Bệnh mạch vành có di truyền không?

Ba em 70 tuổi và đã thực hiện can thiệp mạch vành từ 2 năm trước. Từ đó đến nay, ông đi khám định kỳ và dùng thuốc nên em thấy sức khỏe khá ổn định. Em thắc mắc là, khi ba em có bệnh mạch vành như vậy thì khả năng những người con của ba em (em và 2 em trai) có bị bệnh không ạ? Và gia đình em phải làm gì ạ?

Ba em 70 tuổi và đã thực hiện can thiệp mạch vành từ 2 năm trước. Từ đó đến nay, ông đi khám định kỳ và dùng thuốc nên em thấy sức khỏe khá ổn định. Em thắc mắc là, khi ba em có bệnh mạch vành như vậy thì khả năng những người con của ba em (em và 2 em trai) có bị bệnh không ạ? Và gia đình em phải làm gì ạ?

(Chị Nguyễn Oanh, 42 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch)

Bác sĩ trả lời:

Chào chị!

Bệnh mạch vành là bệnh có yếu tố liên quan đến tiền sử gia đình. Theo đó, xác suất mắc bệnh mạch vành sẽ tăng lên khi có mặt các yếu tố nguy cơ tim mạch như: tiền sử gia đình có người mắc bệnh mạch vành, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực. Vì vậy, các người con của ba chị cũng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Để phòng ngừa bệnh mạch vành, chúng ta chỉ có thể can thiệp vào các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: giữ cân nặng lý tưởng, tăng cường hoạt động thể lực, bỏ hút thuốc lá và điều trị tốt các bệnh lý nếu có (rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường).

Ngoài ra nếu có các triệu chứng như: đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức thì chị cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định bằng các phương tiện cận lâm sàng như: điện tâm đồ (lúc nghỉ hoặc gắng sức), siêu âm tim (lúc nghỉ hoặc gắng sức), chụp cắt lớp vi tính động mạch vành và cuối cùng là chụp mạch vành qua da (là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành).

Chúc chị và gia đình luôn khỏe nhé!

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Tới,

Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202408/benh-mach-vanh-co-di-truyen-khong-c7e561a/