Bệnh nhân gãy cột sống thắt lưng hồi phục nhờ phương pháp cải tiến
Gãy cột sống thắt lưng có tổn thương tủy, liệt và bí tiểu là trường hợp rất nặng, tiên lượng phục hồi kém và để lại di chứng rất nặng nề.
Chiều 6-4, Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết nơi đây vừa xử trí bệnh nhân bị gãy cột sống thắt lưng, tê bì và liệt gần hoàn toàn hai chân kèm bí tiểu bằng phương pháp cải tiến.
Trước đó, BV tiếp nhận ông ĐTT (34 tuổi) trong tình trạng liệt gần hoàn toàn 2 chân, chỉ nhúc nhích nhẹ ở phần đùi kèm bí tiểu.
Ông T cho biết bị xe gắn máy đụng té dập mông xuống đường trong lúc đạp xe tập thể dục.
Các BS chẩn đoán ông T gãy nhiều mảnh đốt sống L1, tổn thương tủy, liệt gần hoàn toàn 2 chân và bí tiểu. Các BS lên kế hoạch mổ kết hợp xương cố định từ phía sau, bảo tồn và tạo hình lại thân đốt gãy, giải ép triệt để chèn ép từ mảnh xương gãy vào tủy sống.
Sau đó, ông T được các BS Ngô Thanh Long và Hà Đức Tuấn tiến hành phẫu thuật trong thời gian 90 phút.
Ngày đầu sau phẫu thuật, ông T có dấu hiệu phục hồi rất rõ, có thể gấp được đùi vào bụng, đưa chân lên khỏi mặt giường và có cảm giác mắc tiểu.
Ngày thứ 3 sau phẫu thuật, ông T có thể ngồi, chân có cảm giác mạnh hơn và hết tê.
Đến ngày thứ 7, ông T có thể tự tiểu.
Hiện ông T đã có thể tự đi lại (có mang boot cẳng bàn chân), hoàn toàn kiểm soát được việc tiểu tiện và phục hồi khả năng sinh lý.
BS Ngô Thanh Long, khoa Cột sống B thuộc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết gãy cột sống thắt lưng có tổn thương tủy, liệt và bí tiểu là trường hợp rất nặng, tiên lượng phục hồi kém và để lại di chứng rất nặng nề.
“Nếu không phẫu thuật, cơ hội phục hồi của ông T gần như bằng không, thậm chí không thể ngồi dậy. Ngay cả khi ông T được phẫu thuật mà không giải quyết được triệt để, hoặc thời gian phẫu thuật quá muộn thì khả năng phục hồi rất kém, ông T có thể ngồi xe lăn suốt đời” – BS Long cho biết thêm.
Theo TS-BS Nguyễn Trọng Tín, Trưởng khoa Cột sống B, trước đây phẫu thuật trường hợp gãy cột sống thường sử dụng phương pháp phức tạp, thời gian phẫu thuật khéo dài, mất nhiều máu, dễ gây nguy cơ và biến chứng. Do vậy, cần chuẩn bị thật kỹ trước khi phẫu thuật nên mất nhiều thời gian.
“Hiện khoa Cột sống B sử dụng phương pháp kết hợp xương cố định phía sau với cấu hình ngắn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đủ vững, giải ép triệt để chèn ép, bảo tồn và tái tạo được thân đốt sống bị gãy. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm lượng máu mất, nguy cơ và biến chứng thấp” – TS-BS Tín chia sẻ.