Bệnh nhân 95 tuổi được phẫu thuật u tuyến giáp thành công
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quyết Thắng, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u lành tuyến giáp cho một cụ bà 95 tuổi. Đây là một trong những trường hợp người cao tuổi nhất được phẫu thuật u giáp tại Bệnh viện.
Cụ A. (95 tuổi, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) được gia đình đưa vào Bệnh viện kiểm tra trong tình trạng khối u ở cổ to, khó nuốt, khó thở. Sau khi khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp đa nhân hai thùy cách đây nhiều năm.
Do khối u khi đó được chẩn đoán lành tính và chưa gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt, bệnh nhân tuổi cao nên không phẫu thuật. Tuy nhiên thời gian gần đây, khối u ngày càng to lên gây chèn ép, nuốt vướng nghẹn, khó khăn khi ăn uống và quá trình thở.
"Ba tháng nay tôi ăn uống kém, lúc nào cũng có cảm giác có gì đó vướng trong cổ. Cổ tôi thì ngày càng to lên, đè ép, khó chịu, ăn uống kém, thở cũng khó khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày", cụ A. chia sẻ.
Sau khi bệnh của cụ A. ngày càng nặng, gia đình đã đưa cụ tới một số cơ sở y tế để khám, phát hiện khối u giáp có dấu hiệu to lên gây chèn đường thở nên cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên do cụ bà năm nay đã 95 tuổi nên có thể xảy ra nhiều biến chứng trong quá trình phẫu thuật. Vì thế, gia đình cụ rất lo lắng.
Con gái cụ tâm sự: "Gia đình chúng tôi rất băn khoăn có nên mổ cho mẹ tôi hay không, nhưng mẹ tôi thì nhất định muốn được mổ. Mẹ tôi cảm thấy khó thở và mệt mỏi khi cứ kéo dài tình trạng này, nên dù con cái và gia đình không đồng ý thì mẹ tôi cũng quyết định mổ".
Trước quyết định của mẹ mình, con gái bà A. cùng gia đình đã đưa bà tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Tại đây, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bà có bướu giáp khổng lồ đa nhân hai thùy gây chèn ép. Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, thể trạng gầy (nặng 39kg).
Nhận định về ca bệnh này, bác sĩ Phạm Quyết Thắng cho biết: Bệnh nhân này là trường hợp lớn tuổi nhất được chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện. Bệnh nhân đã có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị, nguy cơ biến chứng cao hơn khi gây mê và phẫu thuật, đặc biệt bướu to chèn ép lâu năm làm hẹp và biến dạng khí quản.
“Do đó trước mổ chúng tôi phải khai thác kỹ về tiền sử, lối sống, mức độ tự chủ, đồng thời thăm khám kỹ các triệu chứng tim mạch và hô hấp cũng như các bệnh phối hợp hay gặp ở người cao tuổi. Đặc biệt, chúng tôi cũng chú ý tối ưu hóa trước mổ tình trạng sức khỏe bệnh nhân bằng cách huy động nhiều chuyên khoa, làm công tác tư tưởng và chăm sóc tăng cường cho bệnh nhân cũng như dự liệu các biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật”, bác sĩ Thắng cho biết.
Ca mổ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ, kíp mổ đã thực hiện cắt khối bướu, giải phóng được đường thở cho bệnh nhân, không có biến chứng trong và sau quá trình gây mê, phẫu thuật. Tình trạng bệnh nhân sau mổ được cải thiện rõ rệt, có thể ăn uống, nói chuyện, đi lại bình thường, không cảm thấy khó chịu khi nuốt, khi thở và đã được xuất viện sau 5 ngày điều trị.