Bệnh nhân mắc Covid-19 tại Ý: 'Họ phải chết trong cô đơn'
Nhiều bệnh nhân ở Ý đã qua đời trong cô đơn mà không được gặp người thân, gia đình khi dịch Covid-19 đang bùng phát.
Stuart Ramsay là một nhà báo nổi tiếng, phóng viên trưởng của tờ báo uy tín Skynews có trụ sở tại Anh. Mới đây, Stuart đã có cơ hội vào bên trong Bệnh viện Cremona ở thành phố Bologna, nước Ý, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại nước này.
Những dòng nhật ký của Stuart Ramsay được đăng trên tờ Skynews đã khiến rất nhiều người ám ảnh.
"Một trợ lý nhà xác gọi chúng tôi đi theo anh ấy. Chúng tôi đi qua một căn phòng đầy quan tài. Ở cuối hành lang, anh ấy mở một cánh cửa và ra hiệu cho chúng tôi đi vào trong.
Thoạt đầu tôi không hiểu bởi đó là một nhà thờ, nhưng khi đi vào sâu hơn, tôi nhận ra trong đó có rất nhiều quan tài. Bệnh viện Cremona đã có nhiều bệnh nhân tử vong tới mức họ phải mượn một nhà thờ để làm nơi cất giữ các thi thể trước khi đem đi hỏa táng.
Gia đình những bệnh nhân này không thể nói lời từ biệt cuối cùng với người thân vì lệnh cách ly. Tất cả mọi người đều chết trong cô đơn, đó là sự thật.
Các bác sĩ và y tá tại đây đã rất nhiều lần phải kìm nén nước mắt và sự đau buồn của mình khi chứng kiến bệnh nhân đang sợ hãi và cô đơn trước những giờ phút cuối cùng của cuộc đời họ.
Các nhân viên y tế đã cố gắng quan tâm và cứu chữa bệnh nhân hết sức có thể nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Thật đau lòng khi kể lại câu chuyện này và càng tồi tệ hơn khi biết rằng chính gia đình chúng ta cũng có thể bị nhiễm bệnh. Họ có thể chết một mình mà chính tôi cũng chẳng làm gì được.
Những thi thể bệnh nhân nằm trong nhà thờ trên đều được chuyển đến từ phòng chăm sóc tích cực ICU, trong khi bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay kín mít, chúng tôi được dẫn đi qua những hành lang vắng vẻ, yên tính đến độ một tiếng khép cửa cũng nghe rất rõ.
Người dẫn đường của chúng tôi, ông Rosario Canino - giám đốc bệnh viện, đang ấn nút và nói chuyện qua một máy liên lạc. Cánh cửa mở ra, một y tá mặc quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân xuất hiện, mở cửa cho chúng tôi vào trong.
Hai bên dãy hành lang là những phòng ICU, tất cả đều chật kín giường bệnh và bệnh nhân được kết nối với máy thở, ống truyền. Tiếng ồn duy nhất phát ra là âm thanh của máy thở và máy theo dõi nhịp tim.
Những bệnh nhân này đều đang nguy kịch. Dù các y bác sĩ đã làm hết khả năng, cơ hội họ sống sót vẫn không cao. Các y bác sĩ không có cách chữa trị cho họ, chỉ cố gắng giữ họ sống sót. Đó là thực tế khắc nghiệt mà những người đang ở đây phải đối mặt.
Trong một phòng bệnh, 5 bác sĩ và y tá đang cùng nhau đỡ một bệnh nhân dậy. Cô ấy hoàn toàn bất động. Cứ 13-16h, họ phải xoay bệnh nhân một lần để làm giảm áp lực lên phổi. Nếu không có sự giúp đỡ của các y bác sĩ, nữ bệnh nhân này chắc chắn không thể qua khỏi.
Các nhân viên y tế tại đây vô cùng cẩn thận trong việc phòng chống dịch bệnh. Họ vệ sinh thân thể liên tục. Găng tay, khẩu trang và quần áo bảo hộ thường xuyên được thay đổi. Thế nhưng thực tế là những người làm việc ở đây đều đã kiệt sức. Hệ thống y tế đang quá tải nhưng họ vẫn cứ tiếp tục.
"Tôi không biết phải nói cảm nghĩ của mình như thế nào. Đây là một cuộc chiến, là một thảm họa. Nó chẳng khác gì một cơn sóng thần và chúng tôi phải ở đây 12 tiếng mỗi ngày.
Chúng tôi chỉ được nghỉ trong vài tiếng rồi lại quay về làm việc vì có rất nhiều bệnh nhân đang chờ", bác sĩ Leonor Tamayo nói với tôi, nước mắt trực chờ rơi bất cứ lúc nào.
Tin tốt đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất cho những người đang chiến đấu tại đây là ít nhất một trong số những bệnh nhân đang hồi phục. Chúng tôi không thể tiếp cận bệnh nhân này vì anh ấy vẫn còn quá yếu nhưng anh ấy đã cho chúng tôi một tia hy vọng.
Sau 2 tuần chữa trị, anh ấy đã khá hơn nhưng những bệnh nhân khác thì không được may mắn như vậy, nhiều người thậm chí đã chết. Một sự thật đáng sợ ở đây là các bệnh nhân đang có xu hướng trẻ hóa. Có một người đàn ông chỉ mới 36 tuổi đang được điều trị tại đây.
Chúng tôi đi theo bác sĩ Emanuela Catenacci tới phòng ICU mà cô ấy phụ trách. Bình thường, cô ấy là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nhưng khi dịch bệnh xảy ra, cô ấy cũng giống như bao bác sĩ khác phải điều trị cho bệnh nhân. Cô ấy hỏi tôi rằng liệu cô ấy có thể gửi một lời nhắn với thế giới bên ngoài không, bởi nơi này đang bị phong tỏa.
Emanuela nói với tôi: "Hãy cố gắng ngăn chặn và cách ly mọi người. Nếu không mọi thứ sẽ như một cơn sóng thần và khi nó thực sự phát triển, nó sẽ bùng nổ. Đừng nghĩ rằng những gì đang xảy ra ở đây sẽ không xảy ra với những nơi khác. Nếu các bạn không làm gì để ngăn chặn, nó nhất định sẽ xảy ra".
Ở Bologna, họ không bao giờ thôi hy vọng nhưng đằng sau đó, họ vẫn đang ngày đêm chiến đấu. Họ đang chờ dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, có thể trong vài tuần nữa, cũng có thể sẽ lâu hơn nhiều".