Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại Huế và miền Trung
Bệnh viện Trung ương Huế vừa phát đi cảnh báo về sự gia tăng đột biến của bệnh whitmore do một loại vi khuẩn nguy hiểm được ghi nhận sau thời gian bão lũ vừa qua tại TT Huế và miền Trung.
Theo thông tin trên Dân Việt, chiều 23/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trước tình hình bệnh whitmore diễn biến phức tạp sau các đợt bão lũ liên tục ở miền Trung, Bệnh viện đã có văn bản thông báo tình hình để ngành y tế các địa phương quản lý và theo dõi, tạo điều kiện cho bệnh nhân tái khám điều trị đủ liệu trình.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hiện nay tình hình bệnh whitmore tại khu vực miền Trung diễn ra phức tạp, đặc biệt là sau các đợt bão lụt liên tục xảy ra tại khu vực. Số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tháng 10 đến thời điểm hiện nay tăng gấp nhiều lần so với cả năm.
Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, số lượt bệnh nhân mắc bệnh whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến với 30 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi. Trong số này, Thừa Thiên Huế có 14 bệnh nhân, Quảng Trị 9 bệnh nhân, Quảng Bình 4 bệnh nhân…
Nhiều trường hợp vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng rất nặng, cụ thể gần 50% số trường hợp vào viện trong tình trạng cần phải hồi sức tích cực. Thời gian vừa qua đã có trường hợp bệnh nhân tử vong.
Mới đây, PGS, TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin, thời gian qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều ca bệnh đến từ các địa phương đến từ các vùng lũ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các bệnh nhân nhập viện sau khi tiếp xúc lâu với nước và trong quá trình khắc phục lũ lụt có tiếp xúc đất và nước bẩn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể.
Theo đó, trong khoảng 30 ca bệnh đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới từ đầu năm đến nay đều là người hơn 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi...
Do có biểu hiện lâm sàng đa dạng nên bệnh whitmore rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác khiến việc điều trị không hiệu quả.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh Whitmore.
Cục Y tế Dự phòng đánh giá báo cáo từ đầu tháng 10/2020 đến nay cho thấy, tại khu vực các tỉnh miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore).
Theo Cục Y tế Dự phòng, tại các tỉnh miền Trung, sau các đợt mưa lũ kéo dài, môi trường ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển do đó thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis. Dù đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng tình trạng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Để chủ động có các biện pháp phòng chống hiệu quả, Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh Whitmore trên địa bàn 9 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Sở y tế các tỉnh cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Melioidosis, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis.
Trong công tác điều trị, các cơ sở y tế tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Melioidosis.
Sở y tế cần chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Melioidosis, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis.
Để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, sở y tế các tỉnh cần phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis nhằm đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Melioidosis.