Bệnh nhân Ấn Độ xin vợ đưa ra khỏi bệnh viện

Dù sức khỏe đang suy kiệt, anh Sadanand vẫn muốn vợ đưa anh đi chỗ khác hoặc về nhà.

Trong 3 ngày, Goldi Patel, 25 tuổi, đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè ở New Delhi (Ấn Độ), cố gắng tìm một nơi để duy trì sự sống cho chồng.

Bốn bệnh viện đã từ chối Goldi, người đang mang thai 7 tháng, trước khi cô tìm thấy một nơi điều trị cho chồng. Nhưng Trung tâm Chăm sóc Sardar Patel Covid-19, một cơ sở tạm bợ ở ngoại ô Thủ đô, thiếu thốn đến mức chồng cô cầu xin được rời đi.

Trung tâm Chăm sóc Sardar Patel Covid-19 sử dụng giường làm bằng bìa cứng

Trung tâm Chăm sóc Sardar Patel Covid-19 sử dụng giường làm bằng bìa cứng

Xung quanh Sadanand Patel, 30 tuổi, mọi người đang chết dần. Anh hầu như không được gặp bác sĩ, thuốc men hạn chế. Với 80% phổi đã bị nhiễm trùng, anh lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng của mình trở nên tồi tệ hơn.

"Tôi rất sợ. Nếu tôi nguy kịch, tôi không nghĩ rằng họ có thể cứu tôi", anh Sadanand nói khi đang nằm trên giường bệnh.

Khi các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Ấn Độ, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đã bị quá tải. Thiếu giường, oxy và nhân viên y tế. Một số bệnh nhân Covid-19 chết trong phòng chờ hoặc các phòng khám đông đúc trước khi họ gặp được bác sĩ.

Chỉ một số bệnh nhân Covid-19 xoay sở được nhận vào các bệnh viện quá tải của Ấn Độ. Nhưng khi vào bên trong, nhiều người phải đối mặt với một điều kinh hoàng khác: thiếu trang thiết bị và người chăm sóc khi các bệnh nhân khác chết xung quanh họ.

Cuộc đua với thời gian

Vào tháng 2, các quan chức đã ra lệnh đóng cửa Trung tâm Chăm sóc Sardar Patel Covid-19 vì tin rằng Ấn Độ đã chiến thắng được virus SARS-CoV-2.

Khi dịch bùng phát, cơ sở 500 giường đã mở cửa trở lại vào ngày 26/4, trong cảnh hỗn loạn. Truyền thông địa phương đưa tin, mặc dù lượng bệnh nhân bên ngoài bệnh viện đông đúc nhưng số người được tiếp nhận ít hơn nhiều so với khả năng.

Sadanand nhập viện ngay sau khi bệnh viện mở cửa. Khi Goldi đến thăm chồng vài ngày sau đó, cơ sở đã đông đúc.

Bệnh nhân được cung cấp oxy nhưng thiếu thuốc men

Bệnh nhân được cung cấp oxy nhưng thiếu thuốc men

Trong trung tâm y tế, một số bệnh nhân nằm trên những chiếc giường làm bằng bìa cứng. Số lượng thuốc có hạn và Sadanand cho biết anh chỉ tiếp xúc với bác sĩ 1-2 lần trong ba ngày. Anh chứng kiến hai người đàn ông trên giường gần đó hét lên đòi thuốc và chết vài giờ sau đó khi lượng oxy của họ dường như cạn kiệt.

Đến ngày 1/5, ngày thứ năm của Sadanand ở trung tâm, ít nhất 5 người xung quanh anh đã chết. Một thi thể nằm trên giường bên cạnh Sadanand trong nhiều giờ trước khi được đưa đi.

Tháng trước, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cho biết họ sẽ nhanh chóng mở rộng cơ sở này lên 2.000 giường với nguồn cung cấp oxy để giúp giải quyết tình trạng thiếu bệnh viện của thành phố. Khoảng 40 bác sĩ và 120 nhân viên cứu thương chuyên nghiệp đã được điều động đến trung tâm.

Nhưng mục tiêu đó không đúng với trải nghiệm của Sadanand.

"Chính phủ cho rằng bệnh nhân ở đây đang được điều trị. Nhưng trên thực tế, không có gì giống như vậy đang xảy ra", anh nói.

Sadanand cho biết các bác sĩ không kiểm tra bệnh nhân thường xuyên. Anh lo rằng mình sẽ không đủ sức để gọi người tới giúp đỡ khi cần. Một bệnh nhân nằm gần đó khuyên Sadanand nên rời khỏi trung tâm khi cảm thấy khá hơn.

“Bạn sẽ chết khi nằm trên giường vì không gọi được bác sĩ”, anh nói.

Những người khác đã có kinh nghiệm tương tự. Một bệnh nhân được nhận vào trung tâm sau khi bị ít nhất 7 bệnh viện quay lưng. Nhưng người chăm sóc họ là gia đình và bạn bè.

Sadanand rất sợ hãi nên đã liên tục yêu cầu bác sĩ chuyển anh ấy đến bệnh viện khác. Anh cũng đã cầu xin vợ mình - nhưng không nơi nào khác nhận anh.

"Anh ấy đã yêu cầu tôi đưa ra khỏi nơi này, rằng anh ấy sẽ ở nhà. Anh ấy rất sợ hãi khi ở đây", Goldi nói. Nhưng ít nhất, khi ở viện, chồng của Goldi còn có bình oxy để thở.

Goldi Patel đi khắp nơi để lo chỗ điều trị cho chồng

Goldi Patel đi khắp nơi để lo chỗ điều trị cho chồng

Khan hiếm thuốc men

An tâm chồng mình đang được thở oxy, nhưng Goldi vẫn lo lắng về sức khỏe của Sadanand khi không có thuốc để điều trị nhiễm trùng đã lan đến 80% phổi.

Mỗi khi ngồi dậy, anh ho dữ dội tới mức chảy nước mắt. Trong bệnh viện, anh chỉ được cấp rất ít thuốc. Khi Goldi dọa tự tử, nhân viên bệnh viện mới đưa cho chồng cô thuốc kháng sinh.

Tiến sĩ Chandrasekhar Singha, Bệnh viện Nhi Madhukar Rainbow ở New Delhi, cho biết một bệnh nhân bị nhiễm trùng trên 80% phổi cần được điều trị bằng thuốc kháng virus, steroid và kháng sinh.

Cứ sau 2-3 giờ, Goldi lại gọi điện cho chồng. Họ chỉ nói chuyện được vài phút trước khi nhịp thở của anh trở nên khó khăn.

Goldi cũng lo sợ cho bản thân khi đang mang thai 7 tháng và không biết liệu mình có bị Covid-19 hay không. Cô không có triệu chứng, chưa xét nghiệm vì chi phí lên tới 12 USD. Cha mẹ của cả hai đều sống ở Uttar Pradesh và họ không có chỗ dựa nào khác.

Cả hai đều bức xúc trước phản ứng không hiệu quả của cơ quan chức năng.

“Nếu tôi nhập viện và được điều trị, tôi sẽ không bao giờ muốn người vợ đang mang thai đi ra ngoài trong dịch Covid-19 để tìm nơi chữa bệnh cho tôi”, Sadanand nói.

An Yên (Theo CNN)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/benh-nhan-an-do-tim-moi-cach-de-thoat-khoi-benh-vien-732677.html