Bệnh nhân HIV đầu tiên được chữa khỏi đã qua đời vì ung thư
Ông Timothy Ray Brown từng là biểu tượng của hi vọng cho hàng triệu bệnh nhân AIDS vì là người đầu tiên được điều trị thành công bằng phương pháp cấy tế bào gốc. Tuy nhiên, ông vừa qua đời ở độ tuổi 54 sau một thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Được biết đến với biệt danh "bệnh nhân Berlin", ông Brown là niềm tự hào của giới y khoa trên toàn thế giới vì là người đầu tiên được chữa trị thành công HIV vào khoảng 10 năm trước. Sau khi chiến thắng HIV, ông Brown đã phải chiến đấu với căn bệnh leukaemia (bệnh bạch cầu, một loại ung thư máu) trong nhiều tháng và bệnh tình ngày càng trở nặng dẫn đến sự qua đời đáng tiếc của ông.
Theo thông tin từ người bạn đời Tim Hoeffgen, ông Brown đã qua đời vào hôm thứ ba (29/9/2020) tại nhà riêng ở Palm Springs, California (Mỹ). Nguyên nhân gây ra sự mất mát đau buồn này là vì căn bệnh bạch cầu tái phát sau nhiều năm kể từ khi ông được tiến hành các ca cấy ghép tế bào gốc trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2008. Thành công từ những đợt cấy ghép tế bào này dường như đã loại bỏ cả tế bào HIV và tế bào mang bệnh bạch cầu ra khỏi cơ thể ông Brown trong thời gian dài.
Ông Huetter, giám đốc y tế của một công ty tế bào gốc ở Dresden (Đức) xúc động: "Thật đáng buồn khi chúng ta phải vĩnh viễn mất đi Brown vì dù không có dấu hiệu tái nhiễm HIV, nhưng căn bệnh bạch cầu đã quay lại và hành hạ ông".
Ông Brown được chẩn đoán mắc bệnh AIDS khi đang học tại Đại học Berlin (Đức) vào năm 1995. 10 năm sau đó, ông được chẩn đoán mắc thêm bệnh bạch cầu. Sau quá trình thăm khám và nghiên cứu, ông Huetter quyết định thực hiện liệu pháp cấy ghép tế bào để điều trị cho ông Brown với hi vọng có thể cùng lúc chữa cả HIV và bạch cầu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được dùng với mục đích điều trị ung thư máu và chưa có bất kỳ trường hợp bệnh nhân HIV nào được chữa khỏi vào thời điểm đó.
Trong lần cấy ghép đầu tiên vào năm 2007, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành cấy ghép gen từ một người hiến tặng, chưa đột biến gen hiếm, có khả năng đề kháng tự nhiên đối với virus HIV vào cơ thể ông Brown. Tuy nhiên, lần cấy ghép này chỉ thành công một nửa vì chỉ loại bỏ hầu hết virus HIV ra khỏi cơ thể ông Brown nhưng chưa thể loại bỏ gen bạch cầu. Đó là lý do ông được tiến hành ca cấy ghép lần thứ hai vào năm 2008 và điều trị thành công bệnh ung thư máu. Có thể nói đây thực sự là thành công mỹ mãn cho giới y học trên toàn thế giới.
Sau thành công vang dội này, ông Brown được biết đến thông qua biệt danh "bệnh nhân Berlin" để bảo vệ danh tính. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, ông quyết định công khai về quá trình điều trị bệnh của mình, nhằm lan tỏa hi vọng cho hàng triệu bệnh nhân mắc AIDS trên toàn thế giới.
10 năm sau khi ông Brown được điều trị HIV thành công, ông Adam Castillejo (bệnh nhân London) - bệnh nhân AIDS thứ hai cũng được chữa khỏi bằng liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Hiện người này đã không còn virus HIV trong người.
Theo thông tin từ người thân, bệnh bạch cầu của ông đã bắt đầu tái phát vào năm ngoái. Ông đã trải qua hành trình dài 5 tháng với những liệu pháp chống chọi lại căn bệnh ung thư máu này. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Brown chia sẻ: "Tôi tự hào vì được tiến hành liệu pháp cấy ghép tế bào".
Nguồn: NBC