Bệnh nhi gia tăng thời điểm giao mùa

Chớm thu, thời tiết thay đổi thất thường nên trẻ nhỏ có sức đề kháng kém dễ mắc các bệnh về hô hấp, bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, thời điểm này, tại Khoa Nhi và Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai, lượng bệnh nhi tăng đột biến.

Nhiều bệnh nhi điều trị các bệnh về hô hấp tại khoa Nhi.

Nhiều bệnh nhi điều trị các bệnh về hô hấp tại khoa Nhi.

Bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp tăng

Khoảng hơn 1 tuần nay, có nhiều ngày, lượng bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước, dao động từ 100 đến 120 bệnh nhi điều trị, trong đó bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp chiếm 50%.

Khoa Nhi của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh có chỉ tiêu 80 giường bệnh nhưng số giường thực kê hiện là 104 giường, thời gian cao điểm có nhiều bệnh nhi phải nằm ghép.

Bác sỹ Hoàng Trung Úy, Khoa Nhi cho biết: Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, thường sẽ khỏi sau 3 đến 5 ngày điều trị và trẻ bị viêm đường hô hấp dưới thường khỏi sau điều trị từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ bị bệnh nặng do đến điều trị muộn sẽ phải điều trị từ 7 ngày trở lên. Khi trẻ có dấu hiệu như ho, sổ mũi, sốt, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sỹ có phương pháp điều trị tối ưu nhất, tránh tự ý mua kháng sinh điều trị cho trẻ để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh.

Những bệnh nhi có tình trạng nặng, nhiễm trùng sẽ được bác sỹ nuôi cấy dịch tị hầu định danh vi khuẩn. Bác sỹ Hoàng Trung Úy kể về trường hợp bệnh nhi Đoàn Quang Dũng ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), sau khi nuôi cấy dịch tị hầu định danh vi khuẩn 10 loại kháng sinh cho kết quả kháng 6 loại và nhạy với 4 loại kháng sinh. Từ kết quả đó, bác sỹ sẽ sử dụng loại kháng sinh phù hợp để điều trị, giúp bệnh nhi mau khỏi bệnh.

Lời khuyên của bác sỹ Úy dành cho các bậc phụ huynh để phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong thời điểm giao mùa là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm lạnh, tiếp xúc với nguồn bệnh và cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng.

Nhiều bệnh nhi điều trị bệnh truyền nhiễm

Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh được bố trí ở khu vực cách biệt, thời điểm đông nhất tại đây có 81 bệnh nhi điều trị. Bệnh nhi bị sốt vi-rút chiếm phần lớn, bên cạnh đó là các bệnh tiêu chảy cấp, quai bị, thủy đậu, tay - chân - miệng.

Bác sỹ Hoàng Tùng, phụ trách Khoa Truyền nhiễm cho biết: Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12, số bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng có xu hướng gia tăng. Trẻ mắc tay - chân - miệng ở giai đoạn đầu có triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau họng, kén ăn, xuất hiện những nốt ban hồng ở tay, chân và các vết loét phía trong miệng… Triệu chứng thể nặng là trẻ sốt cao không hạ, quấy khóc nhiều và hay giật mình. Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh mà ngành y tế khuyến cáo như giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 bàn chân; tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh và những chỗ đông người, nơi có khói thuốc lá; cho trẻ ăn đủ chất, bổ sung trái cây, uống đủ nước. Hơn hết, cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để tạo lá chắn an toàn cho trẻ trước những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/benh-nhi-gia-tang-thoi-diem-giao-mua-z5n2019101209334108.htm