Bệnh nào nhận nhiều nhất trong chương trình hỗ trợ biệt dược 1.600 tỷ đồng?
Nhờ chương trình hỗ trợ biệt dược triển khai 5 năm qua, hàng nghìn bệnh nhân khắp cả nước được nhận thuốc với tổng số tiền lên tới 1.600 tỷ đồng.
Ngày 8/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá và xây dựng chính sách hỗ trợ thuốc. Từ 1/1/2019, Thông tư số 31/2018/TT-BYT quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám, chữa bệnh.
Chương trình hỗ trợ thuốc này chủ yếu dành cho người bệnh ung thư, gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư tế bào biểu mô gan, ung thư vú, ung thư hạch bạch huyết, u đa tủy xương, bệnh Hemophillia, bệnh xơ tủy, xơ phổi vô căn, bệnh lý võng mạc, bệnh vảy nến…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Toản - Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, tới ngày 31/8 đã có 6.051 bệnh nhân tham gia chương trình với tổng số tiền thuốc hỗ trợ lên tới 1.600 tỷ đồng. Trung bình mỗi người bệnh được hỗ trợ 264 triệu đồng. Hai chương trình có giá trị lớn nhất là hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân ung thư lên tới 734,6 tỷ đồng (2.450 bệnh nhân). Chương trình hỗ trợ thuốc cho người ung thư phổi không tế bào nhỏ lên tới 626,9 tỷ đồng (1.612 người bệnh). Đây cũng là chương trình hỗ trợ có thời gian dài nhất trong 9 năm từ năm 2020-2029.
Theo Thông tư 31 có 15 chương trình đang thực hiện, 3 chương trình đã kết thúc và 6 chương trình đang xét hồ sơ.
Thạc sĩ Toản cho biết, chương trình hỗ trợ này giảm chi phí điều trị, gánh nặng kinh tế đặc biệt là người bệnh ung thư. Các thuốc hỗ trợ trong các chương trình này đều là phát minh mới, chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ nên được bệnh viện, người bệnh và người nhà đón nhận.
Tại Bệnh viện K (Hà Nội) có 11 chương trình, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có 14 chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh ung thư. Người bệnh trước đây chỉ được hỗ trợ 33% tức mua hai chu kỳ được hỗ trợ 1 nhưng từ tháng 6/2021, người bệnh mua 1 chu kỳ được tặng 1 chu kỳ.
Sau gần 5 năm triển khai, Giáo sư Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết bên cạnh ý nghĩa tích cực, thực tế triển khai Thông tư số 31 cũng bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, như quy định về phạm vi áp dụng của hình thức hỗ trợ thuốc một phần, quy định về hồ sơ, thủ tục phê duyệt chương trình, quy định về việc đề xuất thay đổi nội dung chương trình trong thời gian đang thực hiện chương trình…
Các bệnh viện còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt do chi phí còn cao nên số người bệnh tham gia chương trình chưa nhiều, hoặc không đủ kinh phí để tiếp tục. Vì vậy, bệnh viện đề xuất cần rút ngắn thời gian phê duyệt chương trình và bổ sung các quy định về việc sử dụng số thuốc được cấp miễn phí nhưng chưa sử dụng hết trong các trường hợp bất khả kháng.
Bộ Y tế đang xem xét, lấy ý kiến ban hành thông tư mới, với các quy định thuận lợi hơn nữa cho việc triển khai, thêm cơ hội cho người bệnh.