Bệnh nhân tuyến giáp không nhất phải khám vào buổi sáng
Để giúp người bệnh tuyến giáp đồng hành cùng các cơ sở y tế trong nỗ lực giảm tải và đỡ vất vả cho chính người bệnh trong quá trình khám bệnh, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã phân tích và đưa ra lời khuyên để mọi người lựa chọn thời gian thăm khám trong ngày cho phù hợp.
Theo đó, Trưởng Khoa Nội tiết Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết, bệnh nhân tuyến giáp khi đi khám, thường được chỉ định các xét nghiệm như xét nghiệm các hormon đánh giá chức năng tuyến giáp như FT4, FT3, TSH; xét nghiệm các kháng thể để chẩn đoán nguyên nhân rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc theo dõi ung thư giáp như TRAb, Anti-TPO, Anti-TG…
Ngoài ra, người bệnh một số xét nghiệm khác để theo dõi ảnh hưởng của thay đổi chức năng tuyến giáp như glucose, men gan, điện giải đồ, calci… hay siêu âm tuyến giap.
“Do các xét nghiệm máu nêu trên KHÔNG yêu cầu phải nhịn ăn, cho nên bệnh nhân không nhất thiết phải đi khám vào buổi sáng, hoàn toàn có thể lựa chọn một khung thời gian phù hợp hơn. Thực tế các xét nghiệm hormon FT4, TSH có khác biệt giữa buổi sáng và buổi chiều nhưng là rất nhỏ và không có ý nghĩa, không ảnh hưởng đến quyết định điều trị,” TS.BS Nguyễn Quang Bảy thông tin.

Siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân tại một cơ sở y tế
Thêm nữa, bệnh nhân bị suy giáp và cường giáp, nếu đi khám vào buổi chiều thì buổi sáng vẫn có thể uống các thuốc hormon (Levothyroxin) hoặc thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, hay thuốc tim mạch như bình thường.
Nghiên cứu của ngành y tế cho thấy, trong cơ cấu bệnh nội tiết tại các khoa khám bệnh thì bệnh tuyến giáp chiếm tỷ lệ xấp xỉ 50%, bao gồm các bệnh chính là suy giáp, cường giáp (chủ yếu là Basedow) và u tuyến giáp (lành hoặc ác tính).
Như mọi người đều biết, lâu nay người dân đi khám bệnh thường có tâm lý đi từ sáng sớm vào các ngày đầu tuần để “khám sớm, có kết quả sớm, xong sớm”. Việc khám buổi sáng cũng là để thuận tiện nhịn ăn nếu cần phải làm một số thủ thuật.
Đó là nguyên nhân vào buổi sáng và những ngày đầu tuần, các phòng khám, bệnh viện - nhất là những cơ sở y tế tuyến cuối tại các thành phố lớn đều phải hoạt động với công suất cao, nhiều khi quá tải cục bộ. Việc người bệnh tuyến giáp thay đổi múi giờ thăm khám sẽ góp phần trực tiếp vào nỗ lực giảm tải của ngành y tế.
Tài liệu của ngành cũng cho thấy, tình trạng cholesterol cao trong máu có thể xảy ra ở những người bị suy giáp; cơ thể phù nề, xuất hiện tình trạng giữ nước; nhịp tim tăng nhanh, cảm giác hồi hộp có thể là biểu hiện của cường giáp; đau nhức cơ… cần chủ động tới cơ sở y tế để được siêu âm tuyến giáp.
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, người khỏe mạnh có cần siêu âm tuyến giáp định kì không? Trên thực tế, dù khỏe mạnh hoàn toàn, vẫn nên khám siêu âm tuyến giáp ít nhất 1 lần mỗi năm.
Vì phần nhiều các trường hợp ung thư giáp được phát hiện tình cờ nhờ siêu âm giáp định kì. Các khối ung thư của tuyến giáp thường phát triển rất chậm và hầu như không gây ra biểu hiện khó chịu gì cho tới khi ung thư bước vào giai đoạn trễ và di căn.