Bệnh nhân hết sợ bệnh viện và bác sĩ nhờ số hóa

Bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy là bước đi đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mô hình này đã mang lại sự thuận tiện cho cả người bệnh cũng như cán bộ y tế trong khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án.

Hết cảnh mệt mỏi, chán nản vì phải xếp hàng

Buổi sáng ngày cuối năm 2024, có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình), một trong những bệnh viện đi đầu trong chuyển đổi số y tế, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại đây.

Cảnh tượng quen thuộc tại các bệnh viện công, nơi người dân phải dậy từ 4 - 5h sáng để xếp hàng lấy số, chờ đến lượt khám, dường như đã trở thành quá khứ. Thay vào đó, tại BVĐK Hòa Bình, người bệnh chỉ cần một tấm căn cước công dân để bắt đầu hành trình khám chữa bệnh của mình.

Tại quầy đăng ký khám bệnh, ngoài diện mạo khang trang, sạch sẽ chúng tôi ấn tượng với thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Không còn hình ảnh nhân viên y tế “mặt cau mày có”, có lúc to tiếng với người dân đến đăng ký khám, thay vào đó là nụ cười niềm nở, sự nhiệt tình với người bệnh suốt quá trình thăm khám và điều trị.

Trực tiếp thụ hưởng những thành quả từ sử dụng bệnh án điện tử, ông Nguyễn Công Hoan (66 tuổi, ở Hòa Bình) rất bất ngờ khi chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân cơ bản và cả bệnh sử đều hiển thị, nhanh chóng được phân luồng, thuận tiện thăm khám.

 Nhờ có bệnh án điện tử bệnh nhân thấy mọi thủ tục thuận tiện, nhanh chóng. Ảnh: Đình Huy.

Nhờ có bệnh án điện tử bệnh nhân thấy mọi thủ tục thuận tiện, nhanh chóng. Ảnh: Đình Huy.

“Tôi không còn lo chuyện lỡ quên mang theo hồ sơ đã từng khám, chữa bệnh hay đơn thuốc những tháng trước nữa. Giờ chỉ có mỗi giấy tờ tùy thân lúc nào cũng trong ví. Tất cả từ tư vấn, đơn thuốc đều có trong hồ sơ bệnh án điện tử”, ông Hoan nói.

Ông Hoan bị viêm tụy nên trước đây mỗi lần đi khám phải xếp hàng rất lâu để chờ lấy số thứ tự. Sau khi khám xong còn phải chạy lòng vòng qua các khoa xét nghiệm để lấy kết quả quả. Chính vì thời gian chờ đợi lâu khiến ông thấy mệt mỏi, uể oải, chán nản, đôi khi có những suy nghĩ bi quan về sức khỏe của mình, dù chưa nhận được kết quả cuối cùng.

Đang nằm điều trị tại bệnh viện, bà Bùi Thị Thơm (75 tuổi) khá hài lòng khi trải nghiệm bệnh án điện tử.

“Nhờ có bệnh án điện tử tôi thấy mọi thủ tục thuận tiện, nhanh chóng”, bà Thơm nói và cho biết, mô hình này rất tiện ích.

Các chỉ định, pháp đồ điều trị, đơn thuốc bà Thơm đều có thể xem trên máy tính bảng hoặc điện thoại cá nhân. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, song được các y bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn bà thấy dễ sử dụng.

 Bệnh nhân Bùi Thị Thơm hài lòng về sự cải thiện chất lượng dịch vụ tại BVĐK Hòa Bình. Ảnh: Đình Huy.

Bệnh nhân Bùi Thị Thơm hài lòng về sự cải thiện chất lượng dịch vụ tại BVĐK Hòa Bình. Ảnh: Đình Huy.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là mục tiêu mà ngành y tế hướng đến trong những năm gần đây. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần hiện đại hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.

Do đó, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh. Một số bệnh viện đã triển khai, mô hình bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 11/2024, cả nước mới có 109/1.400 bệnh viện công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Trong đó, có BVĐK Hòa Bình.

Bác sĩ "đi buồng" cùng xe tiêm thông minh

Nỗ lực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử của BVĐK Hòa Bình không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, mà còn giúp nhân viên y tế giảm bớt áp lực.

Nhiều năm làm việc tại BVĐK Hòa Bình, bác sĩ Trần Hữu Nhân - Khoa Nội Tim mạch đã “kinh qua” cả bệnh án giấy lẫn bệnh án điện tử. Những năm đầu tiên theo nghề, bác sĩ Nhân vẫn làm theo cách “truyền thống” khám bệnh, ghi chép vào hồ sơ giấy. Nhưng tất cả đã khác khi bệnh viện ứng dụng bệnh án điện tử từ cuối năm 2022.

Có mặt tại phòng bệnh ở Khoa nội Tim mạch, chúng tôi quan sát thấy mỗi bác sĩ đi buồng được trang bị một xe tiêm thông minh phục vụ khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Những xe tiêm này đều được kết nối với ứng dụng app bệnh án điện tử.

 Bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có thể xem trực tiếp bệnh án của bệnh nhân ngay tại giường bệnh bằng máy tính. Ảnh: Đình Huy.

Bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có thể xem trực tiếp bệnh án của bệnh nhân ngay tại giường bệnh bằng máy tính. Ảnh: Đình Huy.

Bác sĩ chỉ cần gõ tên bệnh nhân, các thông tin về ngày vào viện, bệnh điều trị... được hiển thị rõ ràng. Nhờ đó, bác sĩ có thể dễ dàng xem lại được lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân, những loại thuốc bệnh nhân từng sử dụng chỉ bằng một cái “click” chuột.

“Việc sử dụng bệnh án điện tử cũng giảm sai sót khi kê đơn cho bệnh nhân từ chữ viết tay”, bác sĩ Nhân nói.

Chữ bác sĩ vốn là câu chuyện khiến nhiều người “cười ra nước mắt”. Trước kia nhiều đơn thuốc được bác sĩ viết tay dẫn đến không ít người dân, dược sĩ ám ảnh. Nhưng từ khi áp dụng bệnh án điện tử, bệnh nhân “hết sợ” đơn thuốc bác sĩ kê.

Bác sĩ Chu Thị Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh, BVĐK Hòa Bình, chia sẻ trước đây mỗi ngày vào ca trực, điều dưỡng phải làm hết hồ sơ của 5-6 bệnh nhân. Nhưng khi có bệnh án điện tử, điều dưỡng chỉ cần copy diễn biến của bệnh nhân từ bảng của bác sĩ sang bảng của điều dưỡng và sử dụng thuốc không có sai sót.

Nhờ vậy, cùng một thời gian làm việc như trước mỗi điều dưỡng có thể chăm sóc được nhiều bệnh nhân hơn.

Dưới góc độ quản lý, Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc BVĐK Hòa Bình, cho biết năm 2019, bệnh viện nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã được cấp 17 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng “Bệnh án điện tử”.

“Chúng tôi bắt đầu được thẩm định từ tháng 11/2022 và chính thức bỏ Bệnh án giấy sử dụng Bệnh án điện tử từ tháng 1/2023”, ông Diệu nói.

Theo ông Diệu, nhờ có bệnh án điện tử, bệnh viện không tốn kho lưu trữ bệnh án, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chi phí in ấn. Việc số hóa cũng giúp cho công tác chẩn đoán khám chữa bệnh của y bác sĩ được thuận lợi, bệnh nhân không phải chờ đợi; đồng thời minh bạch được các vấn đề về tài chính, quản trị.

Quỳnh An

Đình Huy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/benh-nhan-het-so-benh-vien-va-bac-si-nho-so-hoa-post182064.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat