Bệnh nhân u não nhưng trì hoãn đi khám vì tưởng bị 'ma bắt'
Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều bà con vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin điều trị u bướu bằng y học hiện đại. Tuy nhiên, thời gian qua, tại Bệnh viện K vẫn ghi nhận một số trường hợp cả tin, mê tín cho rằng có biểu hiện lạ của cơ thể do 'ma bắt', y học không thể điều trị khỏi bệnh; do đó không tới khám, bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị, để lại hậu quả đáng tiếc.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nông Thị Ch (54 tuổi, ở Cao Bằng), người dân tộc Tày. Đầu năm 2022, chị Ch có biểu hiện những cơn co giật nửa người, kèm theo có những đợt rối loạn trí nhớ, không nhớ việc đang định làm. Gia đình hoang mang, cho rằng chị Ch bị “ma bắt”, nên đã mời thầy cúng đến trừ tà ma nhưng không khỏi.
Sau khi tình trạng này kéo dài, chị Ch đến khám tại Bệnh viện K, được bác sĩ chỉ định chụp phim và ghi điện não đồ, phát hiện có khối tổn thương vùng não thái dương trái là nguyên nhân gây co giật, giảm trí nhớ của chị. Chị Ch cùng gia đình được bác sĩ tư vấn, giải thích, lúc này gia đình mới dần chấp nhận sự thật, suy nghĩ cần phải điều trị bệnh để thoái lui, chứ không phải cả tin, mê tín với suy nghĩ như trước đây.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là ca mổ phức tạp vì khối u dạng u máu nằm ở vị trí cạnh vùng nói và vùng trí nhớ của người bệnh. Việc lựa chọn chiến lược điều trị cũng được tính toán kỹ nhằm đảm bảo lấy bỏ khối u và vùng gây động kinh, và đảm bảo giữ được các vùng chức năng phát âm, hiểu ngôn ngữ và vùng trí nhớ.
Ca phẫu thuật được tiến hành ngày 24/11. Các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K đã tiến hành vi phẫu thuật lấy bỏ khối u và ứng dụng ghi điện não đồ trong mổ để xác định vùng gây co giật (động kinh) nhằm cắt bỏ vùng gây động kinh cho người bệnh. Sau 4 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân tỉnh, chức năng ngôn ngữ và trí nhớ được bảo vệ toàn bộ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K chia sẻ: “Ở người trưởng thành khi có biểu hiện co giật, cần chụp phim cộng hưởng từ sọ não để loại trừ các nguyên nhân ở não. Trường hợp của chị Ch được xác định co giật có nguyên nhân, và tổn thương còn khu trú rõ ràng, do vậy việc cắt bỏ toàn bộ khối u và vùng gây động kinh giúp người bệnh khỏi cơn động kinh. Kết quả sau mổ là khối u máu ở trong não, đây là khối u lành tính, nên người bệnh không cần điều trị bổ trợ thêm, chỉ cần duy trì thuốc chống động kinh khoảng 1 - 2 năm”.
Theo các bác sĩ, trường hợp của chị Ch là khá may mắn bởi khối u được xác định là lành tính, ca mổ diễn ra thành công. Nếu chị không tới khám và điều trị sớm thì sức khỏe, chất lượng cuộc sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người, khi có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám, điều trị kịp thời. Việc mê tín, tin vào phương pháp bài trừ tà ma, uống thuốc lá sẽ khỏi bệnh tiêu biến u có thể khiến bệnh nhân bở lỡ thời điểm vàng để điều trị, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.