thật sự lên bệnh nhân đó và xã hội, chúng thường dẫn đến một loạt các hậu quả về thể chất và tâm lý bao gồm gãy xương tương lai, trầm cảm, suy nhược chức năng, đau và tàn tật.
Gãy xương, đặc biệt là gãy cột sống có thể dẫn tới những cơn đau mãn tính và tàn tật. Đặc biệt trong gãy xương vùng háng làm gia tăng tỉ lệ tử vong từ 10 – 20% trong 1 năm và làm tăng đến 2,5 lần nguy cơ gãy xương tương lai. Gần 1/3 bệnh nhân bị gãy xương vùng háng (gãy cổ xương đùi) cần phải được chăm sóc lâu dài.
Làm sao để điều trị bệnh loãng xương hiệu quả?
Ths.Bs Võ Hòa Khánh cho biết thêm, hiện có nhiều phương pháp giúp bệnh nhân điều trị bệnh loang xương, như: Điều trị loãng xương không dùng thuốc:
Thay đổi chế độ ăn: Tăng cường bổ sung canxi, vitamin D từ thực phẩm: Sữa, cá hồi, rau củ, hải sản… Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
Thay đổi lối sống hàng ngày: Hoạt động thể lực: tập các môn thể dục phù hợp với tuổi già như: dưỡng sinh, khí công, thiền…. Giáo dục kiến thức cho bệnh nhân về bệnh loãng xương.
Phòng tránh gãy xương do té ngã: Trong nhà phải đủ ánh sáng nhất là ban đêm. Mang dép mềm, tránh trơn trợt. Toilet phải khô ráo, có tay vịn. Đồ đạc trong nhà phải gọn gàng. Kiểm tra thị lực (cườm, cận thị … ). Hạn chế lên xuống cầu thang nhiều. Di chuyển có tay vịn hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân yếu, có nhiều bệnh lý nội khoa: nạng, xe đẩy, nẹp thun đầu gối, nẹp lưng cột sống…
Mục tiêu điều trị loãng xương là giúp tăng mật độ xương và hạn chế biến chứng gãy xương, theo phác đồ điều trị thì thuốc điều trị loãng xương phải uống lâu dài (từ 3 – 5 năm).
Vì vậy việc tuân thủ điều trị hết sức quan trọng, bệnh nhân cần hiểu rõ về cách thức điều trị, thời gian điều trị, chi phí cũng như hậu quả nặng nề của loãng xương gây ra để bệnh nhân có ý thức tuân thủ điều trị.
Loãng xương là một bệnh diễn tiến âm thầm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh, gia đình và là gánh nặng cho xã hội nhưng có thể dự phòng. Nếu khối lượng xương tăng 10% thì giảm được 50% nguy cơ gãy xương trong suốt cuộc đời.
Giáo dục bệnh nhân về bệnh loãng xương, thay đổi lối sống (không hút thuốc, không rượu bia…), hoạt động thể lực, thể dục cũng như chế độ dinh dưỡng rất quan trọng.
Chế độ dinh dưỡng trong bệnh loãng xương là cung cấp đầy đủ Canxi và vitamin D. Canxi hàng ngày khoảng 1000 mg, nguồn canxi từ thực phẩm sữa, các chế phẩm tương tự sữa (phô mai, …), cá hồi, nước cam…
Vitamin D: Nguồn cung cấp vitamin D từ ánh nắng mặt trời là quan trọng nhất, ngoài ra cũng có thể bổ sung trong thực phẩm, nhu cầu vitamin D khoảng 800-1000 UI/ngày, những người có nguy cơ thiếu vitamin D cao là những người có bệnh lý về đường ruột, suy thận mạn, béo phì…