Bệnh nhân dương tính Covid-19 sau điều trị: Lý giải của các thầy thuốc
Trong gần 200 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp xét nghiệm âm tính rồi sau đó dương tính trở lại với Covid-19.
Bệnh nhân số 52 là du học sinh về nước vào ngày 11/3 và được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Quảng Ninh. Ngày 26, 28/3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và đủ điều kiện ra viện. Nhưng 2 lần xét nghiệm sau đó, bệnh nhân này lại có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Liên lạc qua mạng xã hội facebook, bệnh nhân 52 cho biết, hiện em đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh với sức khỏe ổn định.
Khi biết mình tái nhiễm Covid-19, ban đầu bệnh nhân rất lo lắng nhưng các kết quả xét nghiệm những ngày gần đây đã âm tính trở lại. Ngày 15/4, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lần thứ 3 để khẳng định đã khỏi bệnh hay chưa. Bên cạnh bệnh nhân số 52, Quảng Ninh cũng ghi nhận bệnh nhân 149 có tình trạng tương tự.
Cùng thởi điểm với bệnh nhân số 91, mới đây TPHCM cũng ghi nhận bệnh nhân số 22 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tương tự, Hà Nội cũng ghi nhận bệnh nhân 19, 21, bệnh nhân 50 đều dương tính trở lại sau khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Lý giải về việc một số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau đó dương tính trở lại, các chuyên gia y tế nhận định, các bệnh nhân này có thể tái phát bệnh sau thời gian điều trị; hoặc bệnh nhân có thể tái nhiễm trong thời gian cách ly sau khi ra viện.
Qua thực tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sỹ Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, lần xét nghiệm sau dương tính có thể do tìm thấy xác của virus SARS-CoV-2 còn nằm trong tế bào bạch cầu của người bệnh nên kết quả cho dương tính. Khả năng thứ hai là do chưa có thuốc điều trị thực sự nên virus còn tồn tại và nhân lên trong cơ thể người bệnh.
“Đây là loại virus mới cần rất nhiều điều các nhà khoa học chưa biết và hiện nay tất cà các thuốc điều trị lâm sàng đều là thuốc đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có thuốc nào hiệu quả, hiệu lực thực sự để tiêu diệt con virus này. Chính vì thế hoàn toàn việc loại virus ở đây là dựa vào hệ thống miễn dịch của cơ thể” - bác sỹ Điền nói.
Từ góc nhìn của một chuyên gia phòng chống dịch, ông Trần Đắc Phu, cố vấn Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho rằng, có rất nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha… đã ghi nhận người bệnh khỏi rồi lại xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Nguyên nhân có thể do trong giai đoạn lấy mẫu xét nghiệm, virus SARS-CoV-2 có sự thay đổi, nhân lên trong cơ thể người bệnh nên cho kết quả dương tính.
Theo ông Trần Đắc Phu, điều quan trọng hiện nay là đảm bảo tuyệt đối không để các ca dương tính trở lại lây nhiễm ra cộng đồng: “Chủ yếu là giải quyết biện pháp phòng bệnh, ở đây chúng ta vẫn đạt yêu cầu, nghĩa là bệnh nhân đó từ xét nghiệm dương, rồi âm tính, sau đó xét nghiệm lại dương tính nhưng ta chưa cho ra ngoài cộng đồng, vẫn trong giai đoạn cách ly thì tôi cho rằng chúng ta giải quyết việc phòng bệnh, giải quyết việc cách ly chúng ta đảm bảo tuyệt đối. Còn sợ nhất khi dương thành âm, âm thành dương cho bệnh nhân ra cộng đồng rồi lại xét nghiệm thành dương thì cái đó mới đáng phải quan tâm”.
Hiện thế giới đã ghi nhận 8 biến chủng của virus SARS-CoV-2 so với chủng ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đây cũng là một yếu tố khiến virus tồn tại lâu hơn trong cơ thể người bệnh. Để phòng tránh nguy cơ người bệnh có thể tái nhiễm Covid-19 sau khi đã điều trị khỏi ra viện, một số địa phương đã tổ chức xét nghiệm sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế./.