Bệnh nhân gout ngày càng trẻ
Trước đây, bệnh gout thường xảy ra ở độ tuổi 40-50 nhưng hiện bệnh ngày càng trẻ hóa khi xuất hiện ở độ tuổi 25-35
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Minh Trí, Phó trưởng Khoa Nội hô hấp - Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), cho biết tỉ lệ mắc bệnh gout ở người trẻ tăng lên từ 15%-20% so với trước. Nguyên nhân là do điều kiện ăn uống đầy đủ khiến lượng đạm tăng (ăn nhiều thịt; uống rượu, bia…) nhưng lại ít vận động khiến axít uric trong máu tăng dẫn đến bệnh gout.
Những sai lầm của người trẻ khi mắc bệnh gout
Theo bác sĩ Dương Minh Trí, hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận điều trị khoảng 10-15 trường hợp mắc bệnh gout là người trẻ tuổi. Bệnh nhân nhập viện với nhiều mức độ khác nhau - từ mới khởi phát cho đến cơn đau tái phát nhiều lần. "Tỉ lệ người trẻ điều trị gout không tuân thủ tại bệnh viện chiếm 30%-40%. Nhiều bệnh nhân nhập viện khi các cơn đau cấp tái đi tái lại. Nguyên nhân là vì sau một đợt đau cấp chỉ cần uống thuốc 2 ngày là hết nên họ nghĩ mình hết bệnh dù trước đó bác sĩ đã cảnh báo đây là căn bệnh phải điều trị suốt đời. Chỉ đến khi cơn đau tái phát nhiều lần, người bệnh mới nhận thức rõ tình trạng của mình" - bác sĩ Trí thông tin.
Điển hình, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân T.V.H (34 tuổi, ngụ TP HCM) vào thăm khám trong tình trạng đau nhức, khớp gối sưng to. Trước đó, bệnh nhân này có tham gia buổi tiệc. Sau một đêm ngủ dậy, anh đau nhức khớp nên nhập viện điều trị.
Các bác sĩ sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và ghi nhận bệnh nhân bị viêm khớp; chỉ số axít uric trong máu cao 650 mmol/lít (bình thường 210-450 mmol/lít ở nam giới và 150-360 mmol/lít ở nữ giới)… Bệnh nhân buộc phải nhập viện điều trị, dùng thuốc. Bác sĩ đã điều trị theo phác đồ dùng thuốc; đồng thời tư vấn người bệnh ăn uống, tập luyện hợp lý. Tuy nhiên, sau một thời gian xuất viện, anh H. lại bị các đợt cơn đau cấp.
Dù được bác sĩ khuyến cáo hạn chế uống rượu bia, điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau, ít thịt đỏ, hải sản… nhưng anh H. cho biết do tính chất công việc nên sau khi kiêng cữ vài tháng, nghĩ bệnh ổn định, đã bỏ qua chế độ ăn uống như lời dặn của bác sĩ. Chỉ đến khi sau 2 lần nhập viện, 2 lần điều trị ngoại trú, anh H. mới nhận thức rõ bệnh của mình và sử dụng thuốc đều đặn. Hiện sau 3 tháng, chỉ số axít uric của bệnh nhân đã ổn định, cơn đau khớp đã giảm.
Trường hợp của anh H. không hiếm gặp. Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cũng vừa tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân T.T.M (28 tuổi) bị nhiễm trùng khớp gối, nhập viện trong tình trạng hoảng loạn.
Theo người nhà, trước đó, anh M. được phát hiện mắc bệnh gout mạn tính. Ban đầu bệnh nhân uống thuốc tây nhưng cơ thể bị nóng và đau nhiều nên chuyển sang uống thuốc của một thầy lang. Kết quả, giảm đau nhanh, ăn ngủ được nên anh M. theo thầy lang suốt một thời gian dài. Gần đây, khớp gối anh M. nhiễm trùng nặng, phải nhập viện. Anh được điều trị nhiễm trùng và phải cắt lọc mô hoại tử.
ThS-BS Hà Thị Kim Chi, Khoa Nội Cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trước đây bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Hiện nay, nhiều bệnh nhân mắc gout đã giảm tuổi. Tại bệnh viện thường xuyên tiếp nhận người trẻ bị gout nặng, nhiều biến chứng.
Cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Bác sĩ Hà Thị Kim Chi nhấn mạnh việc tự ý dùng thuốc giảm đau, thuốc không nguồn gốc có thể gây xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim. Trường hợp các nốt tophi (nốt u) bị vỡ, vi khuẩn xâm nhập vết thương gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu nguy cơ tử vong rất cao. Biến chứng của bệnh gout cũng khiến người bệnh giảm chức năng vận động, ảnh hưởng tâm lý, chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Chi, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gout. Trong đó, lý do chủ yếu là rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng axít uric trong máu, gây lắng đọng các tinh thể urate ở các khớp. Chế độ ăn nhiều nội tạng, hải sản, thịt đỏ, bia rượu… cũng khiến tình trạng nặng nề hơn, nhất là ở người trẻ.
Bệnh khởi phát bằng các đợt viêm khớp cấp tính với triệu chứng đột ngột sưng, nóng, đỏ, đau các khớp ở chân, nhất là khớp ngón chân cái... Nếu không kiểm soát, bệnh tiến triển thành mạn tính, lâu dài có thể gây cứng khớp.
Bác sĩ Dương Minh Trí cho biết bệnh khớp có thể gây biến chứng với các nốt tophi ở khớp hoặc khớp bị loét nhiễm trùng. Những trường hợp này khi đi khám đều buộc phải nhập viện điều trị. Đáng lưu ý, biến chứng âm thầm của khớp rất nghiêm trọng là suy thận khi chỉ số axít uric trên 500 mmol/lít kéo dài. Tỉ lệ biến chứng này chiếm 25%-30% ở người bệnh.
Để nhận biết được bệnh, bác sĩ Trí chỉ rõ sau một buổi tiệc, buổi sáng ngủ dậy, người bệnh sẽ thấy đau khớp hoặc đau nhẹ ở ngón chân, bàn chân. Ngoài ra, cơn đau không điển hình như ở khớp gối, khuỷu tay... Những cơn đau này sau đó thường trở nên dữ dội buộc người bệnh phải đến bệnh viện thăm khám và dùng thuốc điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân gout cần thăm khám, dùng thuốc theo chỉ định; trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc mới hay thực phẩm chức năng. Ngoài ra, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn uống, dinh dưỡng, tập luyện để giúp ổn định tình trạng bệnh gout.
Kiêng thịt đỏ - thách thức với người trẻ
Theo bác sĩ Dương Minh Trí, điều chỉnh chế độ ăn ở người trẻ rất khó tuân thủ. Về nguyên tắc, người bị bệnh gout phải kiêng 100% các loại thịt đỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được - nhất là người trẻ vì tính chất công việc, lối sống...
"Việc tuân thủ chế độ ăn uống người lớn tuổi thường làm tốt hơn người trẻ. Vì vậy, nếu người bệnh không tránh được thì ăn một lượng ít nhất có thể. Đặc biệt, nên vận động từ 20-30 phút/ngày để cơ thể chuyển hóa tốt hơn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể chuyển qua ăn thịt trắng với lượng vừa phải hoặc ăn nhiều rau, củ, quả nhằm tránh tình trạng axít uric tăng cao" - bác sĩ Trí nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/benh-nhan-gout-ngay-cang-tre-20230612190341273.htm