Bệnh nhân nhập viện vì nắng nóng tăng cao
Thời tiết nắng nóng cao điểm khiến lượng người nhập viện do các bệnh lý hô hấp, đột quỵ tăng cao đáng kể.
Nhiều trẻ em phải nhập viện do thời tiết nắng nóng.
Ùn ùn nhập viện
Tại một số cơ sở y tế lớn thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện có liên quan tới yếu tố thời tiết.
Bác sỹ Nghiêm Thị Mai Sang, Khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hơn một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước.
Số lượng bệnh nhi tại Khoa đang dao động 70 - 80 bệnh nhân/ngày, chủ yếu là mắc bệnh viêm đường hô hấp. Có những trường hợp đến viện muộn, bệnh nhân thậm chí bị suy hô hấp.
Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ sở khám chữa chuyên bệnh nhi lớn nhất cả nước cũng thông tin, trong những ngày qua, bệnh nhân liên tục gia tăng. Những ngày gần đây, Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 bệnh nhi/ngày, liên quan đến các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Chú ý triệu chứng khi bị sốc nhiệt ngày hè
Các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ.
Theo bác sỹ Phạm Đăng Hải, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốc nhiệt có thể khởi phát từ từ, hoặc đột ngột. Một số biểu hiện điển hình gồm: nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô (toát mồ hôi hiện diện trong một nửa các trường hợp của say nóng lúc hoạt động vật lý); mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, mửa và tiêu chảy; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển; rối loạn thần kinh trung ương: lên cơn động kinh và hôn mê; suy gan, suy thận và rối loạn đông máu.
TS. Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, cứ vào mùa nắng nóng, nhiều bệnh nhi vào viện với các triệu chứng về đường hô hấp, đường tiêu hóa... Số lượng bệnh nhi đến khám giai đoạn này tăng lên so với những tháng trước. Mỗi ngày, trung bình một bác sỹ khám khoảng 50 - 60 bệnh nhi.
Thống kê cho thấy, số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè. Cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, thì nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Ghi nhận nhanh tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày số bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 20% so với bình thường.
Các bác sỹ khuyến cáo, với bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên mà có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, có bệnh lý về máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu... cộng với thời tiết nắng nóng, huyết áp có thể tăng không kiểm soát được, nếu thêm thói quen ăn mặn, hạn chế vận động, rất dễ dẫn đến đột quỵ.
Hạn chế nguy cơ do nắng nóng
Thời tiết nắng nóng còn là yếu tố khiến các bệnh lý khác liên quan đến đột quỵ trầm trọng hơn. Nguy hiểm hơn, nếu không sớm nhận biết và khắc phục, người lớn tuổi sẽ đối mặt với đột quỵ ngay cả khi sức khỏe vẫn bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, khi thời tiết thay đổi thất thường sẽ gây ra một số bệnh ở người lớn tuổi. Ví dụ, với người mắc bệnh huyết áp, nắng nóng khiến cơ thể khó chịu, mất ngủ dẫn đến huyết áp không ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng mất nước nếu không uống đủ nước khiến bệnh nhân bị hẹp mạch máu não, ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu não. Ngoài ra, với các bệnh nhân có bệnh lý về phổi, nhiệt độ không ổn định cũng là nguyên nhân khởi phát đột quỵ cấp tính. Do vậy, người lớn tuổi nên tránh ra ngoài vào thời điểm nắng nóng và quan trọng nhất là uống đủ nước.
Với trẻ nhỏ, theo bác sỹ Nghiêm Thị Mai Sang, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ 2 ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở là những dấu hiệu phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Bên cạnh đó, sai lầm lớn nhất các mẹ thường gặp là tự ý đi mua thuốc điều trị cho con trước khi đến bệnh viện khám, được bác sỹ tư vấn, chỉ định. Việc làm này có thể vô tình kéo dài thời gian điều trị bệnh, chẩn đoán muộn.
Với thời tiết tại Hà Nội, việc sử dụng điều hòa là cần thiết với gia đình có trẻ nhỏ. Phụ huynh nên để điều hòa 27-28 độ, không nên để lạnh hoặc nóng quá, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Để hạn chế sốc nhiệt trong ngày hè, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh mãn tính cần hạn chế ra ngoài đường. Nếu bắt buộc phải đi ra đường khi trời nắng, nóng, phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng bằng vải cotton, đeo kính râm và khẩu trang để chống nắng, nóng.
Những công nhân, người lao động nặng nhọc, vận động viên, cầu thủ bóng đá... nên hạn chế làm việc trong thời gian dài ở môi trường nóng, ẩm. Nên tránh tập thể dục, đi bộ vào những thời điểm nắng nóng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/benh-nhan-nhap-vien-vi-nang-nong-tang-cao-d168225.html