Bệnh nhân 'biến mất' - dịch bệnh thầm lặng khác càn quét khắp thế giới
Các bác sĩ tim mạch đứng trước một thắc mắc: trong khi khoa tim mạch của họ chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19, các bệnh nhân bị bệnh tim đã 'biến mất', vậy họ đã đi đâu?
Sau nhiều tuần phong tỏa, các tâm dịch như New York, Tây Ban Nha, Anh, Trung Quốc đều đã gặp phải câu hỏi này. Nhiều bác sĩ tin rằng đại dịch đang tạo ra dịch bệnh “thầm lặng” ở những người cần đến bệnh viện nhưng không dám mạo hiểm. Chẳng hạn, đó là các ca đau ruột thừa, đột quỵ hay tắc ruột.
Một số bác sĩ lo ngại rằng thương vong ở những người cần đến viện nhưng không đến có thể tệ không kém thương vong từ virus corona, nhất là ở những vùng không bị ảnh hưởng quá nặng bởi Covid-19. Một số bác sĩ dự đoán sẽ sớm có làn sóng các bệnh nhân tới khám mà trước đó đã hoãn khám bệnh.
Evert Eriksson, giám đốc khoa chấn thương tại Đại học Y South Carolina, kể về một nam thanh niên tuổi ngoài 20 bị đau bụng ngày càng nặng nhưng cầm cự ở nhà bằng thuốc giảm đau. Đến khi tới khám, khoảng 10 ngày sau thời điểm lẽ ra anh nên đi khám, anh đã bị áp xe lớn trong bụng, biến một ca phẫu thuật bình thường, phải nằm viện một đêm thành một ca khó và kéo dài.
“Chúng tôi thấy các bệnh nhân tới khám muộn hơn”, ông nói với Washington Post. “Tôi ước tính 70% ca đau ruột thừa hiện giờ là tới khám muộn. Khi bị đau ruột thừa mà đến khám muộn, chúng tôi không thể phẫu thuật một cách an toàn”.
Người bệnh chịu đựng ở nhà vì sợ virus
Các bác sĩ cho biết khó có chuyện các chứng bệnh trên giảm đi, đồng nghĩa với việc một số người đang qua đời ở nhà, dù chưa có dữ liệu để kiểm chứng điều đó.
Riêng đối với đau tim, có bằng chứng cho thấy số lượng đáng kể bệnh nhân có triệu chứng lẽ ra đòi hỏi can thiệp khẩn cấp lại không tới viện khám.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology khảo sát 9 phòng khám ở Mỹ có tiến hành thao tác thông tim, cho thấy số bệnh nhân được điều trị chứng nhồi máu cơ tim xuyên thành (STEMI, tức tắc nghẽn ở một trong những động mạch chính đưa máu giàu ôxy đến tim), giảm 38% trong tháng 3 so với trước đó.
Các bác sĩ nói con số trên không phải tự nhiên. Khi con người căng thẳng hơn vì dịch bệnh, số ca đau tim lẽ ra phải tăng lên. Covid-19 cũng là căn bệnh gây viêm có khả năng làm tổn thương cơ tim.
Một thăm dò từ ngày 28/3 đến ngày 2/4 cho thấy 86% người được hỏi có bệnh tim mạch nói họ “lo ngại” hoặc “rất lo ngại” nếu phải “đến viện ngay lúc này”. Đối với người bị huyết áp cao, tỷ lệ đó là 83%.
“Những người bị đau tim nhẹ hơn, họ có thể nói ‘hy vọng đây chỉ là khó tiêu’”, Gregory Piazza, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại bệnh viện ở South Carolina, nói với Washington Post.
Ở Đại học Y South Carolina, một bác sĩ khác lo ngại rằng bệnh nhân bị chứng đột quỵ nhẹ đang cố ở nhà cầm cự các triệu chứng như tê, mất cảm giác, yếu một bên cơ thể. Các triệu chứng có thể chỉ thoảng qua, nhưng báo hiệu những cơn đột quỵ nặng hơn.
Bệnh viện tại đây từng có khoảng 550 cuộc gọi mỗi tháng trong bốn tháng qua từ các khoa cấp cứu, về các bệnh nhân nghi bị đột quỵ. Nhưng gần đây, chỉ có khoảng 100 trong nửa đầu tháng 4.
“Bệnh nhân và gia đình sợ rằng đến bệnh viện sẽ nguy hiểm”, Alex Spiotta, trưởng phòng phẫu thuật thần kinh - mạch máu, nói với Washington Post. “Chúng tôi lo ngại số tử vong từ việc bỏ qua các bệnh khác sẽ cao” hơn cả Covid-19.
Bệnh viện thuyết phục người bệnh đi khám
Các bệnh viện đang bắt đầu truyền thông để giảm nỗi sợ bệnh viện. Hội Tim mạch học Mỹ tiến hành chiến dịch “Cardiosmart” tuần qua, khuyến khích bệnh nhân có triệu chứng hãy gọi cấp cứu và hãy tiếp tục đi khám bình thường qua mạng, khi có thể.
Không có nguyên nhân nào giải thích việc số bệnh nhân STEMI giảm 40%, theo Harlan Krumholz, bác sĩ tim mạch và nhà nghiên cứu tại Đại học Yale và bệnh viện Yale New Haven, người cố vấn cho chiến dịch trên. “Không có cách nào cắt nguy cơ xuống một nửa”, ông nói với Washington Post.
Dù vậy, một số bác sĩ nêu ra các nguyên nhân khác có thể khiến số bệnh nhân các căn bệnh giảm đi, liên quan tới các lệnh phong tỏa rộng khắp chưa từng có.
Chẳng hạn, số tai nạn giao thông giảm mạnh, vì ít người lái xe. Nhưng số vụ hành hung, dù là bạo lực gia đình hay người không sống cùng nhau, không giảm.
Nhiều bệnh nhân thường bị chứng đau thắt ngực giờ đang ngồi nhà thay vì lên xuống cầu thang ở ga tàu, và mức độ đau đớn khiến họ phải đi khám đã tăng lên nhiều.
Joseph Puma, bác sĩ tim mạch can thiệp tại bệnh viện Mount Sinai ở New York, tin rằng nhiều thay đổi do lệnh phong tỏa có thể là nguyên nhân, bao gồm giảm ô nhiễm không khí và bớt ăn đồ ăn nhiều chất béo ở nhà hàng.
“Mảng bám trong động mạch vẫn ở đó... nhưng hành vi thay đổi có thể làm giảm đi những yếu tố kích hoạt” khiến người bệnh trở nên nguy cấp, ông nói với Washington Post.
Vai trò của những yếu tố trên sẽ hiện rõ trong các nghiên cứu sau này. Nhưng trước mắt, ông Krumholz nói, điều quan trọng là phải thuyết phục những người có triệu chứng vượt qua nỗi sợ hãi và đi khám ngay để cứu mạng sống và tránh các biến chứng lâu dài.