Bệnh nhân COVID - 19: Vì sao đã khỏi lại dương tính?
Các chuyên gia cho rằng, trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi xuất viện có thể là hiện tượng người lành mang trùng.
Trước Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều đã có những trường hợp dương tính trở lại sau khi được xác định là đã khỏi bệnh.
“Về việc bệnh nhân số 22 âm tính rồi lại dương tính có hai khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất, bệnh nhân này có thể tái phát bệnh sau thời gian điều trị; hoặc, khả năng thứ hai, bệnh nhân này có thể tái nhiễm trong thời gian cách ly tại khách sạn ở Đà Nẵng. Hiện nay, khách sạn Đà Nẵng đang cho kiểm tra lại để nắm rõ tình hình” - ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: “Thứ nhất, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus SARS-CoV-2, các biện pháp hiện chủ yếu là nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch để diệt virus. Do đó, khi hệ miễn dịch yếu đi, virus có thể bùng trở lại nên xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Thứ hai, liên quan đến mẫu bệnh phẩm. Có thể tại thời điểm lấy mẫu, virus đã hết nhưng xác virus vẫn còn ở hầu họng nên lấy mẫu trúng vị trí này, cho kết quả xét nghiệm dương tính. Một số thông tin cho rằng bệnh nhân tái nhiễm trở lại là không đúng, vì cơ thể đã có kháng thể rồi, không thể nhiễm lại ngay”.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM: “Khi cơ thể vừa hết bệnh, ở một số người virus chuyển thành cộng sinh, có nghĩa là lượng kháng thể không dẹp hết virus và con virus cũng tiếp tục nhân lại nhưng nó không gây bệnh cho người đó và có thể phát tán virus ra môi trường bên ngoài. Chứ không phải dương rồi lại âm rồi tái nhiễm, bệnh nhân khi đó chuyển qua cái nhóm người lành mang trùng”.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm: “Cho đến nay, chúng ta không thể khẳng định rằng người này (người bị phát hiện dương tính trở lại - PV) không lây chút nào cho người khác vì người lành mang trùng tốc độ lây có thể ít hơn người có triệu chứng.
Nhìn chung triệu chứng càng nhiều, càng rầm rộ thì khả năng lây càng nhiều, người không ho nhiều khả năng lây ít đi, đó là quy luật phát tán virus ra môi trường xung quanh. Thậm chí còn có trường hợp virus tồn tại trong họng nhưng tốc độ phát tán ra ngoài không nhiều nên không có lây. Ví dụ như bệnh cúm, sau mấy ngày hết bệnh, còn virus trong người nhưng nồng độ quá thấp, không lây được. Nhưng chính xác COVID-19 có lây hay không lây thì cần nghiên cứu sâu hơn nữa”.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam cũng như ở các nước chưa có thông tin gì về việc có phải thay đổi phác đồ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 hay không. Nhưng để có loại trừ tối đa rủi ro cho cộng đồng, khuyến cáo chung của các chuyên gia cho đến lúc này dành cho chính những người đã khỏi bệnh là họ nên chủ động kéo dài thêm thời gian cách ly sau khi đã ra viện hơn 14 ngày.
Những người này cũng cần biết rằng mình có khả năng trở thành nhóm người lành mang trùng nên cần chủ động bảo vệ người xung quanh, đặc biệt là trong gia đình; tiếp tục đeo khẩu trang trong thời gian dài nhất có thể, vệ sinh cá nhân thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người lớn tuổi và người có nguy cơ cao.
Chiều 14/4, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng cho biết: đã xác định 58 người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 22 người Anh trong thời gian cách ly sau khi chữa trị khỏi COVID-19 tại khách sạn Sam Grand. Kết quả xét nghiệm tất cả 58 người này đều âm tính với SARS-CoV-2.
Đà Nẵng sẽ thực hiện cách ly 14 ngày (kể từ lần tiếp xúc cuối) đối với 58 người này tại các Trung tâm Y tế quận, huyện và sẽ lấy mẫu xét nghiệm một lần nữa trước khi kết thúc đợt cách ly.