Bệnh nhân đột quỵ phải chuyển tuyến của Phú Thọ dưới 1%
BS CKII Lê Đình Thanh Sơn, Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết, Trung tâm Đột quỵ của BV đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao, chuyên sâu như: Can thiệp mạch máu não, tiêu sợi huyết; dẫn lưu não thất; điều trị hồi sức đột quỵ và phục hồi chức năng chuyên sâu.
Trung tâm Đột quỵ thuộc BVĐK tỉnh Phú Thọ đã hợp tác với nhiều chuyên gia đầu ngành, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực điều trị hàng ngàn lượt người bệnh đột quỵ giúp giảm tỷ lệ tàn tật và tử vong, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Số lượng người bệnh điều trị nội trú tại Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ tăng từ 970 bệnh nhân năm 2018 tăng lên 6.738 bệnh nhân năm 2022….Bệnh nhân được can thiệp mạch máu não tăng dần hằng năm, trong đó can thiệp mạch lấy huyết khối tăng hơn 60%. Kết quả điều trị khỏi bệnh đạt 92%; tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến dưới 1%…
Trung tâm là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ từ năm 2020.
Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, PGS.TS Nguyễn Huy Ngọc cho rằng, Trung tâm đột quỵ và BVĐK tỉnh Phú Thọ cần tăng cường công tác thu hút, đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ cao, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, tiệm cận trình độ điều trị đột quỵ của thế giới đồng thời chú ý phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ cũng như phải đào tạo chuyên môn cho bác sĩ tuyến dưới, hình thành mạng lưới điều trị đột quỵ cho người dân Phú Thọ.
BVĐK tỉnh Phú Thọ tiếp tục phổ biến giúp cho người dân hiểu cách phòng ngừa bệnh đột quỵ, và họ được tiếp cận, thụ hưởng kịp thời các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương.
Hoàn thiện mô hình trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh, khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu, chủ động sáng tạo nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh đột quỵ...