Bệnh nhân tâm thần: Tội phạm tiềm ẩn
Những vụ án mạng đau lòng, nạn nhân chết dưới tay chính người thân của mình hoặc người không quen biết, thù oán chỉ vì họ có bệnh lí tâm thần, hành động trong vô thức, bộc phát.
Hiện trường vụ sát hại người vô cớ của đối tượng Phan Ngọc Nam
Đây là loại tội phạm tiềm ẩn, gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xử lí vụ án.
Bất ngờ giết người
Chỉ tính từ tháng 10/2020 đến nay, trong 9 vụ giết người xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 4 vụ giết người do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Thực trạng này đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Mới đây, vụ án mạng đau lòng xảy ra trên địa bàn xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Một người phụ nữ bị chết oan dưới lưỡi dao của đối tượng chưa từng quen biết.
Kẻ thủ ác nói trên là Phan Ngọc Nam (44 tuổi, ngụ xã Vọng Đông). Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 3h20 rạng sáng 3/2. Nam điều khiển xe mô tô trên tỉnh lộ 943 và cầm theo con dao dài khoảng 41cm.
Khi đến khu vực ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông, đối tượng đã đậu xe giữa đường và chặn xe ô tô khách do tài xế Lê Quang Minh (50 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) điều khiển. Trên xe còn có 2 người khác.
Lúc này, Nam yêu cầu mọi người trên xe phải chào Nam. Sau đó, y nhặt 2 cục gạch ống bên đường ném vỡ kính chắn gió của xe khách. Thấy anh Minh cùng 1 người xuống xe thì Nam bỏ chạy vào bên trong hàng rào nhà bà Trần Thị Lệ (68 tuổi).
Nghe tiếng động, bà Lệ cùng cháu Huỳnh Thị Yến Ly (12 tuổi) thức giấc và mở cửa ra xem.
Ngay lập tức, Nam dùng dao chém 1 nhát vào cổ bà Lệ. Hoảng sợ, cháu Ly bỏ chạy vào trong nhà lẩn trốn, Nam đuổi theo nhưng tìm không gặp nên quay trở ra tiếp tục chém nhiều nhát vào người bà Lệ, rồi cố thủ trong nhà.
“Riêng bệnh nhân tâm thần, phải được chữa trị và cần sự quan tâm, thấu hiểu nhiều hơn từ phía gia đình, xã hội để góp phần giảm thiểu những sự cố thương tâm xảy ra”.
Thượng tá Huỳnh Văn Đảm -Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang
Sau đó, lực lượng Công an huyện Thoại Sơn đã nhanh chóng bắt giữ Nam và đưa bà Lệ đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Theo Thiếu tá Trương Thanh Quý - Cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang, kết quả giám định kết luận, đối tượng Nam có biểu hiện của người bị tâm thần, gây khó khăn trong quá trình lấy lời khai hoặc hỏi cung để làm sáng tỏ nội dung vụ án. “Quy luật phạm tội của người mắc bệnh tâm thần khác với người phạm tội thông thường. Họ hoang tưởng về nguyên nhân, động cơ và mục đích phạm tội” - Thiếu tá Quý thông tin.
Một trường hợp đau lòng khác, khi kẻ sát nhân lại là bà ngoại của nạn nhân chỉ mới 8 tháng tuổi. Đối tượng trong vụ án này là bà Neàng Nhây (61 tuổi, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Được biết, bà Nhây có tiền sử bệnh tâm thần trên 10 năm. Tuy nhiên, từ 9/2020 đến nay bà không được đưa đi điều trị mà chỉ uống thuốc điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ. Thời gian gần đây, trong lúc gia đình đang tổ chức lễ làm phước theo phong tục của đồng bào Khmer thì con gái bà Nhây đã đưa cháu ngoại 8 tháng tuổi cho bà trông giúp. Sau đó, bà Nhây đã bế cháu ngoại vào phòng ngủ, rồi đến nhà bếp lấy một cây dao cắt vào cổ cháu bé dẫn đến tử vong. Gây án xong, bà Nhây đi ra khỏi phòng định tự tử nhưng được mọi người can ngăn và trình báo Công an xã Vĩnh Trung.
Lập danh sách để quản lý đối tượng
Theo cơ quan điều tra, tội phạm mắc bệnh tâm thần là người thực hiện hành vi phạm tội không có khả năng nhận thức hành vi, mất khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là một trong những khó khăn lớn của lực lượng trong quá trình xử lí vụ án.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Huỳnh Văn Đảm - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang nói: “Để hạn chế tối đa hành vi cố ý gây thương tích, giết người có liên quan đến yếu tố tâm thần trong thời gian tới, đề nghị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện rà soát, lập danh sách và hướng dẫn cấp xã việc quản lí và xử lí các tình huống liên quan đến người mắc bệnh tâm thần. Chỉ đạo cơ quan cấp xã phối hợp với các ban ngành ở cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cho gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, người thân của bệnh nhân cần thường xuyên gần gũi, giúp đỡ để người mắc bệnh tâm thần không bộc phát bệnh, sớm bình phục để hòa nhập với cộng đồng”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/benh-nhan-tam-than-toi-pham-tiem-an-post1329975.tpo