Bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ: Nằm giường giấy, mòn mỏi chờ oxy và thuốc chữa

Không chỉ khan hiếm nguồn oxy, bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ còn thiếu thốn những điều kiện cơ bản nhất như sự chăm sóc của nhân viên y tế và thuốc chữa bệnh.

Trong suốt ba ngày, Goldi Patel, 25 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng được bảy tháng, đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè tại New Delhi, cuống cuồng kiếm tìm một nơi để chồng cô có thể được thở oxy.

Trước khi tìm thấy bệnh viện tiếp nhận chồng mình, bốn cơ sở y tế đã từ chối Patel. Nhưng tại Bệnh viện và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 Sardar Patel, một cơ sở y tế tạm thời ở ngoại ô New Delhi, mức độ chăm sóc sức khỏe thiếu thốn đến mức vợ chồng cô phải nài nỉ để được rời đi khỏi đó.

Xung quanh Sadanand Patel, chồng Goldi, 30 tuổi, mọi người đều đang chết dần. Anh hầu như không được tiếp xúc với bác sĩ và thuốc men cũng bị hạn chế. Với 80% phổi đã bị nhiễm trùng, anh sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng của mình trở nên tồi tệ hơn.

Tôi rất sợ”, Sadanand thều thào trên giường bệnh của mình trong cơn khó thở. "Nếu sức khỏe của tôi trở nên nguy kịch, tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục cứu chữa cho tôi”.

Khi các ca nhiễm COVID-19 gia tăng liên tục tại Ấn Độ, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này rơi vào trạng thái bế tắc và gần như hoàn toàn sụp đổ. Thiếu giường, thiếu oxy và nhân viên y tế, một số bệnh nhân đang chết dần trong phòng chờ hoặc trong những phòng khám đông đúc bên ngoài trước khi được gặp bác sĩ.

Chỉ một số bệnh nhân COVID-19 xoay sở được để vào các bệnh viện quá tải tại Ấn Độ. Nhưng khi vào bên trong, họ lại phải đối mặt với một loạt điều kinh hoàng khác: không có dịch vụ chăm sóc và thiết bị y tế cần thiết trong khi mọi người xung quanh họ đang dần ra đi.

Bệnh nhân COVID-19 chờ đợi bên ngoài Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel, ở New Delhi vào hôm 25/4. (Ảnh: CNN)

Bệnh nhân COVID-19 chờ đợi bên ngoài Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel, ở New Delhi vào hôm 25/4. (Ảnh: CNN)

Chạy đua với thời gian

Vào tháng 2, các nhà chức trách đã ra lệnh đóng cửa Trung tâm Chăm sóc COVID-19 Sardar Patel vì tin rằng Ấn Độ đã chiến thắng được loại virus này.

Nhưng khi dịch bệnh lại bùng phát, cơ sở y tế với 500 giường bệnh này đã mở cửa trở lại vào ngày 26/4 trong tình thế hỗn loạn.

Truyền thông địa phương đưa tin, mặc dù lượng bệnh nhân đông đúc bên ngoài bệnh viện nhưng số người được tiếp nhận y tế lại ít hơn rất nhiều.

Anh Sadanand nhập viện một ngày sau khi bệnh viện mở cửa. Khi Goldi, vợ anh, đến thăm vài ngày sau đó, cơ sở y tế đã trở nên đông đúc.

Bên trong Trung tâm Chăm sóc COVID Sardar Patel tại Chhatarpur hôm 25/4 ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: CNN)

Bên trong Trung tâm Chăm sóc COVID Sardar Patel tại Chhatarpur hôm 25/4 ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: CNN)

Bên trong trung tâm chăm sóc sức khỏe có cơ sở vật chất như một nhà kho này, các bệnh nhân được nằm trên những chiếc giường làm bằng bìa cứng. Thuốc thang có hạn và Sadanand cho biết anh chỉ được tiếp xúc với bác sĩ một hoặc hai lần trong ba ngày kể từ khi nhập viện vào tuần trước. Anh chứng kiến hai người đàn ông trên giường gần đó hét lên đòi thuốc chữa bệnh và ra đi trong vài giờ sau đó, khi lượng oxy của họ dường như cạn kiệt.

Đến thứ Bảy vừa qua (1/5), cũng là ngày thứ năm Sadanand ở trung tâm y tế, có ít nhất năm người xung quanh anh ấy đã chết. Thậm chí, một người chết nằm cạnh anh trong nhiều giờ trước khi được đưa đi.

Tháng trước, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cho biết họ sẽ “nhanh chóng” mở rộng quy mô lên đến 2.000 giường bệnh với nguồn cung cấp oxy đủ để giải quyết tình trạng thiếu không gian bệnh viện của thành phố. Khoảng 40 bác sĩ và 120 kỹ thuật viên y tế khẩn cấp đã được điều động đến trung tâm.

Nhân viên mang những chiếc giường bằng bìa cứng phân hủy sinh học tại Bệnh viện và Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel ở New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 24/4. (Ảnh: CNN)

Nhân viên mang những chiếc giường bằng bìa cứng phân hủy sinh học tại Bệnh viện và Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel ở New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 24/4. (Ảnh: CNN)

Nhưng Sadanand cho rằng mục tiêu đó vẫn chưa thành hiện thực.

"Chính phủ nghĩ rằng họ đã mở bệnh viện này và bệnh nhân ở đây đang được điều trị", anh nói. "Nhưng trên thực tế, không có gì giống như vậy đang xảy ra".

Sadanand cho biết các bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân không thường xuyên. Anh lo lắng rằng mỗi khi mình thực sự cần được chăm sóc, anh sẽ không đủ sức để gọi sự giúp đỡ. Đôi khi Sadanand nói chuyện với một bệnh nhân ở giường gần đó, họ đã khuyên anh nên rời khỏi trung tâm nếu cảm thấy tình trạng bệnh có tiến triển.

Sadanand Patel tại Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel. (Ảnh: CNN)

Sadanand Patel tại Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel. (Ảnh: CNN)

Không chỉ vợ chồng Sadanand mà rất nhiều người khác cũng đang trải qua tình cảnh tương tự.

Sarita Saxena nói với CNN hôm thứ Sáu (30/4) rằng anh rể của cô đã được tiếp nhận vào trung tâm chăm sóc sức khỏe sau khi bị ít nhất bảy bệnh viện từ chối. Cô cho rằng không có bất kỳ bác sĩ nào đang điều trị cho bệnh nhân mà những người duy nhất chăm sóc họ là gia đình và bạn bè. Những người đó càng có nguy cơ nhiễm bệnh vì không có vách ngăn trong cơ sở y tế để ngăn chặn sự lây lan.

Những người khác thì đang rất lo lắng về việc thiếu sự chăm sóc y tế nên họ đang cố gắng để giúp người thân của mình xuất viện.

Sadanand nói rằng anh rất sợ hãi nên đã liên tục yêu cầu bác sĩ chuyển mình đến bệnh viện khác. Anh cũng đã cầu xin vợ mình nhưng không còn nơi nào khác có thể tiếp nhận anh, Goldi nói.

"Chồng tôi đã yêu cầu tôi đưa anh ấy đi khỏi nơi này, rằng anh ấy sẽ ở nhà, anh ấy không cảm thấy tốt khi ở đây và đang rất sợ hãi", Goldi nói vào cuối tuần vừa qua.

"Tôi tiếp tục cố gắng giải thích rằng nếu chồng tôi ở lại đây, ít nhất anh ấy sẽ nhận được oxy để thở".

Bên trong Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel. (Ảnh: CNN)

Bên trong Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel. (Ảnh: CNN)

Cạn oxy và chưa thể lấp đầy nguồn cung

Bệnh viện Đại học Y Lala Lajpat Rai Memorial (LLRM), một cơ sở y tế ở thành phố Meerut, bang Uttar Pradesh lân cận, cũng đang bị quá tải.

Bệnh nhân ở khắp mọi nơi - trên cáng, trên bàn, trên sàn - tuyệt vọng vì thiếu oxy. Nhân viên bệnh viện cho biết, có khoảng 55 giường cho 100 bệnh nhân nhưng chỉ có duy nhất năm bác sĩ.

Một vài bệnh nhân phải nằm dưới sàn nhà. Trong đó có bà mẹ hai con Kavita, 32 tuổi. Cô đã nằm trên sàn bệnh viện suốt bốn ngày nay trong tình trạng khó thở. Cô nói rằng mình không nhận được bất kỳ nguồn cung cấp oxy nào và đã chứng kiến 20 người chết.

Tôi đang rất lo lắng”, cô nói. "Tôi sợ rằng mình sẽ tắt thở".

Oxy đang trở nên vô cùng khan hiếm ở Ấn Độ, nơi đã ghi nhận hơn 2,5 triệu trường hợp mắc bệnh trong tuần qua.

Các quốc gia khác đã gửi bình oxy và máy tạo oxy đến Ấn Độ và chính phủ đang vận chuyển nguồn cung cấp này đến khắp nơi trên đất nước bằng hệ thống tàu hỏa.

Tiến sĩ Harsh Vardhan, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình, cho biết hôm thứ Năm, trong nước đã có đầy đủ oxy và người dân không cần phải hoảng sợ. "Chúng ta có rất nhiều nguồn cung cấp oxy trong nước ... Bất cứ ai cần oxy đều có thể có được".

Nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ cá nhân chăm sóc một bệnh nhân bên trong phòng bệnh tạm thời ở New Delhi vào hôm 1/5. (Ảnh: CNN)

Nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ cá nhân chăm sóc một bệnh nhân bên trong phòng bệnh tạm thời ở New Delhi vào hôm 1/5. (Ảnh: CNN)

Các bệnh viện khó khăn

Một số bệnh viện đăng tải những thông điệp SOS trên mạng xã hội, gắn thẻ các tài khoản chính thức khi họ cầu xin thêm oxy cho những bệnh nhân đang thoi thóp. Người nhà bệnh nhân xếp hàng nhiều giờ bên ngoài trung tâm nạp oxy, cầm trên tay những bình oxy rỗng.

Theo Tiến sĩ SCL Gupta, Giám đốc Y tế của Bệnh viện Batra, 12 người - bao gồm một bác sĩ - đã tử vong tại một bệnh viện ở New Delhi hôm thứ Bảy sau khi cơ sở này hết oxy.

Một số bệnh viện đã cảnh báo bệnh nhân của mình rằng nếu họ muốn nhập viện để điều trị, họ sẽ phải tự cung cấp oxy cho mình.

Bên ngoài LLRM, người thân của các bệnh nhân đi đi lại lại trong khi chờ tin. Bên trong, Tiến sĩ Gyanendra Kumar, Quản lý LLRM, cho biết bệnh viện có đủ oxy nhưng họ đang thiếu nhân viên chăm sóc sức khỏe.

"Chúng tôi không từ chối bất cứ ai", ông nói. "Trước đại dịch COVID-19, tôi chưa từng thấy một cuộc khủng hoảng y tế nào như thế này, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn này, tôi nghĩ chúng ta đang quản lý đúng cách".

Khan hiếm thuốc chữa bệnh

Mặc dù Goldi Patel an tâm rằng chồng mình đang được thở oxy, nhưng cô lại lo lắng về tình trạng tổng thể của anh ấy. Không có thuốc để điều trị nhiễm trùng phổi và chụp CT cho thấy tổn thương đã lan đến 80%.

Mỗi khi ngồi dậy, anh ấy bắt đầu ho dữ dội và chảy nước mắt trong đau đớn, cô nói. Trong bệnh viện, Sadanand được cung cấp thức ăn, nước uống và oxy nhưng không đủ thuốc. Nhân viên bệnh viện đã cho anh ấy thuốc kháng sinh sau khi Goldi dọa họ rằng nếu không nhận được cô sẽ tự sát.

Goldi Patel bên ngoài bệnh viện ở New Delhi. (Ảnh: CNN)

Goldi Patel bên ngoài bệnh viện ở New Delhi. (Ảnh: CNN)

"Cùng với oxy, việc điều trị cũng rất cần thiết", Sadanand nói. "Bạn không thể chỉ sống với hy vọng rằng nếu chỉ được cung cấp oxy thì sẽ ổn".

Tiến sĩ Chandrasekhar Singha, chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi Madhukar Rainbow ở New Delhi, cho biết, một bệnh nhân bị nhiễm trùng trên 80% phổi sẽ cần được điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng virus, steroid và kháng sinh ngoài những điều kiện về oxy.

Cứ sau hai hoặc ba giờ, Goldi lại gọi điện cho chồng. Họ chỉ nói chuyện được trong vài phút trước khi nhịp thở của anh ấy trở nên khó khăn.

"Điều đó rất nguy hiểm", cô nói. "Tôi không thể bắt anh ấy nói chuyện quá nhiều. Còn tôi thì cả ngày như ngồi trên đống lửa".

Vợ chồng Goldi và Sadanand Patel. (Ảnh: CNN)

Vợ chồng Goldi và Sadanand Patel. (Ảnh: CNN)

Goldi lo sợ cho bản thân. Cô ấy đang mang thai bảy tháng và không biết liệu mình có bị nhiễm COVID-19 hay không. Cô không có triệu chứng, nhưng chưa xét nghiệm được vì việc đó sẽ tốn tới tận 900 rupee (tương đương với 12 USD).

Tuy nhiên, Goldi nói, cô ấy cần phải hỗ trợ chồng mình. Cha mẹ của cả hai đều sống ở Uttar Pradesh và họ không có chỗ dựa nào khác.

Cả hai đều bức xúc trước hướng giải quyết không hiệu quả từ cơ quan chức năng. Sadanand nói rằng nếu mình được đối xử tử tế hơn, anh sẽ không để vợ mình phải lo lắng nhiều tới vậy.

Nếu ai đó đã nhập viện và quá trình điều trị đang bắt đầu, họ sẽ không bao giờ muốn người vợ đang mang thai của mình phải đi ra ngoài tiếp xúc với đầy rẫy dịch bệnh để cố gắng tìm một cơ sở y tế cho họ”, anh nói. "Trong thâm tâm, tôi luôn lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy bị nhiễm COVID-19".

Khánh Quỳnh (Nguồn: CNN)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/benh-nhan-covid-19-tai-an-do-nam-giuong-giay-mon-moi-cho-oxy-va-thuoc-chua-ar610140.html