Bệnh nhân bất đắc dĩ

Ở thời buổi ngày nay các cơ quan điều trị làm việc rất có hiệu quả, và bây giờ muốn có được một giường nằm trong bệnh viện thì chẳng cần phải tốn nhiều thời gian và công sức như trước đây. Lý do là bệnh viện thừa quá nhiều giường.

Minh họa: Phan Nhân

Mới đây, tôi vào bệnh viện thăm một người bạn bị ốm. Tôi đến phòng chỉ dẫn để hỏi thăm và lấy giấy phép vào bệnh viện.

Tôi chưa kịp hỏi xem anh bạn tôi nằm ở phòng nào thì một cô nhân viên đã ghi tên, tuổi, nghề nghiệp của tôi vào một tờ phiếu và bấm chuông. Tôi muốn giải thích là tôi chỉ đến thăm người bạn nhưng lập tức hai y tá đã đưa tới chiếc ghế tựa có bánh xe, đặt tôi ngồi lên rồi đẩy dọc theo hành lang.

- Tôi không phải bệnh nhân - Tôi kêu toáng lên - Tôi chỉ đi tìm bạn tôi nằm điều trị ở đây thôi.

- Khi nào anh ta đến, chúng tôi sẽ dẫn vào phòng ông.

- Nhưng anh ta hiện đang ở đây cơ mà - Tôi cãi lại.

- Thế thì càng tốt. Khi nào chúng tôi bố trí xong chỗ nằm cho ông thì anh ta sẽ đến thăm ông.

Tôi được đưa vào một phòng nhỏ, ngoài cửa có treo tấm biển “Không quấy rầy! Được phép của nữ y tá trực mới được vào”. Một nhân viên cởi áo quần tôi đang mặc, rồi phát cho tôi một chiếc áo ngủ kỳ quái, ngắn cũn cỡn, ở lưng có đính dải duy băng và một bình nước.

- Nếu ông cần gì thì bấm vào nút này.

- Hãy trả quần áo tôi đây!

- Chẳng nhẽ ông không tin chúng tôi hay sao? - Một y tá phật ý nói - Thậm chí nếu xảy ra tình hình xấu nhất thì bà vợ góa của ông sẽ nhận được đầy đủ những tài sản của ông.

Tôi đương tính cách chuồn khỏi đây qua cửa sổ thì bác sĩ Walter mang biển tên đính trên áo choàng cùng với mấy sinh viên bước vào phòng.

- May mắn quá, cuối cùng ông đã tới - Tôi reo lên…

- Sao, ông đau lắm à? - Bác sĩ hỏi.

- Chẳng đau một tí nào cả - Tôi đáp.

Bác sĩ Walter lộ vẻ lo lắng ra mặt:

- Nếu như ông không hề cảm thấy đau thì tình hình còn tồi tệ hơn là chúng tôi dự đoán. Thoạt tiên ông đau ở chỗ nào?

- Tôi không đau ở đâu cả.

Bác sĩ Walter gật gật đầu ra vẻ thông cảm và nói với các sinh viên:

- Trước mặt các bạn là một “ca” rất nặng. Bệnh nhân không coi mình là bệnh nhân. Anh ta sẽ không bao giờ khỏi được chừng nào mà không từ bỏ cái ảo tưởng cho rằng anh ta hoàn toàn khỏe mạnh. Và do chỗ anh ta không nói anh ta đau ở đâu nên chúng ta buộc phải rạch một đường thí nghiệm để tự mắt mình nhìn thấy rõ.

- Nhưng tôi không muốn mổ.

- Thế ai muốn? Nhưng phải chăng tốt nhất là nên cắt bỏ cái của nợ đó ngay bây giờ trong lúc còn chưa muộn?

- Nhưng tôi chả có gì phải cắt bỏ cả. Tôi hoàn toàn khỏe mạnh cơ mà?

- Nếu như thế thì người ta đã chẳng đưa ông tới chỗ chúng tôi - Bác sĩ Walter nói và hý hoáy viết mấy dòng gì đó lên tờ bệnh án.

Sáng hôm sau người ta cạo sạch lông ngực tôi và không cho ăn sáng.

Hai y tá xuất hiện, đặt tôi nằm lên giường đẩy. Một cô y tá trưởng đi bên cạnh. Một linh mục đi theo sau đám người này. Tôi đảo mắt nhìn chung quanh để cầu cứu. Nhưng vô hiệu!

Cuối cùng tôi được đưa lên bàn mổ.

- Hãy gượm - Tôi nói - Tôi cần phải thông báo với các vị rằng tôi chưa được bảo hiểm trong lúc đau ốm. Tôi không có tiền nộp bảo hiểm. Thậm chí tôi cũng không có tiền trả cho người gây mê.

Người nhân viên gây mê dừng ngay máy lại.

- Và tôi cũng không có tiền trả công cho bác sĩ phẫu thuật - Tôi nói.

Bác sĩ liền xếp các dụng cụ lại.

Tôi đưa mắt nhìn cô y tá trưởng.

- Thậm chí tôi cũng không lấy đâu ra tiền để trả cho giường nằm.

Tôi chưa kịp định thần thì thấy mình đã ở ngoài đường, trong bộ quần áo của mình.

Chính mấy nhân viên lúc đầu đưa tôi đi dọc theo hành lang giờ đã tống cổ tôi ra khỏi bệnh viện.

Tôi quay lại hỏi xem bạn tôi đang nằm ở phòng nào.

Người gác cổng lạnh lùng nhìn tôi và nói:

- Anh cút đi cho rảnh mắt. Đừng có bao giờ dẫn xác đến bệnh viện chúng tôi nữa. Thế mà cũng đòi làm bệnh nhân!

Truyện ngắn: ART BUCHWWALD (Mỹ) LÊ SƠN (dịch)

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201908/benh-nhan-bat-dac-di-2958442/