Bệnh nhân Covid-19 tá hỏa khi nhận hóa đơn viện phí 400.000 USD ở Mỹ
Một phụ nữ trẻ ở New York nhận được biên lai yêu cầu chi trả tiền viện phí khổng lồ sau khi khỏi bệnh, dù hóa ra đó chỉ là nhầm lẫn của bệnh viện.
Sau khi trải qua cơn thập tử nhất sinh vì chứng viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, cô Janet Mendez, 33 tuổi vừa xuất viện về nhà mẹ đẻ hồi tháng 4 thì nhận được hóa đơn viện phí đầu tiên yêu cầu trả 31.165 USD từ bệnh viện Mount Sinai Morningside.
Vì đi lại khó khăn, vẫn còn yếu và chưa làm việc được, Mendez quyết định lờ hẳn tờ hóa đơn đó và chỉ tập trung vào việc tĩnh dưỡng.
Tờ hóa đơn gây choáng váng
Tuy nhiên, bệnh viện ở New York tiếp tục gửi tờ biên lai thứ hai với khoản viện phí lên đến 401.885,57 USD làm Mendez không thể ngó lơ được nữa. Dù cho bệnh viện đã hào phóng giảm 326.851,63 USD như một khoản “trợ giúp tài chính”, nhưng vẫn còn tới hơn 75.000 USD cần thanh toán. Mendez bàng hoàng tự hỏi: “Lạy Chúa, tiền đâu mà trả đây?”. Cô thậm chí còn nhận được một loạt các cuộc gọi từ phía bệnh viện, chỉ trích gay gắt và yêu cầu cô đóng đầy đủ viện phí.
Mendez đã lạc quan rằng phía bảo hiểm có trách nhiệm chi trả phần lớn viện phí. Và quả thực như vậy, người đại diện bên phía bệnh viện cho biết những biên lai thu tiền viện phí mà cô Mendez nhận được thực tế là một sự nhầm lẫn, đáng lẽ chúng phải được chuyển thẳng đến công ty bảo hiểm hoặc quỹ hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 của chính phủ. Bởi lẽ, bệnh nhân mắc chứng viêm phổi cấp đều thuộc diện được các gói cứu trợ liên bang hỗ trợ một phần lớn chi phí điều trị.
Trong một email đính chính, ông Jason Kaplan viết rằng: “Thực ra không bệnh nhân điều trị Covid-19 nào của bệnh viện Mount Sinai phải chi trả cho việc điều trị Covid-19 cả”. Lý do là các bệnh viện ở New York nhận viện trợ từ chính phủ và các nhà hảo tâm hơn 3 tỷ USD phục vụ việc chữa cho các bệnh nhân Covid-19, trong đó bệnh viện Mount Sinai Morningside nhận được ít nhất 63,7 triệu USD.
Nhưng nhầm lẫn vẫn luôn có thể xảy ra, và những bệnh nhân gặp trường hợp như cô Mendez buộc phải xử lý một loạt những quy trình và thủ tục thanh toán phức tạp trong khi vẫn cần được nghỉ ngơi sau cơn bạo bệnh. “Những hóa đơn đổ về như một cơn đại hồng thủy vậy”, bà Elisabeth Benjamin, phó chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng New York, chia sẻ.
Lo sợ sẽ có thêm những hóa đơn nữa tìm đến
Sau khi vượt qua cú sốc ban đầu từ con số khổng lồ trên hóa đơn, nhìn kỹ vào tấm hóa đơn, Mendez phát hiện một điểm đáng chú ý là những khoản thu khá mập mờ và đại khái, ví dụ như cô được yêu cầu trả 3.500 USD cho “phí nội trú” hay 42.714,52 USD cho “dược phẩm” nhưng không hề nêu rõ mỗi khoản thu gồm những mục cụ thể nào, không có bất kỳ loại thuốc hay đơn giá nào được nhắc tên. “Tôi không biết họ đã nạp những loại thuốc gì vào cơ thể tôi. Tôi không biết họ đã làm những gì hay chưa làm những gì, tôi hoàn toàn mù mờ”, Mendez nghi ngờ.
Được biết, ngân sách liên bang được dùng để chi trả cho các hóa đơn viện phí nhằm mục đích hỗ trợ những bệnh nhân tránh những khoản nợ khổng lồ, đồng thời giúp các bệnh viện duy trì hoạt động và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh mùa đại dịch. Những khoản chi của chính phủ này đi kèm điều kiện nhằm bảo vệ bệnh nhân khỏi các khoản phụ phí mà các bệnh viện có thể buộc người điều trị phải chi trả.
Tuy nhiên, điều kiện này vẫn còn lỗ hổng bởi không thể ngăn các y bác sĩ và đội ngũ điều dưỡng gửi hóa đơn riêng lẻ (không liên quan tới bệnh viện) trực tiếp yêu cầu bệnh nhân chi trả cho dịch vụ y tế mà họ cung cấp, như trường hợp của cô Mendez, mỗi ngày các bác sĩ yêu cầu khoản phí dao động từ 300 USD đến 1.800 USD, có những ngày 4 bác sĩ khác nhau cùng thu tiền dịch vụ của cô một lúc.
Đáng nói hơn, những bệnh nhân không có bảo hiểm có khả năng cao vẫn phải trả những hóa đơn cao ngất ngưởng kiểu này, dù bệnh viện đã nhận được tiền bồi hoàn từ chính phủ khi điều trị những bệnh nhân Covid-19.
Trường hợp của Mendez, số tiền cô phải trả cho bệnh viện sau khi bảo hiểm đã chi trả phần lớn hóa đơn là dưới 10.000 USD.
Mendez, quản trị văn phòng tại một trong những chi nhánh của chuỗi cửa hàng Domino’s Pizza, chia sẻ rằng cô đã phải dùng một lượng lớn thuốc an thần và máy thở mới có thể sống sót qua cơn đau dai dẳng do chứng viêm phổi cấp gây ra. Tổng cộng cô đã điều trị trong ròng rã 19 ngày.
Khi tỉnh lại, Mendez thậm chí không nhớ nổi tên mình là gì, mình đang ở đâu và vì sao. Chỉ vài ngày sau khi hồi phục trí nhớ, cơn hoang mang lại ập đến với người phụ nữ trẻ. Thoạt đầu, mẹ cô cố gắng giấu hết đống hóa đơn để cô có thể tập trung tĩnh dưỡng và bình phục, song một loạt cuộc điện thoại đến từ phía bệnh viên khiến cô không thể nằm yên được. Mendez hy vọng bảo hiểm sẽ chi trả phần lớn hóa đơn, song cô vẫn lo sẽ có thêm những hóa đơn nữa sẽ tìm đến.